BS Nguyễn Ngọc Ấn, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Trung ương quân đội 108 cho biết, bệnh nhân Phùng Văn L., 53 tuổi vào viện cấp cứu do đau bụng từng cơn kèm chướng bụng, không đi đại tiện được.

Khi chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bán tắc ruột, lòng ruột gần như bị ken đặc do ung thư đại tràng lách (đoạn gấp khúc từ đại tràng ngang tới đại tràng xuống) giai đoạn 3.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cắt u và nạo vét hạch trước khi xạ trị.

Ung thư đại trực tràng thực chất là ung thư ruột già, là phần cuối của ống tiêu hóa sau đoạn ruột non.

Trên thế giới, ung thư đại trực tràng phổ biến thứ 4, còn tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong.

{keywords}

Hình ảnh ruột già bị ken đặc khiến bệnh nhân không thể đại tiện 

 

Đáng tiếc, tỉ lệ bệnh nhân đến BV chẩn đoán, phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm chỉ hơn 20%, số còn lại đều đến viện ở giai đoạn tiến triển 3-4, do đó điều trị gặp nhiều hạn chế.

Trước đây, ung thư đại trực tràng hay gặp ở người trên 50 tuổi nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hoá, nhiều trường hợp mới 12-16 tuổi đã phải phẫu thuật.

Đến nay, nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng chưa rõ ràng nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ với lối sống, chế độ ăn như thích đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ăn nhiều đồ chiên nướng, ăn ít chất xơ, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… Đây được xem là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.

Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%, đặc biệt là hội chứng đa polyp. Khi bị đa polyp đại trực tràng, sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư nếu không có can thiệp cắt polyp.

Các ca ung thư đại trực tràng còn lại hay gặp ở người có tiền sử bệnh viêm đại tràng mạn tính.

Trong số các cơ sở điều trị ung thư, BV K là nơi điều trị đông bệnh nhân nhất. Mỗi năm tại phẫu thuật khoảng 22.000 – 23.000 ca, trong đó riêng ung thư đại trực tràng đã chiếm 4.000 – 5.000 ca, tương đương 11-13 bệnh nhân/ngày.

Dù vậy, so với nhiều ung thư khác, tiên lượng điều trị ung thư đại trực tràng khá tốt.

TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, BV K cho biết, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm khi mắc ung thư đại trực tràng lên tới 85- 90%, khi đó bác sĩ chỉ cần cắt tách dưới niêm mạc.

Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 80%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 10%.

Dù là ung thư phổ biến song TS Bình cho biết, các dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn sớm rất nghèo nàn như đầy hơi, chướng bụng, rối loạn thói quen đi ngoài, đôi khi đi ngoài ra máu, táo bón, phân lỏng… khiến nhiều người lầm tưởng là rối loạn tiêu hoá thông thường.

Ở giai đoạn sớm, có khoảng 70-80% trường hợp có dấu hiệu đau bụng, đau không liên quan bữa ăn. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ.

Đến giai đoạn muộn, khối u trong lòng ruột to dần khiến khuôn phân nhỏ dẹt thậm chí gây bán tắc ruột, sút cân không rõ nguyên nhân, suy nhược…

Để chẩn đoán, nội soi sinh thiết khối u được coi là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư đại trực tràng.

Thúy Hạnh

Thanh niên 17 tuổi mắc ung thư đại tràng vì thói quen nhiều người mắc

Thanh niên 17 tuổi mắc ung thư đại tràng vì thói quen nhiều người mắc

Những người ngồi một chỗ quá lâu hoặc không bổ sung đủ chất xơ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng.