Không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện những tình yêu trẻ dại phải trả giá bằng hậu quả pháp lý. Tuy nhiên, pháp luật nhiều nước đã có những sự điều chỉnh hợp lý.
Câu chuyện của 500 năm trước
Thử tưởng tượng một câu chuyện thế này, vẫn chàng Romeo trong vở kịch nổi tiếng của Shakespeare, sau khi vượt qua định kiến dòng họ, hiểm nguy, đã trèo qua hàng rào, chàng đứng dưới ban công và thề thốt với trăng sao cùng nàng Juliet. Sau đó chàng trèo luôn vào phòng...
Nhưng sẽ không ai phải chết trong vở kịch, mà chàng Romeo thay vì sống ở cách đây hơn 500 năm, lại sống ở thế kỷ 21 văn minh. Thế thì, sẽ có nguy cơ trước khi kịp chiến đấu đến chết cho tình yêu và trở thành biểu tượng bất diệt, chàng sẽ bị cơ quan chức năng bắt, xét xử, và tống giam vì tội quan hệ tình dục với vị thành niên, thậm chí là hiếp dâm, tùy xem chàng đang sống trong pháp luật nước nào. Bởi vì trong tác phẩm vĩ đại của William Shakespeare, nàng Juliet mới chỉ 13 tuổi!
Trước cổng nhà Juliet ở TP Verona, Italia. Ảnh: Bùi Nam Sơn |
Quay lại chuyện nước mình ở thế kỷ này. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp trên báo chí những vụ án mà chú rể bị phạt hành chính hoặc bắt vài ngày sau lễ cưới, khiến chính cả cô dâu cũng ngỡ ngàng. Vì đơn giản, cả hai đều yêu nhau, đều tự nguyện và chẳng ai có ý định khởi kiện ai cả, nhưng cô dâu đang tuổi vị thành niên. Chẳng hạn mới đây, người ta xôn xao vì đám cưới mà cô dâu mới 14 tuổi.
Luật Hình sự Việt Nam quy định, người đã thành niên, tức là đủ 18 tuổi quan hệ với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, bất kể trong trường hợp nào đều bị coi là phạm tội quan hệ tình dục với trẻ em. Có nghĩa là trong trường hợp ngặt nghèo nhất chú rể và cô dâu chỉ cách nhau 2 tuổi, nhưng một người được xem là trẻ em chưa có khả năng nhận thức, một người thì đã đủ “già dặn” để nhận một bản án có thể theo mình suốt cuộc đời.
Luật là luật, người làm luật chắc hẳn phải có những lý do cả về lý luận và thực tiễn cho các quy định của mình. Nhưng xin mượn lời của của các luật sư ở Shapiro Law Firm – một hãng luật chuyên về hình sự ở Mỹ, rằng: “Ngoài mặt trời lặn mọc mỗi ngày và con nước thủy triều lên, qua bao nhiêu thế hệ con người, còn có một thứ chẳng hề thay đổi và bắt gặp định kỳ đó là những tình yêu trẻ dại”.
Viết lời yêu cho người yêu và gửi lên bức tường nhà Juliet. Ảnh: Bùi Nam Sơn |
Luật Romeo và Juliet
Tất nhiên, không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện những tình yêu trẻ dại phải trả giá bằng hậu quả pháp lý. Quy định về quan hệ tình dục với trẻ em dưới một độ tuổi nhất định dù có được sự thuận tình từ phía nạn nhân vẫn bị coi là hiếp dâm trẻ em hoặc một tội phạm tình dục tương tự là phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, pháp luật nhiều nước đã có những sự điều chỉnh hợp lý, mà tiêu biểu nhất là hệ thống các luật gọi chung là luật Romeo và Juliet ở Mỹ.
Ví dụ, Điều khoản 943.04354 – Loại trừ đòi hỏi phải chịu các tội danh về tội phạm tình dục và tấn công tình dục trong các trường hợp đặc biệt của bang Florida thông qua năm 2008. Quy định này nêu rõ, sẽ không truy cứu nếu nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 14 - 17 tuổi và người yêu không lớn hơn quá 4 tuổi. Tất nhiên quan hệ này phải dựa trên tình yêu và sự tự nguyện, không được có bất cứ dấu hiệu nào của bạo lực hay ép buộc.
Tương tự, các bang khác ở Mỹ có thể tăng hoặc giảm tuổi tối thiểu của người trẻ hơn thành 13 như ở bang Connecticut, hoặc 15 tuổi như ở Texas và khoảng cách tuổi giữa hai người có thể từ 2, 3 thậm chí là 6 tuổi như ở Vermont.
Tổng hợp lại, cho đến năm 2012 đã có 31 bang ở Mỹ sử dụng các quy định về khoảng cách tuổi để bảo vệ “Romeo” trong các cáo buộc về tội phạm liên quan đến tình dục trẻ em, khoảng cách tuổi phổ biến nhất là từ 3 - 4 tuổi. Thậm chí, tiến bộ hơn, đang có những cuộc đấu tranh của phụ huynh ở các bang chưa có luật này hoặc áp dụng luật này cho quan hệ đồng tính để bảo vệ chính con cái của mình.
Có lẽ không cần phải phân tích nhiều hơn về ý nghĩa của Luật Romeo và Juliet trong trường hợp này. Nếu xem các quy định bắt buộc về tình dục trẻ em là thanh kiếm để chiến đấu chống lại tội phạm, thì Luật Romeo và Juliet giống như tấm khiên để bảo vệ tình yêu khi nó xảy ở lứa tuổi chưa chín. Nói cách khác, đây là một sự cân bằng cần thiết trong một địa phận nhạy cảm nhưng rất “con người”.
“Đừng biến mình thành con người của pháp luật”
Nhắc đến pháp luật, có lẽ những khái niệm quyền con người như quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu… có vẻ quen thuộc hơn là khái niệm tình yêu. Và pháp luật, như cách định nghĩa dành cho bất kỳ sinh viên năm nhất nào ở nước ta, là những quy tắc xử sự chung, được quy định và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
Song, mặt khác, “Pháp luật sinh ra để phục vụ con người, đừng biến mình thành con người của pháp luật”, đó là lời đầu tiên trong cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi được học khi bắt đầu tìm hiểu hệ thống pháp luật Âu – Mỹ. Với cách tư duy này, song song với tìm hiểu quy định đã có, bản thân người làm luật và người áp dụng phải đứng lùi lại để xem điều gì là nhân văn nhất, điều gì là có lợi nhất cho con người.
Luật Romeo và Juliet có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất cho một tư duy pháp luật tiến bộ, điều mà các nhà làm luật Việt Nam rất cần lưu tâm trong quá trình tiếp cận các khái niệm về quyền con người – khái niệm đạt được trình độ rất cao ở các nước phát triển.
Bùi Phú Châu (Trường Luật Westminster – London – Vương Quốc Anh)
Bài cùng tác giả:
‘Quyền được chết’ và vụ án tranh cãi hơn một thế kỷ Để có thể luật hóa một quy định còn nhiều tranh cãi như quyền được chết, trước hết đòi hỏi một trình độ phát triển cao của KT-XH, nơi y tế và phúc lợi XH đã đạt đến một trình độ bình đẳng nhất định. Quyền im lặng: Khi cuộc sống không như là phim Quy định quyền im lặng trong giai đoạn hiện nay là một bước phát triển tự nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tiến hành xem xét cẩn trọng, cân nhắc cả lý thuyết và thực tiễn. Cơn bão lo chung và những người bạn bên kia biển Đông Tôi biết ánh mắt mình giờ có lẽ sẽ hướng ra xa hơn, không chỉ trong Biển Đông trước mặt, mà còn về phía những người bạn đã từng cùng lo chung với VN một cơn bão. |