Hệ thống giao thông thông minh

Sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật thông tin và truyền thông đã góp phần thúc đẩy cho sự ra đời của nhiều ứng dụng trong quản lý, khai thác giao thông đường bộ mà trong đó phải kể đến sự xuất hiện của hệ thống giao thông thông minh. Tại các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản…, khái niệm “Hệ thống giao thông thông minh” (Intelligent Transport System - ITS) không còn xa lạ. Cụ thể, đó là việc đưa công nghệ cao của thông tin - truyền thông ứng dụng vào cơ sở hạ tầng và trong phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô), tối ưu hoá quản lý, điều hành nhằm giảm thiểu ùn tắc, tai nạn, tăng cường năng lực vận tải hành khách… Trong đó, trung tâm điều khiển giao thông đóng vai trò trung tâm đảm đương chức năng theo dõi, tiếp nhận thông tin về tốc độ, vị trí, hướng phương tiện di chuyển, điều kiện đường sá và thời tiết theo thời gian thực. Tất cả đều được truyền liên tục đến máy tính trung tâm để phân tích, xử lý và nhanh chóng đưa ra thông báo về mật độ, lưu lượng xe, dự báo sự cố… tới phương tiện gắn thiết bị thu tín hiệu, giúp tài xế nhanh chóng chọn cho mình giải pháp tham gia giao thông tối ưu.

ITS không còn xa Việt Nam

Sự gia tăng về số lượng và mật độ phương tiện giao thông không ngừng ở Việt Nam (đặc biệt ở những trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM), khiến các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông trở thành vấn nạn nghiêm trọng. Trong khi đó, việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông lại ngày càng bị hạn chế. Thạc sĩ Đoàn Quốc Chuyên, nghiên cứu sinh đang triển khai đề tài nghiên cứu “Trung tâm quản lý giao thông đường bộ thông minh” tại đại học IRSEEM, Pháp, cho rằng: “Trong khi hệ thống quản lý giao thông hiện tại chưa thật sự linh hoạt do thời gian trễ lớn, độ chọn lọc thông tin kém hiệu quả, và việc xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng để khắc phục những hạn chế đòi hỏi rất nhiều kinh phí, thì việc triển khai ứng dụng ITS tại Việt Nam đang trở nên cần kíp”.

Đường phố sẽ thông thoáng hơn khi ITS được ứng dụng rộng rãi

Nếu đặt câu hỏi “Việt Nam đã có khả năng ứng dụng ITS chưa?” thì câu trả lời là có. Từ giữa năm 2005, các kĩ sư, giảng viên bộ môn Điều khiển học – ĐH Giao thông vận tải đã công bố nghiên cứu thành công một số ứng dụng của hệ thống “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hoá trong điều khiển, quản lý giao thông đô thị” như thiết bị đo đếm xe trên đường sử dụng công nghệ xử lý ảnh, thiết bị kiểm soát hành trình offline dựa trên công nghệ định vị toàn cầu GPS, thiết bị thu và truyền dữ liệu online kết hợp GPS và GSM... Bên cạnh đó là giải pháp khác mang tên “Quản lý đội phương tiện giao thông NFMS” (giành giải thưởng Nhân tài đất Việt 2006) của Công ty TNHH Viễn Tân hiện đang được một số đơn vị triển khai hiệu quả như DN vận tải Công Thành, công ty cổ phần giao nhận kho vận Hải Dương (TP. HCM), hãng taxi Phương Trang (Lâm Đồng)… Cụ thể, với thiết bị phần cứng lắp đặt trong xe được cài phần mềm EasyLog, tài xế nếu sử dụng thiết bị cầm tay như laptop, điện thoại di động, PDA sử dụng công nghệ GPS, GIS, GSM, CDMA đều có thể truy cập thông tin cần thiết như chọn đường đi ngắn nhất, tránh các điểm ùn tắc trong giờ cao điểm. Cùng đó, bộ phận điều hành phương tiện của DN ngoài khả năng kiểm soát phương tiện, còn nắm được thông số về nhiên liệu tiêu hao, thời gian vận hành, khối lượng vận chuyển…

Tuy nhiên, việc ứng dụng mới chỉ manh mún, bó hẹp trong một số DN vận tải riêng lẻ có khả năng tài chính và người lãnh đạo nhanh nhạy trong ứng dụng CNTT. Trong khi đó, thiệt hại từ nạn ách tắc giao thông tại các đô thị không hề nhỏ. Theo thống kê của khoa Kỹ thuật - Giao thông ĐH Bách khoa TP. HCM công bố năm 2007, tính riêng TP. HCM mỗi ngày số tiền thiệt hại lên tới 20 tỉ đồng - tương đương 7.500 tỉ đồng/năm.

Đã đến lúc ITS cần được những nhà quản lý đô thị (trước hết là Sở Giao thông Công chính các đô thị) quan tâm đúng mức, lập đề án ứng dụng đồng bộ cho hoạt động giao thông. Để hoạt động ITS đạt hiệu quả cao thì yếu tố lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đảm bảo cho đường truyền ổn định, hạn chế tối đa chuyện mất sóng là vấn đề vô cùng quan trọng.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 85 ra ngày 15/9/2008