Sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và tình hình thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh.
Điều kiện kinh doanh “hoá thân” vào quy chuẩn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, đến nay vẫn còn 21 văn bản nợ đọng, trong đó có 6 văn bản nợ đọng quá lâu, có văn bản quá hạn từ 1-4 tháng. Cá biệt có văn bản quá hạn đến 8 tháng. Đây là rào cản lớn trong thực thi pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt bỏ 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Với những con số này, Chủ nhiệm VPCP nhìn nhận: "Chúng ta đã có sự cố gắng và quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tham gia sản xuất kinh doanh, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện".
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm còn cơ học và cần xem xét thực chất hơn.
Điều này được phản ảnh qua thực tế công tác kiểm tra chuyên ngành 6 tháng đầu năm còn chậm, chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xoá bỏ thủ tục kiểm tra như Thủ tướng chỉ đạo.
Bộ trưởng nêu thực tế vẫn còn không ít trường hợp chồng chéo khi hàng hóa phải cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý kiểm tra chuyên ngành do nhiều đơn vị cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định.
Chẳng hạn, sản phẩm rada thu phát sóng phải chịu sự quản lý của cả Bộ TT&TT và Bộ GTVT. Hay hệ thống sản phẩm làm lạnh chịu sự kiểm tra của 3 bộ là Công thương, KHCN, LĐ-TB-XH. Tương tự, các mặt hàng như dược liệu, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng còn những chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành...
Ông cũng cho biết, DN phản ảnh nhiều nơi cắt giảm về số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có trường hợp còn kéo dài 1-3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.
Chủ nhiệm VPCP dẫn lại đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, hoặc nhiều đơn vị trong cùng một bộ.
Thậm chí, có tình trạng điều kiện kinh doanh “hoá thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, không giải quyết được bài toán đề ra, tình trạng xin cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Chi phí không chính thức với DN có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực. Nhiều hiệp hội DN “than” các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, một số đơn vị chỉ chạy theo mục đích cắt giảm cơ học các thủ tục hoặc làm vì thành tích, cắt giảm “lấy được” mà không quan tấm đến yêu cầu đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước.
Ông nhấn mạnh lại chỉ đạo của Thủ tướng là phải "cương quyết cắt bỏ những thủ tục gắn với quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành".
Các bộ thường nói nhiều về thành tích
Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) chỉ ra rằng, còn có sự thiếu thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Chẳng hạn thủ tục cấp giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đang bộc lộ nhiều quy định chưa rõ, chưa thống nhất nên mỗi tỉnh vận dụng một cách khác nhau và bản thân các tỉnh cũng không biết thế nào là đúng.
Hay, thủ tục về có đủ nước sạch để cung cấp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mỗi tỉnh quy định một kiểu. Có tỉnh yêu cầu DN phải đưa ra hợp đồng sử dụng nước, có tỉnh yêu cầu phải có hóa đơn sử dụng hàng tháng, trong khi DN chưa đi vào hoạt động thì chưa thể có được hóa đơn đó.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM |
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) đánh giá nhiệm kỳ này đã thực hiện nhiều cải cách được DN đánh giá cao, thực sự có tác dụng. Điển hình là đầu tư tư nhân trong nước tăng rất nhiều so với đầu tư của Nhà nước và nước ngoài, là động lực lớn góp phần tăng trưởng.
Tuy nhiên, đỉnh điểm cải cách là vào năm 2018, sau đó chưa có sự bứt phá. Vì vậy ông đề nghị tiếp tục làm nóng hơn không khí cải cách, tạo ra niềm tin xã hội.
Dẫn lại thực tế trong quá trình đi khảo sát ở một số địa phương, TS Nguyễn Đình Cung kể có chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh than thở “cứ lên bộ là rất sợ”, vì không biết gặp ai cho đúng và chẳng biết bao giờ mới xong.
Theo ông Cung, “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa chưa nóng” và thực tế chúng ta gia nhập thị trường tương đối tốt nhưng lại đang tắc ở khâu đầu tư tài sản để tạo năng lực sản xuất.
Việc này xuất phát từ các luật chồng chéo, mâu thuẫn, khác nhau nên "làm đúng cái này thì sai cái kia, làm thế nào cũng sai”.
TS Nguyễn Đình Cung cũng nêu thực tế, khi có tập thể quyết định thì mọi việc chạy, nhưng "bây giờ không ai dám quyết định". Đặc biệt với những dự án đầu tư lớn, những dự án tạo tài sản thì “chưa ai dám quyết định như nhiệm kỳ trước”.
Vì vậy, ông cho rằng, đây vẫn là khoảng trống và cũng là chỗ mà lợi ích của ngành “hết sức đậm nét”, cần tập trung xử lý nhiều hơn.
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Viện trưởng CIEM cũng thẳng thắn nhận xét "các bộ thường nói về thành tích nhiều hơn là vấn đề của bộ mình".
'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén'
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.
Thu Hằng