Trải qua mấy chục năm trong nghề với bao lớp học trò, nhưng có lẽ, câu chuyện về T.T. vẫn luôn là kỉ niệm khó quên đối với cô V. (một cô giáo chủ nhiệm tại Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội).

Cô V. vẫn rất ấn tượng vẻ bề ngoài tự tin và xinh tươi của T. từ lần em giới thiệu về bản thân mình trước lớp.

"Bảng thành tích học tập của em cũng rất xuất sắc. Cấp 2, em là liên đội trưởng của trường và có tiếng là một người học trò ngoan ngoãn, đa tài. Với những thành tích vượt trội như thế, em đã khiến tôi không thể không cân nhắc đưa vào đội ngũ cán bộ lớp”, cô V. kể.

Nhưng cũng trong thời gian đó, cô V. bắt đầu nghe các học sinh trong lớp bàn tán những thông tin không hay về T..

“Ban đầu, tôi nghĩ rằng mình không nên nghe những tin đồn vô căn cứ ấy. Dù vậy, tôi vẫn thường xuyên âm thầm theo dõi em mỗi khi tan lớp. Và một hôm, tôi bắt gặp em đứng nói chuyện với một số thanh niên lạ ngoài trường học. Dần dần, lực học của em sa sút hẳn, đặc biệt đối với môn của tôi”.

Đó là một trong những điều khiến cô lo lắng nhất. Cô cũng đã thử gặp riêng để nói chuyện với T., nhưng em luôn giải thích rằng “Vừa chuyển cấp nên con chưa thích nghi kịp với chương trình mới và cách dạy mới”.

Xin phép gặp phụ huynh để trao đổi về tình hình của T., cô V. ngỡ ngàng khi biết rằng em có hoàn cảnh kém may mắn hơn các bạn khác: Bố mẹ ly hôn, em sống cùng mẹ và bố dượng. Chỉ vì quá thương em nên mẹ rất khắt khe và hay cấm đoán.

Đối với trẻ, càng cấm đoán các em càng tò mò. Ở lứa tuổi ẩm ương nửa trẻ con nửa người lớn, các em khó chấp nhận việc bị kiểm soát quá nhiều. Chính vì thế mà em với mẹ không thể hòa hợp. Bố dượng vì mải lo công việc nên cũng không quan tâm nhiều tới em.

Cô V. càng cảm thấy cần có trách nhiệm với em hơn. Cô vẫn thường xuyên đi theo em mỗi khi tan trường và chỉ yên tâm khi em về đến tận nhà.

Nhưng rồi đến một hôm, lớp xảy ra mất trộm - bạn H.A. đã bị mất một chiếc điện thoại iPhone ở giờ học thể dục.

“Hồi đó điện thoại iPhone còn rất hiếm, ngay bản thân tôi cũng chưa sử dụng bao giờ. Trong lớp chỉ có hai bạn sử dụng là H.A. và T. Vì thế, việc mất điện thoại làm cả lớp xáo trộn. Tôi buộc phải yêu cầu các em ngồi lại cùng xử lý. Các em đưa ra phương án kiểm tra và khám xét lẫn nhau. Không còn cách nào khác, tôi đành chấp nhận”.

Trong khi các học trò tự kiểm tra và kiểm tra giúp bạn, cô V. chọn cách âm thầm theo dõi thái độ của từng em. Lúc đó, T. biểu lộ vẻ lo lắng và bối rối. Tuy nhiên, ngày hôm đó vẫn chưa tìm ra chiếc điện thoại bị mất. Sau khi về nhà, H.A. bật định vị lên kiểm tra thì phát hiện chiếc điện thoại đó đang ở khu vực một tòa chung cư và xem trên danh sách của lớp thì đó là địa chỉ nhà T.

“Nghe tin, tôi rất buồn và xen lẫn một chút thất vọng về học sinh của mình”.

Trưa hôm sau, tan học, cô đã hẹn T. và học sinh bị mất điện thoại ở lại để nói chuyện. Lúc đầu T. không nhận lỗi, em khóc rất nhiều, đổ lỗi cho cô và H.A. khi đã vu oan cho bản thân.

"Sau đó, tôi đã cùng các em về nhà để làm việc với phụ huynh. Sau nhiều giờ căng thẳng và khuyên nhủ, cuối cùng T. đã nhận lỗi và nói đã bán điện thoại để trả nợ".

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

“Tối hôm đó, tôi nói chuyện qua tin nhắn với em rất nhiều. Tôi khuyên nếu em thực sự đang gặp khó khăn gì thì hãy nói, đồng thời hỏi em về địa chỉ bán điện thoại để tôi đến chuộc lại. Sau khi sự việc kết thúc, điện thoại được chuộc lại và trả cho người đã mất, T. nhất định xin gia đình chuyển trường vì nếu cả lớp biết chuyện em sẽ rất xấu hổ”.

Cô V. hiểu trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những sai lầm, huống hồ những đứa trẻ. Điều quan trọng là biết sai và cố gắng sửa nó. Vì thế, cô đã cho T. thêm một cơ hội.

“Tôi đã cùng T. và mẹ em đến nhà học sinh bị mất điện thoại để trả lại, nói lời xin lỗi và xin gia đình cho T. cơ hội sửa sai. Trên lớp, cô thông báo tới các thành viên đã tìm được điện thoại bằng một lí do khác, là có một học sinh lớp khác nhặt được và trả lại”.

Thấy vậy, T. đã tự giác viết bản tường trình kể lại đầu đuôi sự việc cho cô. Chỉ vì lòng tham nhất thời, thiếu suy nghĩ, vì những món nợ do mua sắm quá đà..., em đã dại dột làm liều.

“Em đã tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống của mình, và những trang viết đẫm nước mắt của em đến bây giờ tôi vẫn giữ. Em hứa với tôi cuối học kì sẽ cố gắng để đạt học sinh giỏi”.

Như nợ cô một ân tình, vốn dĩ thông minh, nhanh nhẹn nên T. đã tự tin trở lại.

Cuối học kì, mặc dù đạt học lực Giỏi, nhưng trước lớp, em đứng lên nhận hạnh kiểm Khá vì "cảm thấy mình không xứng đáng". Các bạn trong lớp đều ngơ ngác không hiểu, chỉ cô và H.A. hiểu điều này.

“Nhưng với những gì em đã cố gắng và hơn hết là thái độ sống tích cực để vượt qua sai lầm, tôi vẫn quyết định xếp cho em hạnh kiểm Tốt. Như thế không có nghĩa là bao che, mà tôi nhận thấy đó là trách nhiệm của một người thầy giúp học sinh cảm thấy có niềm tin với cuộc sống, có niềm tin rằng nếu mình biết nhận ra sai lầm thì vẫn có thể sửa đổi được”, cô V nói.

“Giờ đây, với tôi, T. không chỉ là một người học trò mà còn là một người bạn. Một người bạn khiến tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với nghề, khiến tôi nhận ra rằng nghề dạy học ngoài cái tầm, kiến thức chuyên môn thì rất cần cái tâm. Phải dùng nhân cách để giáo dục nhân cách và đặc biệt phải dạy trẻ bằng cả trái tim của mình”, cô V tâm sự.

Cô V. kể, nhiều năm trôi qua, T. giờ đã vào đại học nhưng vẫn thường đến thăm cô vào cuối tuần. Và mỗi lần như vậy, cô trò lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp.

Thanh Hùng (ghi)

Bảo bối của cô giáo "hiểu học sinh hơn cả cha mẹ"

Bảo bối của cô giáo "hiểu học sinh hơn cả cha mẹ"

Trong hành trang "sổ sách" của mình, cô Vũ Thị Tuyết Nga, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) có một thứ đặc biệt.