Tiếc hùi hụi vì vuột mất cơ hội tiền tỷ
Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội bắt đáy trên thị trường bất động sản. Khảo sát cho thấy, giá bất động sản hầu như miễn nhiễm với dịch bệnh. Nhiều nhà đầu tư chờ đợi giá giảm, chủ đầu tư cắt lãi hay xả hàng đã phải thất vọng vì thị trường đi theo hướng ngược lại, không ít người đánh mất cơ hội kiếm lời trong tiếc nuối.
Đầu năm 2020, ông Nguyễn Minh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) được bạn bè giới thiệu lô đất hơn 100 m2 ở một quận mới của Hà Nội. Thời điểm đó, lô đất có giá khoảng 40 triệu đồng/m2, vị trí đẹp, mặt đường rộng, ô tô đỗ cửa, khu dân cư hoàn thiện về hạ tầng.
Do chủ nhà cần tiền bán gấp nên ông Tuấn có thể thương lượng được mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, do tâm lý nghe ngóng chờ thị trường chung giảm nên ông Tuấn đã không “xuống tiền”.
Ít lâu sau, chủ nhà đã sang tên cho người khác. Hiện, lô đất đó có giá trên 45 triệu đồng/m2. Theo khảo sát, giá đất khu vực này đang tăng đáng kể. Từ đầu năm tới nay, dù dịch bệnh nhưng mặt bằng chung của khu vực tăng 10-20%.
Bỏ lỡ cơ hội do tâm lý bắt đáy thị trường |
Ông Tuấn cảm thấy tiếc vì đã bỏ qua cơ hội đầu tư sinh lời lớn trong thời gian ngắn. “Đúng là cứ chờ thị trường giảm giá đã khiến mình bỏ qua cơ hội. Nếu lúc đó mà mua luôn thì giờ đã lời cả tỷ đồng”, ông nói. Công cuộc bắt đáy thất bại khi bỏ lỡ cơ hội kiếm lời hấp dẫn.
Tương tự, chị Nguyễn Mai Thanh (quận 3, TP.HCM) cũng không mua được nhà. Tháng 4/2020, chị và chồng lên kế hoạch đi mua nhà tại quận 8. Sau khi xem thực tế, vợ chồng chị Thanh rất ưng căn hộ hơn 60m2 có giá 2 tỷ đồng.
Theo tính toán, căn hộ này có mức giá hợp lý với tài chính của vợ chồng chị, chất lượng còn mới. Chủ nhà đang bán gấp nên có mức giá tốt. Trong khi đó, các căn hộ cùng chung cư này đang có mức chênh 400-500 triệu đồng/căn.
Dù khá ưng với căn hộ trên nhưng vợ chồng chị Thanh vẫn lăn tăn vì khả năng thị trường có thể giảm. Chị tìm kiếm thông tin trên mạng thấy nhiều dự án mở bán trong thời gian tới nên anh chị quyết định dừng mua.
Đầu tháng 6, vợ chồng chị tiếp tục khảo sát các dự án để mua nhà. Tuy nhiên, mức giá chung cư hiện khá cao, đều không phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Bên cạnh đó, số lượng dự án mới đang khá hạn chế nên không có nhiều sự lựa chọn.
Chị Thanh liên hệ lại căn hộ ở quận 8 nhưng chủ nhà đã bán từ lâu. Giờ giá căn hộ đó đã tăng lên 2,5 tỷ đồng. Với số tiền của vợ chồng chị, môi giới vẫn tìm được những căn hộ khác có cùng diện tích nhưng không căn nào có vị trí và tầm nhìn tốt như căn ban đầu.
Giá nhà đất vẫn tăng
Theo báo cáo của VARS, tại Hà Nội, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5% so với quý trước, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Một số dự án thuộc phân khúc bình dân giá còn được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền ở Hà Nội do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên cũng tăng mạnh.
Còn thống kê của kênh thông tin batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán đất nền nhà phố, căn hộ tại TP.HCM đều tăng. Giá chào bán đất nền trung bình tại quận Thủ Đức hiện rơi vào tầm 54 triệu đồng/m2, tăng 1,2% so với giá chào bán thời điểm đầu năm. Riêng loại hình căn hộ có giá bán khoảng 33 triệu đồng/m2, tăng 1,1% so với giá chào bán cuối năm 2019.
Giá nhà tại TPHCM và Hà Nội tiếp tục tăng |
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE - cho rằng, bất động sản là sản phẩm đầu tư dài hạn. Các chủ đầu tư, tổ chức chào bán sản phẩm thường phải mất ít nhất 2 năm, đó là nhanh. Còn thông thường, thời gian này phải lên tới 3-4 năm, từ giai đoạn có được lô đất, tính toán bài toán đầu tư xây dựng rồi mới đưa sản phẩm ra thị trường. Dịch bệnh mới xảy ra chưa tới 1 năm.Thời gian rất ngắn, khó để cho các chủ đầu tư có thể điều chỉnh giá.
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường của JLL Việt Nam, với phân khúc nhà liền thổ, thị trường tiếp ghi nhận kỷ lục mới về giá bán với mức 5.277 USD/m2 (tương đương hơn 121 triệu đồng/m2), tăng 36% theo năm và 5% theo quý.
“Nguyên nhân là các dự án mới ra mắt chào giá cao hơn mức trung bình. Điều này một lần nữa khẳng định sự tự tin của chủ đầu tư trong giai đoạn nhu cầu cao trong khi nguồn cung khan hiếm” - bà Trang đánh giá.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, nhu cầu nhà ở, đầu tư nhà đất vẫn rất lớn. Bất động sản vẫn được xem là kênh an toàn, bền vững và có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn các kênh khác như tiền gửi tiết kiệm hay vàng, chứng khoán.
“Giá nhà đất khó giảm, nhất là khu đông sẽ tăng trong thời gian tới. Phân khúc trung cấp, bình dân sẽ tăng mạnh nhờ những thông tin tích cực. Đồng thời, bất động sản cao cấp cũng có nhiều cơ hội vì hiện nay với việc giá neo lại, nhích nhẹ lại là tầm ngắm của những nhà đầu tư có tài chính mạnh. Đây là thời điểm mua vào tốt của bất động sản cao cấp để chờ đợi cơ hội gia tăng lợi nhuận sau dịch” - ông Quang phân tích.
Mới đây, tờ The Economist đã đưa ra thông tin dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế toàn cầu nhưng riêng với bất động sản, giá nhà đất không những không giảm mà còn có dấu hiệu “leo thang”.
Dù giá đất tăng nhưng các chuyên gia đều cùng quan điểm khó xảy ra bong bóng. Còn đánh giá về tiềm năng, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài khi họ so sánh mặt bằng giá bất động sản nhà ở Việt Nam bao gồm cả TP.HCM với các thành phố khu vực như Bangkok, Singapore, Hongkong, Tokyo, đều thấy bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng cả về quy mô thị trường và giá.
Duy Anh