Sáng 4/2, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
207 đại biểu Trung ương, 293 đại biểu địa phương
Trình bày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, khóa mới có 500 ĐBQH.
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy |
Trong đó, số lượng, cơ cấu thành phần ĐBQH ở Trung ương là 207, chiếm 41,4%; ở địa phương là 293 đại biểu, chiếm 58,6%.
Số lượng ĐBQH ở địa phương được phân bổ theo cơ cấu định hướng gồm: 220 đại biểu, chiếm 44% và cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu là 73 đại biểu chiếm 14,6%.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, với cơ cấu 207 đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa mới thì nhiều hơn khóa XIV 9 người (Khóa XIV 198 đại biểu, chiếm 39,6%).
Trong đó, các cơ quan Đảng có 10 đại biểu, ít hơn khóa trước 1; cơ quan Chủ tịch nước có 3 đại biểu bằng khóa trước.
Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an) có 15 đại biểu, so với khóa trước giảm 3 người. Còn lực lượng vũ trang có 12 đại biểu quân đội, giảm 3 người; công an có 2 đại biểu, ít hơn khóa trước 1 người.
Riêng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) có133 đại biểu, nhiều hơn khóa trước 19 người (Khóa XIV có 114).
Riêng khối TAND, VKS, Kiểm toán Nhà nước có số đại biểu bằng khóa trước, mỗi cơ quan 1 người.
Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có 29 đại biểu, ít hơn khóa trước 2 người; trong đó có đại biểu phụ nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử, đại biểu nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Dân chủ, khách quan
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. |
Theo ông Mẫn, đến thời điểm này các công việc đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình thời gian đã đề ra. Việc tổ chức hiệp thương là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho hay, theo quy định, để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành 3 lần. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 17/2/2021. Hiệp thương lần 2 sẽ xong trước ngày 19/3. Hiệp thương lần 3 hoàn thành trước ngày 18/4.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, để thực hiện công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao.
Thu Hằng
Ông Phạm Minh Chính: Không để lọt những người chạy chức quyền vào Quốc hội
"Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.