Hơn 56 năm trước, một cô bé 11 tuổi đã bị bỏ rơi trên một con tàu chìm, trong khi bố mẹ và anh trai bị giết chết một cách tàn nhẫn. Trong bốn ngày, cô bé đã phải xoay xở mọi cách để sinh tồn trên biển, không nước, không thức ăn, phơi mình giữa đại dương mênh mông và mặt trời bỏng cháy.
Ký ức đáng quên đó tưởng chừng sẽ mãi mãi chìm sâu xuống đáy đại dương, nhưng một cách kỳ diệu, cô bé đã xoay sở để sống sót, và điều kỳ diệu thứ 2 xảy ra vào năm 1999, khi một người bạn của cô, nhà tâm lý học Richard Logan, đồng tác giả cuốn hồi ký ''Alone, Orphaned on the Ocean'', gợi ý việc sử dụng ''huyết thanh nói thật" vào năm 1999 để giúp cô nhớ lại tường tận những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ để hoàn thành cuốn sách.
Và dưới đây là câu chuyện điên rồ nhưng ngoạn mục của Terry Jo, cô gái đã sống sót trước đại dương sau cái đêm mà cô mất cả gia đình của mình.
Ngày 8 tháng 11 năm 1961, bác sĩ nhãn khoa, tiến sĩ Arthur Duperrault và gia đình của ông đã đi từ Florida tới Bahamas trên chiếc thuyền tên Bluebelle của họ. Thuyền trưởng của con tàu tên Julian Harvey, ông này cũng đem theo vợ mình - Mary Harvey.
Các thành viên gia đình của Tiến sĩ Duperrault (41 tuổi) tới từ vùng Vịnh Green, Wisconsin, gồm có vợ ông tê Jean (38 tuổi), con trai Brian (14 tuổi), và hai con gái - Terry Jo (11 tuổi) cùng Renee (7 tuổi).
Vào đêm 12 tháng 11, Terry Jo tỉnh dậy sau khi nghe thấy tiếng hét lên từ boong tàu. Cô hoảng hốt chạy ra ngoài và tìm thấy mẹ cùng anh trai của mình đã chết trong một vũng máu và Harvey đang chuẩn bị giết tiếp cả cô.
Vào cái đêm định mệnh đó, Terry Jo và chị gái Renee đi ngủ sớm trong những cabin riêng biệt vào khoảng 9 giờ tối. Khi tìm thấy mẹ và anh trai đã chết vào khoảng 11 giờ tối, cô vội vã chạy xuống boong chính và thấy Harvey đang tiến về phía mình. Khi Terry hỏi điều gì đã xảy ra, Harvey tát mạnh vào mặt và xô ngã Terry xuống sàn. Vội vã vùng chạy về phòng ngủ, Terry nhận thấy mùi dầu máy cũng như nước bắt đầu ngấm qua sàn tàu. Cô bé nhanh chóng hiểu ra, chiếc thuyền đã bị vỡ ra, sau đó nhảy lên một chiếc bè nứa cứu hộ để trốn thoát.
Cô đã bị trôi dạt trong bốn ngày không có nước hay thức ăn và đã gần chết trước khi được giải cứu bởi một chiếc tàu chở hàng Hy Lạp.
Trong 4 ngày lênh đênh, dưới cái nắng thiêu đốt của mặt trời, không có nước, không có thức ăn, nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào, cô bé 11 tuổi đã kiên cường chịu đựng cho tới khi vận may mỉm cười. Sự vụ trên tàu được cho là bắt nguồn từ việc Harvey lên kế hoạch hãm hại vợ của gã - Jane - để ăn chặn 20.000 USD tiền bảo hiểm. Gã sau đó đã giết cả gia đình của Terry để diệt khẩu do họ đã chứng kiến tội ác nọ.
Những cuộc điều tra sau đó được mở ra, và người ta bắt đầu nhận thấy những nghi vấn về quá khứ của Harvey. 12 năm trước sự kiện Bluebelle, Harvey đã sống sót qua một tai nạn xe hơi trong khi vợ và mẹ vợ của gã thì tử nạn. Cảnh sát và thợ lặn điều tra vụ việc cho hay, gã chắc chắn không thể nào thoát khỏi tai nạn đó mà không có sự chuẩn bị trước. Trước đó, hai con thuyền tên Torbatross và Valiant của gã cũng đã chìm một cách ám muội; điểm chung của cả 3 tai nạn trên là những khoản tiền bảo hiểm lớn chảy vào túi Harvey.
Về phần Harvey, sau sự kiện Bluebelle, gã đã xuất hiện với một lời khai hoàn toàn khác. Tuy nhiên, sau khi hay tin Terry Jo còn sống sót, gã đã thuê một nhà nghỉ và tự tử ở đó.
Trong lời khai với Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ, Harvey khẳng định rằng Bluebelle đã bị đánh trúng bởi một cơn bão phá. Bluebelle đã bị gãy cột buồm, thủng thân tàu, vỡ bể chứa xăng phụ và bắt đầu bốc cháy. Gã cũng khai rằng đã tìm thấy Renee trôi trên biển và đã cố gắng sơ cứu cho cô bé nhưng không thành. Sau khi nhận được tin Terry Jo còn sống sót, lực lượng cảnh sát biển đã triệu tập điều tra Julian Harvey nhưng gã đã kịp tự tử trước khi bị bắt lại.
Sự kiện Terry Jo và những khó khăn trong việc tìm chiếc bè cứu sinh của cô bé đã khiến Lực lượng Cảnh sát biển thay đổi màu sắc của những chiếc bè từ trắng sang màu cam sáng vào năm 1962. Sau này, Terry Jo nộp đơn xin làm việc tại Sở Tài nguyên ở một vị trí trong ngành thủy sản và đã đi làm việc trong ngành Quy chế Quản lý Nguồn nước và quy hoạch Thủy lợi. Giải thích cho sự lựa chọn nghề nghiệp này trong một cuộc phỏng vấn với CBS, Terry Jo nói rằng sau thảm họa lênh đênh trên biển đó, bà đã cảm thấy một mối liên kết đặc biệt với ''nước'' chứ không hề khiếp sợ nó.
"Nước là cuộc sống và là niềm an ủi mỗi khi tôi đến dạo chơi ở những bờ biển. Tôi cảm thấy mình có thể suy nghĩ rõ ràng hơn, được thư giãn và cảm thấy gần gũi hơn với gia đình quá cố của mình" - Terry Jo cho hay.
Và, câu chuyện này ít nhiều đã thay đổi ngành cứu hộ biển, khi mà nhờ có sự thay đổi màu sắc bè cứu hộ mà hàng năm, những ca mất tích hay cứu hộ cứu nạn trên biển trở nên đơn giản hơn nhiều với bè cứu sinh màu da cam. Những gì đã xảy ra không thể nào trở lại được như cũ - cũng như gia đình của Jo vậy - thế nhưng, điều quan trọng là bà đã sống sót và tiếp tục cuộc đời của mình một cách yên bình.
Theo GenK