Nhà văn hóa bản Ploang, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình hiện đang được ngăn ra, một phần làm lớp học của 25 em học sinh mầm non, phần còn lại làm nơi ở của 2 cô giáo cắm bản.
Cô trò dùng chung nhà văn hóa
Thực hiện chủ trương xoá dần"điểm trắng" về bậc học mầm non tại các thôn, bản, đầu năm học 2018-2019, Trường Mầm non Trường Sơn quyết định mở thêm một điểm trường cho trẻ em từ 3-5 tuổi ở hai bản Ploang và Rìn Rìn được tới lớp học tập.
Điểm trường mầm non mượn nhà văn hóa bản Ploang làm lớp học |
Trường Mầm non Trường Sơn hiện có 1 điểm trường chính và 13 điểm lẻ, toàn trường có 460 học sinh (trong đó có là 285 em học sinh là người Vân Kiều) và 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đây là xã miền núi rẻo cao địa hình phức tạp và rộng lớn, điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoại trừ điểm trường chính thì hầu hết ở các điểm lẻ đều chung cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học, sân chơi.
Vừa ngồi vào chiếc giường ngủ khá chật đặt ở cuối góc nhà văn hoá bản Ploang, cô Trương Thị Trang, giáo viên cắm bản cho biết: "Điểm trường này có 2 cô giáo đứng lớp, vì không có cô nuôi nên các em thường tự túc ăn, ngủ vào buổi trưa. Cứ dạy hết một tháng thì có hai giáo viên khác của trường luân phiên vào thay thế”.
Các em học sinh tại điểm bản Ploang |
Vì điểm trường này đặt tại bản PLoang nên các phụ huynh ở bản Rìn Rìn ngày ngày đều phải dìu con đi bộ băng qua một ngọn núi, 2 con khe (mất chừng 45 phút) mới tới được lớp học.
Những phụ huynh có việc cần thì sau khi đưa con tới lớp, họ gửi con ăn ngủ buổi trưa tại nhà người thân tại bản Lloang rồi quay về bản Rìn Rìn, đến cuối chiều lại vượt núi, băng khe sang đón con về.
Mặc dù việc đưa đón con nhỏ gặp nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm tới nay rất ít có trường hợp cho con nghỉ học, ngoại trừ những ngày mưa lớn, nước khe dâng cao không thể đi được.
Ở điểm trường này, cô và trò cùng dùng chung nhà văn hóa. Từ đầu năm học, việc nấu ăn, vệ sinh cá nhân của các cô giáo đều được thực hiện ngay cạnh khe suối và bìa rừng nên rất bất tiện.
Cách đây gần 1 tháng, nhờ người dân bản địa giúp đỡ, điểm trường PLoang đã có thêm một căn bếp nấu ăn và phòng vệ sinh được làm từ các cọc tre nứa dân bản chặt trên rừng mang về, bao bọc chung quanh là các tấm bạt giáo viên mua từ dưới xuôi mang lên.
Góc bếp nhỏ của hai cô giáo vừa được dân bản dựng tạm |
Cô bảo đi rửa tay, học trò kéo nhau về nhà
Không chỉ khó khăn trong vấn đề sinh hoạt mà sự bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản rất lớn của cô và trò nơi đây.
“Điểm trường này nằm quá xa vùng trung tâm nên hầu hết các em đều nói tiếng Vân Kiều, ít biết tiếng Kinh. Hôm mới vào dạy, thấy học trò chơi nghịch bẩn, chúng tôi nói với các em là "Đi bể rửa gấp". Ai ngờ vừa nói xong thì học sinh bỏ về nhà hết. Đến từng nhà hỏi ra sự tình thì mới biết từ "bể" của đồng bào đồng nghĩa với từ "đi ngủ" ở miền xuôi”, cô Trang kể lại.
Vì đường sá đi lại khó khăn nên các cô trước khi vào bản đã mua thức ăn và đồ đạc đủ dùng chừng chục ngày, cứ cuối tuần là các cô về thăm nhà, đầu tuần lại vào tiếp.
Mùa này, chỉ cần một trận mưa rừng nặng hạt là các ngọn suối sẽ ngập sâu và chảy xiết, đường sá đi lại cũng khó khăn.
“Chúng tôi chạy xe máy chở nhau ròng rã gần một buổi, từ điểm trường trung tâm mới vào được bản Ploang cũng khóc hêt nước mắt vì đường trơn trượt, ngã lên ngã xuống, va quyệt với không biết bao nhiêu lượt đau điếng. Nhưng bất tiện nhất vẫn là không có sóng điện thoại để gọi về cho gia đình” cô Phạm Thị Thêm, giáo viên cắm bản nói.
Trẻ em tại bản Rìn Rìn, cách điểm mầm non bản Ploang 45 phút đi bộ |
Hiện nay, ngoài điểm Ploang thì ở đây còn có điểm Sắt cũng nằm rất xa khu vực trường chính, phải đi bộ ròng cả buổi mới đến được, những điểm như Hôi Rấy, Nước Đắng phải đi bằng đường sông. Đặc biệt, tại bản Dốc Mây vẫn chưa thể mở được điểm trường lẻ do đường sá vào bản quá xa xôi, hiểm trở, phải đi bộ đường rừng đến cả ngày.
“Mặc dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa sự sáng tạo để việc chăm sóc giáo dục trẻ được tốt nhất có thể”, cô Trần Thị Vân, Hiệu phó Trường Mầm non Trường Sơn chia sẻ.
H.Sâm
Thầy hiệu trưởng khiến học trò “phát cuồng” vì những quy định không giống ai
Thầy Hoàng Văn Việt (Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng) khiến học trò phải “phát cuồng” vì những quy định “không giống ai”.
Những người thầy dưới chân núi Mẫu Sơn
Chạy xe ôm gần 20 năm, đã đi mòn con đường này, thỉnh thoảng lại gật đầu chào vài người quen trên đường, nhưng ông thú thực: “Từ bản Gianh vào trong trường đấy, tôi chưa đi bao giờ”.
Chuyện cảm động ở lớp học của thầy giáo viết chữ bằng miệng
Từ một người tàn tật, anh Trường đã miệt mài khổ luyện để viết chữ bằng miệng, dạy chữ cho trẻ em nghèo.
“Tôi bảo học trò gọi là ông, bởi nghĩ mình chưa xứng với chữ thầy”
Dù dạy học nhưng ông Đặng Tiến Dũng không cho phép học trò gọi là "thầy", bởi cho rằng mình chỉ xứng đáng được gọi là “ông” vì không có bằng cấp.