Người Việt ở Đức có nỗi khổ là không dám nói về nỗi vất vả của mình với bạn bè, người thân trong nước vì sĩ diện. Nhiều người rất thích "nổ", khi về nước hay "một tấc đến giời".
Nói tới Việt kiều ở Đức, phần lớn những người ở Việt Nam đều nghĩ rằng họ là những người lắm tiền, nhiều của, ăn sung mặc sướng. Dĩ nhiên đời sống ở Đức có nhiều ưu việt, nhưng cuộc sống của người Việt ở Đức cũng có những giọt nước mắt đời không biết“.
Trong những ngày Tết và những ngày giáp Tết, những người làm công ăn lương ở Việt Nam được nghỉ Tết tới 9 ngày, không khí Tết từng bừng ở các chợ hoa Hà Nội, trang trí trong nhà, ngoài đường cho dù còn rất ít nhà tự gói bánh chưng như trước đây.
Trong khi đó, người Việt ở Berlin nói riêng và ở Đức nói chung vẫn tất bật với công việc làm ăn, vì Tết năm nay không rơi vào cuối tuần nên không ai được nghỉ. Những người buôn bán, làm ăn tự lập cũng chỉ dám tự thưởng cho mình được nghỉ chiều 30 Tết để đến chợ châu Á mua sắm thức ăn về vội vàng nấu mâm cỗ Tết để cúng Giao thừa lúc 6 giờ chiều, tức là 0 giờ ở Việt Nam. Sang ngày mùng Một Tết, hầu hết mọi người đã phải đi làm lại bình thường, coi như đã hết Tết.
Mặc dù được đón hai cái Tết, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cũng như Lễ Giáng sinh ở Đức, nhưng người Việt ở Đức không cảm thấy có một cái Tết nào trọn vẹn. Lễ Giáng sinh ở Đức là dịp sum họp gia đình, không khí chuẩn bị Giáng sinh và Tết Dương lịch ở Đức rất tưng bùng, sôi nổi, nhưng không phải là phong tục truyền thống, nên người Việt ở Đức vẫn luôn cảm thấy xa lạ, lạc lõng.
Khi đến Tết Nguyên đán, các gia đình người Việt vẫn cố gắng giữ gìn phong tục làm mâm cỗ cúng giao thừa, nhiều người đi lễ chùa, nhưng bên ngoài xã hội Đức lại hoàn toàn không có không khí ngày Tết, nên đây là dịp làm nhiều người da diết nhớ tới gia đình, người thân và quê hương, bản quán.
Không biết có bao nhiều người chạnh lòng rơi lệ trong những giờ phút như thế này. Nhưng rồi cảm xúc đó rồi cũng nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho những lo toan thường nhật.
Và có mấy ai hiểu được nỗi khổ của những người Việt bán hàng rong ở Đức. Dĩ nhiên ở đây không phải một đôi quang gánh, mà là một ô tô chở hàng với một quầy hàng di động bán quần áo, giầy dép, bít tất… ở các chợ phiên.
Những ngày hè nắng ấm thì còn đỡ, nhưng vào những ngày giá rét dưới không độ vẫn phải nghiến răng chịu đựng giá rét, quần áo dày cộp, to sụ tưởng chừng ngã xuống thì không đứng dậy nổi, vậy mà vẫn không ngăn nổi được cái lạnh thấu xương.
Có lẽ vì vậy mà nhiều nam thanh, nữ tú sang CHDC Đức lao động cuối những năm 80 mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, giờ đây mới U 50 mà gặp nhau đã hay phàn nàn về bệnh khớp, bệnh thoái hóa đốt sống cổ hoặc đau thận… thậm chí có một số người đã trở thành người thiên cổ.
Khổ không biết tỏ cùng ai vì sĩ diện
Ngành bán hoa, một ngành mà người Việt đã hầu như làm chủ ở Đức, trông thì có vẻ thơ mộng, nhẹ nhàng, nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy, thị trường này cũng là một chiến trường không tiếng súng.
Mô hình chung của một gia đình bán hoa của người Việt là người chồng dậy từ 2 giờ sáng, đến chợ đầu mối để có thể mua hoa đẹp và rẻ. Vào những dịp quan trọng như ngày Lễ Valentin hoặc Muttertag thì đúng nghĩa là tranh cướp hoa.
Sau khi người vợ đưa con tới trường thì ra bán hoa, người chồng về ngủ. Trời lạnh cũng không dám sưởi ấm vì sợ hoa héo, lại hay phải nhúng tay vào nước lạnh. Đây cũng là một ngành vất vả, nên có người phụ nữ liễu yếu, đào tơ muốn tìm hiểu để vào nghề bán hoa đã bị cảnh báo: "Cẩn thận kẻo người héo trước hoa".
Tuy nhiên, đây chỉ mới là một vài nỗi khổ nhãn tiền, còn nhiều nỗi khổ thể chất và tinh thần, nhất là đối với nhiều phụ nữ "không biết tỏ cùng ai".
Đã đành là ở đâu cũng phải vất vả làm ăn kiếm sống. Người Việt ở Đức có nỗi khổ là không dám nói về nỗi vất vả của mình với bạn bè, người thân trong nước vì… sĩ diện.
Nhiều người Việt ở Đức rất thích "nổ", khi về nước hay "một tấc đến giời“ làm như mình giàu có lắm, dễ kiếm tiền lắm, làm cho nhiều người trong nước lầm tưởng nước Đức là một thiên đường trên mặt đất, cứ sang là "xúc ra tiền“.
Mong rằng mọi người hãy thực tế, nói thực và sống thực với điều kiện và hoàn cảnh của mình: Nước Đức có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, nhưng người ta cũng phải "làm thật“ mới có thể "ăn thật“, bảo đảm cuộc sống của mình.
Vũ Văn (Thoibao.de)