DSC_0160.jpg
Lợi thế lớn nhất của nghành CNTT Việt Nam là nhân lực

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, đưa ra tại hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam diễn ra tại Bắc Ninh vào ngày 27/11 về định hướng phát triển của CNTT Việt Nam trong những năm tới. Điều này cũng phù hợp với ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành CNTT phát biểu tại hội thảo trên và tại hội thảo quốc gia về CNTT diễn ra trước đó một ngày (26/11) tại Hà Nội.

Việt Nam không thể ôm đồm

Trên thế giới hiện nay, ngoại trừ Mỹ, Nhật và một vài nước Tây Âu, còn lại không có quốc gia nào mạnh ở tất cả các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Các quốc gia đều phải chọn cho mình một lĩnh vực có thể mạnh để gây dựng thương hiệu và tìm cơ hội phát triển.

Theo ông Trọng, công nghiệp dịch vụ CNTT là thị trường lớn có chỗ cho nhiều quốc gia có nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Dịch vụ CNTT cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp CNTT, tới 57,3% trong doanh thu 1408 tỷ USD của ngành công nghiệp CNTT toàn cầu (còn lại công nghiệp phần cứng chiếm 27% và công nghiệp phần mềm chiếm 15,7%).

“Trong 10-15 năm tới, Việt Nam không thể trở thành quốc gia mạnh toàn diện về công nghiệp CNTT. Trong vài chục năm tới, chúng ta chưa thể trở thành quốc gia mạnh về công nghiệp phần cứng và công nghiệp phần mềm mà chỉ có thể nỗ lực phấn đấu thành quốc gia mạnh về dịch vụ CNTT”, ông Trọng nói.

Tuy nhiên, ông Trọng lưu ý khái niệm công nghiệp dịch vụ CNTT theo cách đánh giá của quốc tế là lĩnh vực rất rộng, gồm các dịch vụ gia công và vận hành (phần mềm và hệ thống thông tin), tích hợp hệ thống, dịch vụ bảo trì, tư vấn và đào tạo CNTT. Còn công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp sản xuất ra các phần mềm đóng gói với quy mô lớn. Như vậy, có thể thấy xếp loại dịch vụ CNTT của thế giới là khác với Việt Nam. Từ trước đến nay, các đánh giá của Việt Nam liên quan đến CNTT đều coi dịch vụ gia công phần mềm là một phần của ngành công nghiệp phần mềm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho rằng nếu chúng ta không xác định được đâu là thế mạnh của CNTT Việt Nam sẽ rất khó trở thành quốc gia mạnh về lĩnh vực này. Nhìn lại các lợi thế so sánh của Việt Nam với thế giới, ông Công cho rằng “Việt Nam chỉ có thế mạnh rõ rệt duy nhất là nhân lực, như vậy đẩy mạnh phát triển dịch vụ phần mềm là phù hợp”.

Tại hội thảo quốc gia về CNTT diễn ra ngày (26/11) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ TT&TT đặc biệt chú ý đến công nghiệp nội dung số, lĩnh vực được dự tính tăng trưởng 58% trong năm nay và đạt doanh thu khoảng 700 triệu USD. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, chỉ sau 2 năm tới nội dung số sẽ vượt doanh thu phần mềm (gồm cả gia công phần mềm) với doanh thu hơn 1,5 tỷ USD.

Có thể đạt 6,5 - 7 tỷ USD dịch vụ, nếu…

Với khái niệm dịch vụ CNTT mở rộng theo đánh giá của quốc tế, ông Trọng ước tính doanh thu dịch vụ CNTT của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 400 triệu USD, chỉ là con số rất nhỏ (chiếm 0,05%) trong tương quan thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 30% trong 10 năm tới, Việt Nam có thể chiếm được 0,5%, tức cỡ 6,5 - 7 tỷ USD trong thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu được dự báo sẽ đạt khoảng 1350 tỷ USD vào năm 2020.

Làm thế nào để đạt được con số đó? Có nhiều câu trả lời được đưa ra, trong đó trọng tâm là vấn đề nhân lực. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa đã nhiều lần đề nghị Chính phủ nên đặt ra chiến lược đào tạo 1 triệu chuyên gia CNTT vào năm 2015, con số hiện chỉ có hai quốc gia hiện trên thế giới có được là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ông Bình, chỉ riêng thị trường dịch vụ gia công phần mềm cho Nhật (hiện khoảng 3 tỷ USD) đã quá lớn với Việt Nam, bởi vì quy mô của các doanh nghiệp phần mềm trong nước quá nhỏ, lớn nhất là FPT Software mới chỉ 3.000 người. “Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là thiếu nhân lực có chất lượng”, ông Bình nói.

Cụ thể hơn, ông Trọng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có chính sách khuyến khích đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo nhân lực theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đối với thị trường dịch vụ CNTT quốc tế. Ước tính để có doanh số khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020 từ dịch vụ CNTT, Việt Nam cần có lực lượng lao động khoảng 250-300 nghìn người được đào tạo theo chuẩn quốc tế, trong đó 50% là trình độ đại học, còn lại là cao đẳng và thấp hơn.

Bên cạnh đó, ông Trọng đề nghị Chính phủ nên có ngay dự án 10 năm đưa Việt Nam thành nước mạnh về dịch vụ CNTT, có ban dự án mạnh hiểu biết sâu sắc về tổ chức ngành dịch vụ CNTT và đủ quyền hạn để thực hiện.

“Thời gian không chờ đợi quốc gia nào. Hiện đã có vài chục quốc gia mạnh về dịch vụ CNTT và cũng có vài chục quốc gia khác đang vươn lên trong ngành công nghiệp trí tuệ này cùng với Việt Nam. Dự báo vào năm 2020, sẽ có khoảng 40-50 quốc gia có thế chiếm được 0,5% thị phần dịch vụ CNTT toàn cầu cho riêng mình”, ông Trọng cảnh báo.

Bộ TT&TT dự tính ngành công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2009, đạt 6,26 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực phần mềm dự kiến tăng 30%, đạt 880 triệu USD; nội dung số có thể tăng 58%, đạt khoảng 700 triệu USD; còn phần cứng được dự báo chỉ tăng khoảng 14%, đạt 4,68 tỷ USD.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 144 ra ngày 2/12/2009