CNTT-can-duoc-uu-tien.jpg

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII:

“Nhập công nghệ hơn là mày mò nghiên cứu”

Một trong những nội dung của dự thảo Luật Công nghệ cao là chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước về thuế, đất đai và các cơ chế tài chính khác để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao. Trong đó, các lĩnh vực cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao là CNTT, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn (Cà Mau) phân vân về chính sách khuyến khích về thuế khi cho rằng, Dự thảo Luật chỉ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm là không đủ khuyến khích đối với công nghệ cao. “Công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích về KT-XH, môi trường, khả năng đạt được mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các ngành công nghiệp khác, nhưng đầu tư ứng dụng lại có nhiều rủi ro, nếu khuyến khích không đủ mạnh thì ít ai dám mạo hiểm đầu tư”, ông Văn nói.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại băn khoăn: “Thế giới có công nghệ cao rồi, chúng ta nên tập trung vào mặt ứng dụng và nhập công nghệ cao nhiều hơn là mày mò nghiên cứu mà có khi không thành công. Mặc dù chúng ta đã có Luật chuyển giao công nghệ, nhưng cần rà soát lại để tạo điều kiện phát triển công nghệ cao”.

Nhiều đại biểu cho rằng, Luật cần xác định đúng đối tượng ưu tiên và thứ tự ưu tiên. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (TP Cần Thơ) nêu ra ví dụ cụ thể: CNTT là một trong những ngành được ưu tiên nhưng có tới 17 lĩnh vực ưu tiên khác nhau trong ngành CNTT. Trong đó, có những lĩnh vực hiện chưa phát triển, nếu đầu tư từ đầu thì rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Song có những lĩnh vực chúng ta có khả năng làm và tạo nên hiệu quả kinh tế rất lớn. Do vậy, cần xác định những lĩnh vực có khả năng, có hiệu quả lớn để ưu tiên.

Mặc dù vậy, cũng có đại biểu cho rằng, cần phải khuyến khích hoạt động đầu tư nghiên cứu công nghệ cao, có như vậy mới phát triển bền vững. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng, nếu chỉ nói nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao là chưa đủ. Cần phải có thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động công nghệ cao đối với các doanh nghiệp.

Nóng bỏng vấn đề nguồn nhân lực

Muốn phát triển công nghệ cao, thì nguồn nhân lực phải là vấn đề then chốt. Song theo đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam), nước ta chưa có các chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài, trí thức Việt kiều trực tiếp làm việc tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước. Vì vậy, Luật cần quy định rõ hơn những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người có kỹ năng, kỹ thuật giỏi, lao động trẻ xuất sắc được đào tạo trong và ngoài nước để tham gia hoạt động công nghệ cao ở Việt Nam.

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bổ sung thêm: “Cần đảm bảo kinh phí cho các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ. Trong thực tế nguồn thu của nhiều cơ sở đào tạo hiện nay rất khó khăn. Hơn nữa, theo quy định của Luật, các cơ sở đào tạo công nghệ cao có phạm vi đào tạo rộng (nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật), nếu không có sự đảm bảo kinh phí của Nhà nước thì các cơ sở đào tạo nhân lực cao rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Một số đại biểu khác thì kiến nghị, Nhà nước nên khuyến khích kéo dài thời gian làm việc ít nhất là 70 tuổi và không nên phân biệt nam, nữ cho các nhà khoa học công nghệ cao có phát minh, sáng chế đã có tích lũy, có đóng góp cho chuyên ngành và ưu đãi họ về thu nhập. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học còn đương nhiệm, các nhà khoa học trẻ được đi thỉnh giảng, thực tập, nghiên cứu sinh ở các nước công nghiệp phát triển khi họ được mời. Đồng thời, Luật cũng cần quy định cụ thể hơn chính sách ưu đãi nhân lực công nghệ cao, nhất là ưu đãi về tiền lương, phụ cấp, tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao, bổ nhiệm vào vị trí chủ trì các nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên theo cống hiến, theo tài năng, theo công việc...

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 100 ra ngày 20/10/2008