|
Nhiều ý kiến cho rằng CNTT sẽ khó có sự "đột phá" khi thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
>> Bàn cách “gỡ khó cho ứng dụng CNTT / Nhiều dự án quốc gia về CNTT “đói” vốn
Khó có "đột phá"
Tại Lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2012 do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 27/12/2012, tại Hà Nội, TS. Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ rằng muốn đẩy mạnh sự phát triển lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam thì cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía gồm thị trường – doanh nghiệp, và thể chế - chính sách.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng: “Lĩnh vực CNTT những năm qua đưa ra nhiều Nghị quyết nhưng thực sự chỉ giống như khẩu hiệu, không biến thành quy định cụ thể nên không đưa vào cuộc sống được. Khái niệm “CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng” vẫn đang chỉ là khẩu hiệu. Các chính sách cần phải được cụ thể hóa hơn trong một loạt nghị định, quyết định của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành”.
Nhận định nêu trên được Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ sau lời tâm sự của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) về việc chính thể chế sẽ quyết định việc ngành phần mềm tồn tại hay phát triển thế nào.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, ngành phần mềm hiện đang phát triển khá thông thoáng, được cạnh tranh thoải mái. Công ty có 5 người hay công ty có 1.000 người đều có thể cạnh tranh và phát triển. "Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng kiểu gì đi nữa mà không có sự tạo điều kiện của thể chế thì cũng rất khó có thể “đột phá”, không bao giờ lọt được vào danh sách bình chọn 10 sự kiện ICT tiêu biểu”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, lẽ ra quản lý phải theo kịp sự phát triển, song hiện tại, quản lý vẫn chưa theo kịp được sự phát triển.
Làm rõ hơn nhận định của ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Tuân, Tổng Giám đốc Công ty MV nhận xét: “Một trong những lý do mà CNTT Việt Nam chưa phát triển là vì chưa được sự quan tâm đúng mức. Đã có cơ quan Nhà nước triển khai ứng dụng CNTT nhưng sau đó không ai dùng, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp CNTT. Trong VINASA, đa số doanh nghiệp đều đang hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi mong muốn được tạo môi trường nhiều việc hơn nữa để cho doanh nghiệp CNTT có thể sống bằng nghề”.
CNTT sẽ quyết định sự phát triển đất nước
Cùng chia sẻ những bất cập, khó khăn trong hiện trạng phát triển của lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, song TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT vẫn khẳng định trong “bức tranh” CNTT-TT Việt Nam 10 – 12 năm tới, CNTT sẽ là phần quyết định cho sự phát triển của đất nước, và sẽ biến đổi xã hội rất nhiều, khi đó tất cả người dân đều sẽ cần và sử dụng CNTT.
Theo TS. Mai Liêm Trực: “Tư duy “CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng” chỉ là 1 trong 3 nội dung “đột phá” mà chúng tôi muốn đưa vào các Nghị quyết của Trung ương (3 nội dung gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục và nguồn nhân lực, cải cách hành chính)”.
“Dự kiến quý 2/2013, Bộ Chính trị sẽ có Nghị quyết về ứng dụng phát triển CNTT thay cho Chỉ thị 58. “Bức tranh” CNTT Việt Nam sẽ có biến đổi rất mạnh. CNTT sẽ có vai trò cao hơn nhiều. Nghị quyết mới của Bộ Chính trị sẽ là động lực, thay đổi tư duy từ “quản lý cởi trói cho sự phát triển”, sang “quản lý phải theo kịp sự phát triển”, và tiến tới “quản lý phải thúc đẩy sự phát triển””, TS. Mai Liêm Trực “bật mí”.