Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/6/2015, ông Yukio Hatoyama, Cựu Thủ tướng Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong giao thông của Nhật.
Ông Yukio Hatoyama nói: “Đề cập tới điều kiện giao thông đường bộ tại Việt Nam, gần đây tôi đã gặp Chủ tịch Bình (Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình - PV) để thảo luận về vấn đề này. Ông Bình đã cho tôi biết về số lượng lớn các vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam và ông ấy mong muốn cải thiện tình trạng này bằng CNTT”.
Theo dữ liệu thống kê, trong năm 2014, đã có 25.322 vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam. Những vụ tai nạn này dẫn đến 8.996 người chết và 24.417 người bị thương. Số lượng các vụ tai nạn đã tăng 13,8% so với năm 2013, trong khi số lượng người chết năm 2014 giảm khoảng 4% so với năm trước. Những số liệu này rõ ràng báo động số lượng lớn các vụ tai nạn giao thông ở quốc gia này. Ngược lại, ở Nhật Bản, tổng số người chết do tai nạn giao thông trong năm 2014 chỉ là 4.113 người.
Một phân tích khác cho sự khác biệt giữa hai quốc gia, số lượng người chết do tai nạn giao thông ở Nhật Bản năm ngoái, trên 100.000 người là 4,3 người. Ở Việt Nam, tổng số là hơn gấp đôi số đó - ở mức xấp xỉ 10 người trên 100.000 người.
Tuy nhiên, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng cho hay, tại Nhật các con số này không phải luôn luôn thấp. Các điều kiện đường bộ ở Nhật đã từng tồi tệ đến nỗi thuật ngữ “chiến tranh giao thông” đã được sử dụng để miêu tả chúng. Vấn đề này còn thực sự tồi tệ hơn vào năm 1970, khi có tới 16.765 người đã chết trong các vụ tai nạn giao thông.
“Và như tôi đã nói, tổng số của năm ngoái còn ít hơn 1/4 mức đỉnh điểm đó. Quá trình thay đổi này là do một số yếu tố. Ví dụ giảm các trường hợp uống rượu bia khi lái xe bằng cách tăng mức phạt cho hành vi này. Tỷ lệ thắt dây an toàn của các lái xe Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Chỉ có rất ít các vụ vi phạm tốc độ và ví dụ khác là cải thiện chung tình trạng lái xe an toàn và ý thức lái xe”, ông Yukio Hatoyama chia sẻ.
Cựu Thủ tướng Nhật khẳng định: CNTT đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự thay đổi nêu trên. Ở hậu trường, CNTT là công cụ tăng cường sự an toàn cơ học của các phương tiện giao thông, hỗ trợ tạo nên các bước đột phá trong hệ thống tín hiệu giao thông, dẫn đầu trong công nghệ chăm sóc y tế khẩn cấp và các mặt quan trọng khác.
Ông Yukio Hatoyama cho rằng, trong điều kiện ở Việt Nam các rủi ro về xe máy chiếm khoảng 2/3 tổng số các vụ tai nạn giao thông, mặc dù còn có hạn chế ở mức độ mà các kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này có thể trực tiếp áp dụng tại Việt Nam, song chắc rằng các cải tiến cho hệ thống an toàn xe ô tô qua việc sử dụng cảm biến và CNTT vượt trội khác có thể được áp dụng cho xe máy.
“Cũng không phải là cường điệu khi nói rằng ngày nay các xe ô tô chạy trên tác dụng và bí quyết của CNTT. Hệ thống điều hướng xe ô tô, và các vệ tinh để điều khiển chúng, đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt tắc đường”, ông Yukio Hatoyama.
Theo ông Yukio Hatoyama, quá trình cải thiện tình hình giao thông đường bộ cũng đóng góp trong việc giảm các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, có nhiều ngã tư không có tín hiệu giao thông.Tuy nhiên, mọi người vẫn ngang nhiên băng qua đường ở những điểm đó. Những người đi bộ sử dụng các chiêu thức đi bộ tài tình, trong khi các lái xe dựa vào kỹ thuật lái xe điêu luyện. Nhưng thậm chí như vậy, các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở các ngã tư đó vẫn chiếm tỷ lệ phần trăm cao.
Từ thực tế trên, ông Yukio Hatoyama cho rằng một yêu cầu cấp thiết cho Việt Nam là cần cài đặt thiết bị báo hiệu điều khiển bằng CNTT ở các ngã tư càng nhiều càng tốt.
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 5, năm 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) chủ trì tổ chức, với sự bảo trợ của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT. Có chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, Vietnam ICT Summit 2015 đã tập trung thảo luận về những định hướng, giải pháp đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các ngành các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động. Trong đó, 4 chuyên đề chính của Diễn đàn gồm: Nâng cao năng lực ngành y tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; Phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống; và Phát triển nguồn nhân lực CNTT.