Là sản phẩm được khởi nguồn từ ý tưởng của một số thành viên cốt cán của CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), thời gian vừa qua, phần mềm OpenCPS đã được cộng đồng OpenCPS phát triển theo đúng mô hình phát triển phần mềm tự do nguồn mở, là hệ thống phần mềm lõi phục vụ cung cấp dịch vụ công ở các cấp độ 2,3,4 (với các hình thức hồ sơ chỉ nộp trực tiếp, hồ sơ chỉ nộp trực tuyến hoặc song song cả hai hình thức) phù hợp với quy định của Nhà nước về thủ tục hành chính và các quy định của Bộ TT&TT về dịch vụ công trực tuyến các cấp độ.

Sau các sự kiệnra mắt Cộng đồng OpenCPS vào ngày 5/5/2016 và phát hành phiên bản chính thức đầu tiên 1.0của hệ thống phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS, cộng đồng OpenCPS vừa chính thức thông báo, sau rất nhiều nỗ lực đóng góp của các lập trình viên, kiểm thử viên, hệ thống phần mềm OpenCPS đã đạt được mức độ trưởng thành cần thiết để sẵn sàng đưa vào triển khai sử dụng trong thực tiễn. Đến nay, tất cả những tính năng cơ bản của phần mềm đã được hoàn thành, giúp người dùng chỉ cần nắm bắt được những bước phân tích nghiệp vụ thủ tục, cấu hình dữ liệu cho thành phần hồ sơ, các biểu mẫu và quy trình xử lý động là có thể tạo ra ngay một hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẵn sàng cho ứng dụng.

Trao đổi với ICTnews, ông Trương Anh Tuấn, đại diện cộng đồng OpenCPS cho biết, phiên bản hệ thống phần mềm lõi cho dịch vụ công trực tuyến OpenCPS 1.5 cung cấp các chức năng: cấu hình danh mục động đa cấp; quản trị tài khoản công dân, doanh nghiệp và cán bộ; quản lý và cấu hình thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến mức độ 2); quản lý và cấu hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; cấu hình thông tin dịch vụ công trực tuyến; cấu hình thành phần hồ sơ đa cấp; cấu hình biểu mẫu và hiển thị: đơn đăng ký, kết quả trung gian, kết quả cấp phép; cấu hình quy trình thụ lý hồ sơ; cấu hình thông tin xử lý theo từng bước và cấu hình phí/lệ phí (đối với đối tượng quản trị).

Còn với công dân, doanh nghiệp, OpenCPS 1.5 cung cấp các chức năng: đăng ký tài khoản; quản lý thông tin cá nhân; quản lý giấy tờ; quản lý hồ sơ trực tuyến; xem hồ sơ chi tiết gồm hồ sơ đầu vào, lịch sử quá trình thụ lý, kết quả giải quyết; nộp hồ sơ trực tuyến; thanh toán trực tuyến phí/lệ phí; nhận kết quả trực tuyến. Với đối tượng là cán bộ, các chức năng phiên bản phần mềm này cung cấp gồm xử lý hồ sơ theo từng bước của quy trình; xem lịch sử quá trình thụ lý hồ sơ; và ký số trên kết quả xử lý. Đặc biệt, phiên bản hệ thống phần mềm OpenCPS 1.5 hỗ trợ triển khai theo cả hai mô hình tập trung hoặc phân tán.

Cũng theo chia sẻ của ông Trương Anh Tuấn, so với phiên bản 1.0 ra mắt hồi giữa tháng 6/2016, bên cạnh việc đã bổ sung các trường hợp về thành phần hồ sơ, thanh toán trực tuyến, chữ ký số; hoàn thiện các chức năng quản trị, các chức năng nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy trình, OpenCPS 1.5 còn cung cấp giao diện trải nghiệm người dùng (UX) tối ưu cho nhiều trình duyệt khác nhau.

Bên cạnh đó, phiên bản phần mềm OpenCPS 1.5 cung cấp công cụ cho phép thiết lập giao diện nhập liệu và hiển thị mà không cần phải lập trình đối với các đơn đầu vào, các giấy phép… cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng và dễ dàng khi thay đổi, cập nhật.

Đại diện cộng đồng phát triển hệ thống phần mềm này cũng nhấn mạnh, OpenCPS hoạt động theo đúng chuẩn mực của cộng đồng nguồn mở thế giới. Cộng đồng góp sức xây dựng phần mềm, đóng góp mã nguồn, rà soát an ninh, bảo mật, an toàn thông tin, tích hợp các dịch vụ của từng đơn vị như các dịch vụ ký số, thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử.

“Các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể sử dụng OpenCPS cho mục đích kinh doanh của mình và tuân thủ giấy phép AGPL, trong đó điểm quan trọng nhất là buộc phải mở mã nguồn nếu sửa phần core và đóng góp cho OpenCPS, còn bản quyền được sử dụng miễn phí. Việc phát triển kinh doanh tùy thuộc vào thị trường và chiến lược của từng doanh nghiệp và mức chi phí theo dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp, chúng tôi khẳng định OpenCPS sẵn sàng cho triển khai dịch vụ công ở mức độ cao nhất (mức 4) cho các đơn vị thực hiện dịch vụ hành chính công ở cấp Bộ và cấp địa phương. Hiện tại, đã có 16 doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ trên OpenCPS”, đại diện cộng đồng OpenCPS cho hay.

Được biết, cộng đồng OpenCPS cũng dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ tiến hành các công việc chuẩn bị những công cụ hỗ trợ và các bộ tài liệu kèm theo để giới thiệu và hướng dẫn người dùng có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với sản phẩm. Cùng với đó, tới đây cộng đồng OpenCPS cũng sẽ tổ chức các lớp huấn luyện để tất cả những ai quan tâm đến việc ứng dụng và phát triển có cơ hội nắm bắt và làm chủ nhanh hơn sản phẩm OpenCPS 1.5.

Hiện tại, cộng đồng OpenCPS đã có 16 thành viên tập thể là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như hạ tầng CNTT, an ninh mạng, phần mềm, dịch vụ chữ ký số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và tổng đài hỗ trợ, bao gồm: Công ty CP Bitsco, Công ty cổ phần CNTT và Viễn thông BSC (BSCSoft), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm CMC (CMCSoft), Công ty cổ phần EcoIT, Trung tâm phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, Công ty cổ phần giải pháp iWay, Công ty cổ phần công nghệ NSC, Công ty CP NetNam, Công ty TNHH Velatex, Công ty TNHH Việt Nam Đan Mạch (VidaGIS), Công ty CP phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES); ePacific Telecom; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về công nghệ mở (RDOT) thuộc Bộ KH&CN; Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm; và Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Tâm Việt. Đây chính là những đơn vị đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ triển khai, bảo trì hệ thống phần mềm lõi cho dịch vụ công trực tuyến OpenCPS.