Ngày 20/11/2019 đã diễn ra Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh Quảng Ninh 2019. |
Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh Quảng Ninh 2019 nằm trong khuôn khổ giải thưởng APICTA 2019 - giải thưởng quốc tế của Liên minh các tổ chức CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APICTA). Với mục tiêu chia sẻ các kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số ứng dụng thành phố thông minh, hội nghị có sự tham gia của 400 đại biểu cùng các chuyên gia quốc tế. Tham dự hội nghị có ông Phạm Tấn Công (Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương), ông Đặng Huy Hậu (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh), ông Stan Singh (Chủ tịch APICTA).
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã cảm ơn APICTA đã lựa chọn tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đăng cai APICTA. Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số và bắt đầu xây dựng thành phố thông minh. Tới thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chính quyền điện tử, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong nhận thức và vận hành. Thông qua hội thảo, chính quyền tỉnh Quảng Ninh mong muốn các chuyên gia tư vấn lộ trình, cách triển khai và xử lý khó khăn trong quá trình điều hành chính quyền số.
Ông Nguyễn Trung Chính , Chủ tịch CMC, Phó Chủ tịch VINASA: “Thay mặt VINASA và Ban tổ chức, tôi xin nhiệt liệt cảm ơn đại diện của 11 tỉnh thành phố và các chuyên gia của APICTA đã tới dự hội nghị chuyển đổi số và thành phố thông minh. Chúng ta đều nghe về kinh tế số, chuyển đổi số và thành phố thông minh, với sự ra đời của các công nghệ như AI, Big Data, Blockchain… Trong hành trình chuyển đổi số tầm quốc gia, việc kiến tạo và vận hành các đô thị thông minh, thành phố thông minh là vô cùng cần thiết, đây sẽ là các trung tâm kinh tế xã hội, trung tâm đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, sản xuất thương mại và hội nhập quốc tế. Với Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về chủ trương tham gia cuộc CMCN 4.0. đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh và 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Nam, 2030 hình thành chuỗi các đô thị thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Trong hội nghị hôm nay, tôi hi vọng các chuyên gia sẽ chia sẻ tri thức, quan điểm thực tiễn cũng như kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh, qua đó các cơ quan quản lý có thể kết nối học hỏi và ứng dụng phát triển tại địa phương.”
Tại hội nghị, ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm VAS của CMC Telecom đã có phần chia sẻ về hạ tầng công nghệ cho thành phố thông minh. Ông Vũ đưa ra định nghĩa về thành phố thông minh là nơi dữ liệu được phân tích và sử dụng giúp ích cho cuộc sống của người dân, giúp tổ chức và chính phủ ứng phó với các tình huống, khai thác và tận dụng tối ưu công nghệ thông tin cho cuộc sống. Theo ông Vũ, yếu tố tiên quyết để xây dựng thành phố thông minh là củng cố kiến trúc hạ tầng số. Ông Vũ đưa ra 1 ví dụ mà CMC đã thực hiện cho một số tỉnh thành là hệ thống camera quan sát giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), và 1 ví dụ về hệ thống dữ liệu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) xử lý đến 3,5 triệu giao dịch trong 1 giây, để làm được việc đó các tổ chức cần xây dựng được kiến trúc số kiên cố, vững chắc. Hiện tại, CMC đã xây dựng được nền tảng điện toán đám mây (CMC Cloud) cung cấp các đường truyền riêng kết nối trực tiếp với Google Cloud Interconnect, Microsoft Azure ExpressRoute và AWS Direct Connect đảm bảo độ trễ thấp, tính ổn định cao, an toàn và bảo mật tuyệt đối.
Tại phiên thảo luận chuyên đề “Xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững”, ông Lê Anh Vũ cũng đã tư vấn, đề xuất cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Khi được hỏi về tư vấn hạ tầng viễn thông cho chính quyền và đặt ra bài toán hiện tại hạ tầng chỉ là yếu tố “Nice to have” (Có thì tốt) chứ chưa phải “Must have” (Bắt buộc phải có), ông Vũ trả lời: “Khi tư vấn cho một số thành phố về đô thị thông minh, một trong những khó khăn là xây dựng kiến trúc cho hạ tầng số và chia sẻ, khai thác được dữ liệu, cũng như áp dụng mô hình điện toán đám mây vào hạ tầng số. Dữ liệu rất khổng lồ, nếu chúng ta không khai thác đủ và linh hoạt thì đến khi cần trích xuất để khai thác thêm, hoặc phát sinh một vấn đề nào đó liên quan đến xử lý dữ liệu thì người quản lý sẽ như gà mắc tóc. Vì thế câu chuyện hạ tầng số theo tôi cần là “Must Have”, và mọi người cũng cần thay đổi nhận thức về điều đó.”
Trước đó vào sáng ngày 19/11/2019 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra lễ khai mạc giải thưởng APICTA 2019 - giải thưởng quốc tế do Liên minh các tổ chức CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APICTA) tổ chức thường niên. Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức APICTA, giải thưởng năm nay có trên 300 đề cử tham dự từ 16 nước thành viên. Giải thưởng sẽ diễn ra tại Hạ Long từ ngày 19 đến 22/11/2019. Tại lễ khai mạc, ông Hà Thế Phương (Phó TGĐ CMC Cyber Security) đã đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC nhận biểu trưng nhà tài trợ Bạc (Silver) cho APICTA 2019. Năm nay, CMC mang tới 3 sản phẩm dự thi APICTA 2019 là giải pháp phòng chống mã độc CMDD, nền tảng điện toán đám mây CMC Multi Cloud và hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp & tổ chức C.OPE2N.