|
Sau khi hợp nhất, CMC Telecom đề ra mục tiêu tới 2015 sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, có hạ tầng ở 20 tỉnh/thành phố lớn và đạt ít nhất 250.000 khách hàng |
>> CMC Telecom tăng băng thông quốc tế lên gấp đôi / CMC Telecom khai trương Data Center mới tại TP.HCM
Ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, ngay từ những năm 2007, Tập đoàn Công nghệ CMC đã sớm tham gia vào thị trường viễn thông Internet. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi đó là chính sách sở hữu hạ tầng thuộc nhà nước quản lý, và đây cũng là lí do lịch sử của việc thành lập 2 công ty CMC Telecom và CMC TI. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành CMC Telecom và CMC TI đã có những bất cập nhất định như chồng lấn dịch vụ, dễ gây nhầm lẫn thương hiệu và chưa tối ưu hóa được hạ tầng cũng như chi phí vận hành của 2 công ty. “Năm 2011, Luật Viễn thông có hiệu lực và cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông. Đây cũng chính là yếu tố bước ngoặt, tạo cơ hội để Tập đoàn Công nghệ CMC thực hiện việc hợp nhất 2 công ty này thành một cùng với các định hướng đầu tư mạnh mẽ nhất”, ông Minh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Tổng giám đốc CMC Telecom, sự kiện hợp nhất 2 đơn vị CMC TI và CMC Telecom đánh dấu mốc quan trọng trong việc quy hoạch lại các mảng hoạt động, dịch vụ trùng lặp, tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm tiềm năng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ hơn. Dự kiến, sau hợp nhất, vốn chủ sở hữu CMC Telecom tăng từ 192 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng vào năm 2015.
Trên cơ sở đó, sau khi hợp nhất 2 công ty, CMC Telecom sẽ tiếp tục chú trọng vào việc củng cố năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của công ty; mở rộng hạ tầng tại các tỉnh thành khác để mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ; kết hợp đầu tư hệ thống cáp quang biển để mở rộng băng thông quốc tế; tiếp tục hoàn thiện và phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ từ viễn thông cơ bản đến dịch vụ giá trị gia tăng như Internet băng rộng, truyền dẫn nội hạt – liên tỉnh – quốc tế, dịch vụ trung tâm dữ liệu, voice, truyền hình trực tuyến….
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định, sự hợp nhất này dựa trên các thế mạnh của 2 công ty, trong đó, CMC Telcom sở hữu hệ thống Trung tâm dữ liệu (Data Center) hiện đại cộng thêm hệ thống dịch vụ giá trị gia tăng phong phú kết hợp với CMC TI, đơn vị sở hữu và khai thác kinh doanh trên hệ thống cáp quang tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cung cấp dịch vụ cho gần 10.000 khách hàng doanh nghiệp, 50.000 khách hàng hộ gia đình.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy và đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững với các mục tiêu chủ yếu như xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng; cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng cũng như phát triển bền vững thị trường viễn thông, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông. “Việc ưu tiên áp dụng công nghệ viễn thông hiện đại và bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng cũng là những mục tiêu sắp tới”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Vì vậy, với sự hợp nhất này, Bộ TT&TT khuyến khích công ty CMC Telecom nghiên cứu phát triển các dịch vụ viễn thông mới phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ, thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác mạng viễn thông đã được đầu tư.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị, công ty mới hợp nhất cần giảm chi phí, hạ giá thành để cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước hợp lý, phù hợp với điều kiện thu nhập của khách hàng và đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh, hội nhập quốc tế cũng như tiếp tục củng cố năng lực tài chính, mở rộng hạ tầng viễn thông tại các tỉnh thành…