Góp sức đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ
Chiều ngày 25/10, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc của Bộ với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt CMC - doanh nghiệp đã có 31 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Tham dự buổi làm việc với CMC còn có các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương cùng lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ TT&TT.
Việc Bộ TT&TT mời CMC đến làm việc, bàn về con đường, định hướng phát triển thời gian tới của Tập đoàn cho thấy lãnh đạo Bộ ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp cho ngành và đất nước; đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng rằng CMC có thể trở thành doanh nghiệp công nghệ số lớn, tên tuổi không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Mở đầu buổi làm việc, bên cạnh trình chiếu clip ngắn điểm lại những nét chính trong hành trình hơn 30 năm của CMC, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược CMC đã báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, một số hoạt động trọng tâm của đơn vị trong nửa đầu năm tài chính 2024; và đặc biệt là cập nhật về định hướng phát triển doanh nghiệp đến năm 2028.
Bày tỏ sự kỳ vọng lớn rằng CMC sẽ phát triển thành doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp có nhận thức mới, quyết tâm đóng góp vào cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
Chỉ rõ yêu cầu CMC phải làm chủ công nghệ, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh: Tổng Bí thư Tô Lâm đã chính thức tuyên bố Việt Nam phải làm chủ công nghệ, nhất là khi xác định chuyển đổi số là con đường để Việt Nam trở thành nước phát triển.
Để làm chủ công nghệ, làm chủ tiến trình chuyển đổi số đất nước, con đường CMC và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được khuyến nghị là cần mức chi cho nghiên cứu phát triển và đi từ làm chủ ứng dụng, tiến tới làm chủ công nghệ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện tại là lúc CMC cần tuyên bố mình là một trong những doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ số không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Để thực hiện được các mục tiêu ‘đầu đàn, lớn, quốc tế’, không có cách nào khác là CMC phải nhận những việc lớn, việc gắn với sứ mệnh quốc gia và làm cho tới nơi.
“Doanh nghiệp muốn lớn lên, muốn trường tồn cùng dân tộc, thì phải gắn mình với sứ mệnh quốc gia”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Cần chuyển đổi số nội bộ trước, tập trung làm AI hẹp
Trong hơn 4 tiếng của buổi làm việc, phần lớn thời gian được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị trong Bộ TT&TT dành cho việc giải đáp một cách thấu đáo những kiến nghị, các thắc mắc trong đường hướng phát triển cũng như gợi mở, đề xuất những mảng việc cụ thể CMC cần tập trung thời gian tới.
Đơn cử như, để gỡ vướng cho CMC trong thực hiện thủ tục đầu tư đất làm trạm cập bờ tuyến cáp quang biển mới, lãnh đạo Bộ TT&TT hướng dẫn CMC trên cơ sở tìm hiểu kỹ quy định tại Luật Đất đai mới, trao đổi với Cục Viễn thông để Bộ tham mưu đề xuất Thủ tướng có văn bản đề nghị các tỉnh quy hoạch đất làm trạm cập bờ các tuyến cáp quang biển, góp phần nâng cao tính bền vững của mạng viễn thông quốc tế, đảm bảo an ninh quốc gia.
Trước băn khoăn về không gian phát triển, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, ngoài việc xem không gian đó có là ‘biển xanh’, vắng người, chưa ai nghĩ đến và làm hay không; doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng có thể làm ở không gian cũ, đã nhiều người làm, nếu có cách tiếp cận mới, độc đáo.
“Các lĩnh vực của ngành TT&TT như viễn thông, công nghệ số, hạ tầng số, an toàn thông tin mạng... lúc nào cũng mới. Vì thế, ngành mình không phải suy nghĩ nhiều về tìm không gian mới. Vấn đề là doanh nghiệp có dám làm không và làm có tới nơi hay không?!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
Về trăn trở của Ban lãnh đạo CMC trong việc lựa chọn lĩnh vực công nghệ tập trung đầu tư phát triển, lãnh đạo Bộ TT&TT gợi mở: Nếu doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển IoT thì nên coi AI và chip bán dẫn là hai nhánh song song, đều cần làm.
Riêng về phát triển AI, lời khuyên với CMC cũng như các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là cần tập trung làm AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI cho từng cá nhân, doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp có thể chỉ làm nền tảng để các cá nhân, tổ chức tự tạo trợ lý ảo bằng cách đưa dữ liệu của họ vào.
Cùng với yêu cầu CMC phải có những sản phẩm công nghệ tạo nên thương hiệu tập đoàn mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc đơn vị trước khi đi chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác, thì cần chuyển đổi số đơn vị mình trước. Bởi lẽ, từ chuyển đổi số nội bộ, đơn vị sẽ hiểu được nhiều thứ, biết thế nào là chuyển đổi số, và khi đó làm chuyển đổi số cho doanh nghiệp khác cũng dễ hơn.
Nhấn mạnh khi đã là doanh nghiệp lớn, CMC cần tập trung làm những việc có tính nền tảng, hạ tầng, người đứng đầu ngành TT&TT cũng khẳng định, Bộ TT&TT luôn là ‘ngôi nhà’ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là nơi để các doanh nghiệp kêu, tìm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn.
“Bộ TT&TT xác định rằng, nếu doanh nghiệp công nghệ số không phát triển thì Bộ, ngành cũng không phát triển, và câu chuyện chuyển đổi số quốc gia cũng không làm được”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
Cảm ơn Bộ trưởng, các Thứ trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ TT&TT đã có những đóng góp thẳng thắn, tâm huyết để giúp Tập đoàn ngày càng phát triển, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính khẳng định, bên cạnh mục tiêu phát triển doanh nghiệp mình, đội ngũ CMC cũng mong muốn được đóng góp vào sự phát triển đất nước, đưa trí tuệ Việt Nam vươn ra nước ngoài, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Để hiện thực hóa mục tiêu, định hướng phát triển rất thách thức đã đặt ra, ngoài nỗ lực của Tập đoàn, chúng tôi mong tiếp tục có được sự đồng hành, ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ TT&TT”, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.