- Cao điểm có lúc TQ sử dụng 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý.

Tại cuộc họp báo chiều 7/5, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia cho hay, VN đề nghị TQ giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật Biển năm 1982.

Trong khi đó, phía TQ cho rằng “hoạt động của giàn khoan HD-981 là hoạt động dầu khí bình thường của TQ ở khu vực phía nam đảo “Trung Kiến” (tức đảo Tri Tôn) thuộc quần đảo “Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của VN) không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

TQ cũng cho rằng đây là “khu vực thuộc vùng biển của quần đảo “Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của VN) và hoạt động lần này là hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng biển do TQ quản lý, “không có tranh chấp”. Phía VN đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái này của phía TQ.

"Việc phía TQ bất chấp giao thiệp của phía VN vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của VN rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Hành vi và thái độ của TQ cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN-TQ. Các văn kiện này đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng" - ông Hải nói.

Xem thêm thông tin về các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam do ông Trần Duy Hải cung cấp:

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cho hay, khoảng 40 tàu tham gia bảo vệ giàn khoan HD981 ngày 2, 3/5. Đến 12h00 ngày 7/5, TQ đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý.

Khi các tàu thực thi pháp luật của VN ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của TQ, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước vào các tàu của VN nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.

Lúc 12h ngày 7/5, tàu hải cảnh 3411 đâm vào tàu CSB8003. TQ sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003 để uy hiếp.

Các tàu TQ được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.

Xem thêm thông tin do ông Ngô Ngọc Thu cung cấp:

Trong khi đó, theo đại diện Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), ông Ngô Mai Thịnh cho hay, lực lượng bảo vệ của TQ đã tiếp cận có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu kiểm ngư VN. Các tàu hải cảnh chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, góc tiếp cận lớn, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hại đến các tàu kiểm ngư VN.

Xem thêm thông tin do ông Ngô Mai Thịnh cung cấp về hành động tấn công của tàu TQ:

X.Linh - X.Quý - H.Anh - H.Nhì