Câu chuyện dưới đây viết về một liệt sĩ chưa biết tên, đã nằm lại trong rừng già hơn 50 năm trước khi được tìm thấy.

Cái chết bi tráng

Năm 1972, ông Đặng Văn Duệ, khi đó đang là thanh niên xung phong, đơn vị đóng quân tại km46 đường 21, làm nhiệm vụ trên tuyến đường chiến lược số 21 và 22 đi vào miền Nam. Khu vực này thuộc địa bàn xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, giáp ranh xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Một buổi chiều, sau trận bom đánh xuống ngầm pháo của quân đội ta, ông Duệ và người đồng đội tên Niềm cùng đơn vị đi kiểm tra đường để khắc phục sự cố bom mìn. Qua dốc ngầm pháo khoảng 500m, hai ông phát hiện một xe vận tải quân sự loại GAZ 66 chở hàng vào miền Nam bị trúng bom đã cháy rụi, trên thùng xe sót lại téc xăng đã hỏng. Người lái xe đã bị bom "xé nát", chỉ còn một phần thân thể vương trên ngọn cây.

Hai người lính cố gắng tìm góp phần xương thịt còn sót lại của chiến sĩ lái xe tải, mang ra một hố bom nằm bên cạnh khe cạn, đào đất để chôn cất.

Xong việc thì trời sẩm tối, hai người về đơn vị báo tin.

Sau đó, đơn vị cũng chuyển doanh trại đi nơi khác vì khu vực ngầm pháo là cứ điểm địch đánh bom ác liệt.

49 năm đã trôi qua, ông Đặng Văn Duệ vẫn rất trăn trở mỗi khi nghĩ về hình ảnh thi thể người lái xe hôm đó. Người lính mà ông chưa biết tên có thể mãi mãi phải nằm lại giữa đại ngàn.

ong dang van due trao doi cung ong nguyen phi cong ve viec tim kiem mo liet sy 1734684918158.webp
Ông Đặng Văn Duệ trao đổi cùng ông Nguyễn Phi Công về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Ngày 7/7/2021, trong lúc đang đi tìm thông tin về các liệt sĩ hy sinh trong trận ném bom B52 ngày 7/1/1973 tại Công trình quốc phòng 723 hay còn gọi là sân bay dã chiến rào Li Bi thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ, ông Nguyễn Phi Công, Phó giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, đã tình cờ được gặp ông Đặng Văn Duệ.

Khi đến thăm ông Huệ tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Phi Công đã được nghe lại câu chuyện bi tráng nói trên.

Vốn đã nhiều năm tìm hiểu về lịch sử vùng đất gắn với các tuyến đường chiến lược 21, 22 và sân bay Li Bi, ông Công hết sức xúc động và hứa sẽ cố gắng tìm gặp các cơ quan chức năng để báo cáo về trường hợp này.

Ngày 27/6/2022, ông Công cùng một số anh em trong đơn vị đưa ông Duệ về lại mặt trận xưa. Tại vị trí như lời ông Duệ kể, hiện trường chưa hề thay đổi vì đây đã thuộc về khu vực bảo tồn.

Qua ngầm pháo, ông Duệ đi trước, rất nhanh đã đến khu vực hố bom và khẳng định chắc chắn đây là nơi 50 năm trước ông đã chôn cất người lái xe.

Đoàn đã phát quang cây cỏ, đặt lễ thắp hương cho liệt sĩ chưa biết tên, ghi chép tọa độ, chụp ảnh đầy đủ.

ong dang van due ben ngoi mo giua rung crop 1734685050747.webp
Ông Đặng Văn Duệ bên ngôi mộ người lính chính ông đã tự tay chôn cất giữa rừng già cách đây nửa thế kỷ.

Xây "nhà mới" cho người tử trận

Tháng 12 này, ngay trước dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Phi Công đã quyết định tiến hành cất bốc ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên nói trên, đưa về nghĩa trang nhân dân xã Hương Hóa. Ông đã có đơn gửi Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và UBND xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình để được thực hiện công việc này.

"Là người tiếp nối câu chuyện bác Duệ kể và tận mắt cùng bác đến hiện trường, tôi nhiều đêm bật tỉnh dậy như có điều gì thôi thúc phải làm cách nào để đưa được linh hồn liệt sĩ lên khỏi hố bom. Tôi tự nguyện thuê nhân lực di dời hài cốt dưới đáy hố bom về vị trí sạch sẽ, cao ráo, cất bốc và xây cho liệt sĩ một phần mộ ở nơi thoáng mát, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ", ông Công nói.

Mặc dù hài cốt nằm trên lâm phần của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thuộc địa bàn xã Hương Trạch nhưng về đường giao thông thuộc trục đường chiến lược số 21 lại đi qua xã Hương Hóa, nên ông Nguyễn Phi Công đã xin UBND xã Hương Hóa cho một khoảnh đất khoảng 2m² để xây phần mộ cho liệt sĩ.

Ngay sau khi kế hoạch này được công bố, một số cá nhân đã quyên góp tiền chung tay góp sức cùng ông Nguyễn Phi Công.

Ngày 19/12, đoàn tìm kiếm đã tiến hành việc cất bốc ngôi mộ, đưa về an táng tại Nghĩa trang nhân dân xã Hương Hóa.

Ngôi mộ - "ngôi nhà mới" cho liệt sĩ chưa biết tên - đã được xây lên tại đây.

Sau khi hoàn thành việc cất bốc, thông tin về người liệt sĩ sẽ được công bố rộng rãi để có thể kết nối với đơn vị cũ, những mong có ngày đến được với gia đình liệt sĩ đã nửa thế kỷ mòn mỏi chờ đợi.

liet sy 1734684918083.webp
Cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Trong phút xúc động vì tìm được ngôi mộ liệt sĩ giữa rừng già, ông Nguyễn Phi Công viết bài thơ:

"KHÓC VỀ ANH

Năm mươi năm yên nghỉ giữa rừng già

Mẹ cha khóc cho đến ngày mòn mỏi

Cố tìm anh cứ trông cứ đợi

Có biết đâu anh an nghỉ bên rừng.

Biết bao ngày mẹ khóc với nỗi đau

Nhận báo tử mà chưa tìm được

Anh ơi dưới hố bom chắc anh nhiều mong ước

Mà anh đã được về trong hơi ấm lòng dân.

Năm mươi năm giữa rừng già yên nghỉ.

Xin anh hãy mau tìm về với mẹ

Lau nước mắt nhạt nhòa mong mỏi chờ anh

Anh sẽ đời đời bất tử giữa bình yên…

Hương Hóa 19/12/2024"

z6146922954059fc905649c78149903f5266cd213b08de 1734684918080.webp
Xây "nhà mới" cho người liệt sĩ chưa có tên.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có tổng cộng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó có 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia... để lại nỗi đau rất lớn cho các gia đình. Mỗi một ngôi mộ được tìm thấy, dẫu muộn, là niềm động viên và an ủi rất lớn về tinh thần cho gia đình liệt sĩ.

Theo Bình Yên (Dân Trí)