Đại úy James Kovarovic, phi công lái chiếc C-17 Globemaster II của Không quân Mỹ đóng tại Hawaii, cho biết loại siêu vận tải cơ này đến Việt Nam khá thường xuyên để vận chuyển hài cốt lính Mỹ.

C-17 gây chú ý ở Việt Nam khi đảm trách nhiệm vụ vận chuyển các phương tiện phục vụ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam năm 2016.

C-17 là loại máy bay vận tải mới nhất, cơ động nhất trong lực lượng không vận của Mỹ. Sự linh hoạt và tin cậy vốn có của C-17 giúp nâng cao năng lực của cả hệ thống không vận Mỹ nhằm hoàn thành các yêu cầu vận chuyển trên không đi khắp thế giới.

C-17 được vận hành bởi phi hành đoàn 3 người, gồm cơ trưởng, cơ phó và một chuyên viên bốc dỡ.

{keywords}
Siêu cơ vận tải có thể chở nguyên một chiếc trực thăng

C-17 dài 53m, cao 16,79m, sải cánh 51,75m. Máy bay này chạy bằng 4 động cơ F117-PW-100, loại động cơ đang được sử dụng cho máy bay Boeing 757.

C-17 có khả năng vận chuyển binh lính và mọi loại hàng hóa một cách nhanh chóng đến các căn cứ chính hoặc vận chuyển trực tiếp đến các căn cứ ở khu vực triển khai.

Lượng hàng hóa tối đa mà một chiếc C-17 có thể vận chuyển mỗi lần là 77.519kg. Với lượng hàng trên khoang là 76.657kg và độ cao hành trình ban đầu là 8.534m, C-17 có thể bay 4.444km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ bay của nó là khoảng 450 knot (833,4 km/h). C-17 được thiết kế để vận chuyển và thả 102 lính nhảy dù cùng trang thiết bị.

C-17 có thể cất cánh và hạ cánh trên đường băng chỉ dài 1.064m và rộng 27,4m. Ngay cả trên những đường băng hẹp và ngắn như vậy C-17 vẫn có thể quay đầu. Các máy bay C-17 tại căn cứ Hickam đang sử dụng chung đường băng với máy bay thương mại ở sân bay quốc tế Honolulu nằm sát đó.

Mẫu máy bay vận tải C-17 có chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1991. Không quân Mỹ ban đầu dự kiến sắm tổng cộng 120 chiếc C-17. Nhưng theo các kế hoạch chi tiêu ngân sách hiện tại, tổng số máy bay vận tải C-17 mà Không quân Mỹ định sắm là 223 chiếc. Mỗi chiếc C-17 có giá khoảng 202 triệu USD.

  • Theo Tiền Phong