Suốt 16 năm qua, cô Lộc giúp việc khiến gia đình tôi đi từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên khác. Ở cô, chúng tôi học được nhiều điều...
16 năm trước, trong hành trình đón cô Lộc - giúp việc vừa mới thuê - từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội, sau vô vàn câu hỏi và trả lời để làm quen, con rể tôi hỏi "thế chị định mấy tháng về nhà lại một lần thăm chồng và 2 con"? Cô Lộc nói "em thông cảm, chị cứ 2 tháng phải về để gặp chồng chị chứ"!
Thú thật tôi cũng là người không đến nỗi cổ hủ, tây tàu từng ở cả, mà nghe câu trả lời đó vẫn thấy giật mình và sửng sốt. Rất độc đáo, tôi thầm nghĩ và đây là ấn tượng thứ nhất về cô giúp việc nhà tôi.
Ấn tượng thứ hai phải kể đến chính là cô rất biết cách làm việc. Nói theo ngôn từ hiện đại là rất chuyên nghiệp. Chỉ sau vài ngày, cả nhà tôi đều khẳng định cô Lộc biết việc, trong đầu cô luôn là thứ tự các đầu việc cần thực hiện. Đã là giúp việc thì có khá nhiều loại công việc đến tay. Thế mà mọi sự đều cơ bản là đâu ra đấy.
Chính vì vậy, con gái tôi và cô giúp việc đã ký kết một thỏa thuận cũng khá độc đáo, đó là nếu cô trụ lại gia đình cho đến khi cháu ngoại tôi vào lớp 1, rồi sau đó, nếu cô vẫn muốn ở lại giúp gia đình thì tính tiếp, nói nôm na là 6 năm sau, con gái tôi sẽ có phần thưởng cho cô là 20 triệu đồng.
Đương nhiên thỏa thuận này đã được thực thi khi cháu ngoại tôi vào lớp 1. Không biết giữa 2 nhân vật này còn có thỏa thuận gì không, chứ kiểu cháu ngoại học xong lớp 12 thì chỉ hơn năm nữa là đến. Thậm chí có lúc hứng lên, cô Lộc còn tuyên bố sẽ giúp việc gia đình cháu ngoại tôi nữa, khi nó lấy chồng, sinh con.
Ấn tượng thứ ba về cô giúp việc là cách thức cô cư xử với mẹ tôi. Khi cô đến thì mẹ tôi 78 tuổi. Bà tiếp xúc với cô 12 năm cho đến khi ra đi. Một gia đình 4 thế hệ ở chung. Rất không đơn giản cho người giúp việc.
Mẹ tôi dạy cô Lộc làm các món ăn theo kiểu của bà. Cho đến bây giờ, mẹ tôi đã ra đi được 3 năm, nhưng người nhắc đến bà nhiều nhất lại không phải con, cháu, chắt mà là cô giúp việc.
Nấu món ăn này, cô bảo cụ nói phải làm như thế này, nấu món ăn kia thì lại phải như thế kia. Trong mấy món tủ mà Tết đến, cô Lộc thể hiện tại nhà mình với chồng, con, cháu phải kể đến nồi canh măng. Cô chuẩn bị nồi canh măng gần như đúng công thức mẹ tôi chỉ dạy.
Tuy nhiên, điều tôi muốn kể là câu chuyện mẹ tôi lúc nào cũng lo cô giúp việc lấy cái này, cái kia của gia đình. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại mang đồ nhà bếp ra kiểm. Thấy thế, vợ chồng tôi và cô Lộc bao giờ cũng cười vui vẻ. Cụ thấy vui khi kiểm đồ thì phận con cháu và giúp việc cũng lấy đó là niềm vui. Bọn tôi đôi khi cũng phải nói với cô Lộc thông cảm cho người già, hơi trái tính chút. Cô trả lời "không sao".
Có một lần vợ chồng tôi đi vắng, ở nhà mẹ tôi nghi oan cho cô một việc, giận quá, cô lấy xe đạp ra làm mấy vòng quanh khu đô thị cho khuây khỏa, cho toát mồ hôi ra cùng với sự bực tức không biết kể cùng ai. Về sau cô kể lại: "Cụ nói thế, mình không thế, nhưng không thể đôi co với cụ được, nên em phi ra ngoài bằng xe đạp cho thoải mái, cho hết bực".
Ấn tượng thứ tư về cô giúp việc là sự hòa đồng của cô với mọi người xung quanh nơi gia đình tôi ở. Thỉnh thoảng lại thấy ai đó bên ngoài kêu rất to "Lộc ơi". Nghe vậy là biết ngay có gia đình ai đó thải đồ gọi cô để cho, ví dụ như vỏ lon bia, thùng các tông… Cô gom lại rồi mang bán cho cửa hàng chuyên thu mua những đồ vật kiểu này. Mẹ tôi đi dạo chơi cũng để ý nhặt về cho cô ít thùng giấy. Vợ tôi có hôm tha về mấy cái lẵng hoa đã qua sử dụng.
Cô Lộc có hẳn một chiến lược lẵng hoa, thu gom về rồi trước 8/3, 20/10 mới mang đi bán. Bán vào thời điểm này mới được giá. Cái sự nhặt rác của cô tác động mạnh đến thằng cháu ngoại của tôi. Nó cũng nhặt nhạnh, thậm chí mang từ lớp học về nhà những cái lon nhựa bé tẹo "để bác Lộc bán". Tối tối, cô Lộc lại làm mấy vòng quanh khu đô thị để nhặt rác và thỉnh thoảng các gia đình biết cô lại gọi vào cho đồ này, đồ kia. Cô phải thế nào người ta mới thế chứ!
Ấn tượng thứ năm là cái sự ham học hỏi của cô giúp việc. Lúc bố mẹ vợ tôi còn sống, thỉnh thoảng các cụ ghé chơi nhà tôi hoặc có dịp đại gia đình tôi lại về chơi với các cụ tại Bắc Giang. Những dịp như thế, bố mẹ vợ tôi thường kể nhiều chuyện: chuyện thời xưa, chuyện thời nay rồi những tích trong cuốn Cổ học tinh hoa mà ông nội vợ tôi là đồng tác giả.
Cùng ngồi nghe là cô giúp việc và đêm đêm, khi đã thư công việc, cô hý hoáy ghi chép lại những chuyện mà bố mẹ vợ tôi đã kể. Cô bảo chuyện hay, phải ghi chép lại cho khỏi quên. Cô cũng ghi lại những câu chuyện mà mẹ tôi, vợ chồng tôi kể. Hôm nào có khi phải hỏi cô giúp việc xem cô đã dùng đến mấy cuốn sổ để ghi chép những câu chuyện kiểu này.
Ấn tượng thứ sáu về cô gắn liền với ấn tượng thứ năm. Mọi thứ cô ghi chép được, mọi thứ cô thấy hay từ cuộc sống đâu đây đều được cô truyền đạt, mang ra dạy 2 con trai của cô. Cô nghĩ hết sức đơn giản những cái hay đó cần nói để con mình biết, để chúng có thể làm theo. Cô gọi điện thoại nói cho con cái, cô viết thư, nhắn tin qua zalo cho con trai, con dâu với một tâm nguyện mình cố gắng mọi thứ vì con và cháu. Mình xưa học ít, nên cố gắng nói cho con và cháu thấy cần thiết phải học.
Chân lý giản đơn của cô là không học không nên người, có học thì đời hẳn là tốt hơn. Có lúc thấy xúc động khi nghe cô nhắn nhủ cháu nội qua điện thoại: "Cháu mà không học thì sau này chỉ có đi làm như bà thôi, bà học ít nên mới đi giúp việc cháu à"!
Độc đáo hơn nữa là câu chuyện hậu kiểm nơi cô. Cô bảo gửi thư, nhắn tin xong, mấy hôm sau gọi điện kiểm tra xem các con có đọc không là biết ngay. Không đọc thì không thể trả lời các câu hỏi kiểm tra của cô được.
Hóa ra sống cùng cô giúp việc ngần ấy năm, tôi cũng học được khối thứ từ cô. Nhiều lúc tôi tự nghĩ xem mình có thể đạt tới 5 trong 6 cái ấn tượng nơi cô hay không. Khó phết đấy. Cuộc đời là vậy, có đi có lại, gia đình mình và cô giúp việc đã gắn bó cùng nhau 16 năm trời để hướng tới những kỷ lục năm tháng oách hơn. Hành trang vào đời của 2 đứa cháu tôi chắc chắn in đậm đôi nét chấm phá những năm tháng thân thương bên bác Lộc yêu quý của chúng nó.
Khi nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình ngày càng tăng thì chuyện xoay quanh người giúp việc và chủ nhà càng phong phú, trong đó có nhiều tình huống cảm động. Nhưng cũng có những cuộc sống chung khiến đôi bên nhận về bi kịch và những tình huống dở khóc dở cười.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện người giúp việc để người đọc có thêm góc nhìn về mối quan hệ này.
Đó là lần đầu tiên tôi khóc từ ngày đi làm giúp việc. Tôi cảm nhận được ở trong ngôi nhà đó, mình không chỉ là người làm mà chính là người thân của họ.