Tại Bàn tròn trực tuyến do Tuần Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chia sẻ những câu chuyện hậu trường trong công tác bảo hộ công dân thời đại dịch Covid-19.
XEM VIDEO:
Chiến dịch di chuyển công dân khỏi tâm dịch Hồ Bắc
Hẳn nhiều độc giả chưa quên về chiến dịch di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Hồ Bắc, Trung Quốc hồi đầu tháng 2 khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất căng thẳng. Bà có thể chia sẻ những câu chuyện chi tiết với độc giả?
Ngay từ khi báo chí Trung Quốc thông tin về dịch bệnh, ngày 14/1, Cục Lãnh sự đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân.
Chúng tôi giữ liên hệ với số lưu học sinh Việt Nam và người Việt Nam có mặt tại Trung Quốc, nhất là TP Vũ Hán để động viên, thăm hỏi và phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh đang được cơ quan y tế Trung Quốc khuyến cáo áp dụng; Tổng hợp danh sách công dân Việt Nam đang ở Trung Quốc, hỗ trợ các công dân bị mắc kẹt xin gia hạn thị thực; Gặp và trao công hàm cho đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị coi trọng, chỉ đạo các địa phương áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho công dân Việt Nam đang có mặt tại Trung Quốc.
Cục Lãnh sự đã chủ trì, tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để trao đổi về kế hoạch chi tiết đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc (TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) về nước.
Đêm 9/2, Cục Lãnh sự tổ chức đoàn công tác do Cục trưởng Vũ Việt Anh làm trưởng đoàn trực tiếp đến sân bay Vân Đồn triển khai các công tác đón 30 công dân ta từ Vũ Hán. Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo dõi sát lịch trình di chuyển của các công dân từ các nơi tại Trung Quốc đến khu vực tập trung lên máy bay về nước…
Để triển khai thành công chuyến bay này, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phải xử lý rất nhiều thủ tục như: Thu thập nguyện vọng của công dân về nước; Chốt danh sách, gửi về các cơ quan chức năng trong nước; Gửi công hàm cho cơ quan chức năng của Trung Quốc để xin cấp phép bay; Xây dựng kế hoạch, thu xếp phương tiện, nhu yếu phẩm, thiết bị phòng hộ y tế, nơi ăn ở, địa điểm tập kết công dân tại Hồ Bắc; Can thiệp với Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ công dân được phép đi qua các trạm kiểm soát, kịp đưa ra sân bay theo đúng kế hoạch.
Các công dân Việt Nam trở về quê hương sau những ngày dài thấp thỏm, âu lo tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Báo Quốc tế |
Liên quan đến cấp phép bay, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã liên tục tác động qua kênh ngoại giao để bạn sớm có thông báo chính thức về phép bay. Tuy nhiên, phía bạn cho biết các thủ tục tại Trung Quốc phải qua nhiều khâu, sân bay Vũ Hán đang phải tập trung cho các máy bay đã đăng ký từ trước.
Đến khoảng 17h ngày 9/2 (trước giờ máy bay khởi hành từ Việt Nam 4 tiếng), bạn mới thông báo qua điện thoại về việc cấp phép cho chuyến bay của Việt Nam.
Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh lúc 5h4 phút sáng 10/2, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân (đặc biệt, trên chuyến bay có 1 nữ hành khách đang mang thai 8 tháng). Các công dân đều có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và được đưa về bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cách ly theo quy định.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Với chủ trương nhân văn và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà có cho rằng công tác bảo hộ công dân Việt Nam đã trở thành điểm nhấn trong nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ, đưa Việt Nam thành một điểm sáng trong dư luận quốc tế?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau và tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra phức tạp, hàng loạt các quốc gia phong tỏa, ngăn chặn công dân nước ngoài xuất/nhập cảnh, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) |
Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ: Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không của Việt Nam đưa về nước 1.255 công dân ta bị kẹt tại các sân bay quốc tế; tổ chức 84 chuyến bay đưa gần 21.000 công dân từ khoảng 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước trên tổng số hơn 50.000 công dân có nguyện vọng đăng ký (khoảng 42%).
Dự kiến, từ nay đến hết ngày 30/8, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức 34 chuyến bay đưa thêm hơn 10.000 công dân về nước. Như vậy theo kế hoạch đến 30/8, ta sẽ tổ chức được tổng cộng khoảng 118 chuyến bay đưa hơn 31.000 công dân trên hơn 50.000 công dân có nguyện vọng về nước (khoảng 63%).
Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu về nước của công dân ta ở nước ngoài?
Dịch Covid-19 đã diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, lây lan tại hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Như mọi người đã biết, có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài.
Một số lượng lớn công dân, chủ yếu là đối tượng dễ bị tổn thương như các cháu học sinh, sinh viên, phụ nữ, người già, người bệnh hiểm nghèo hay các đối tượng là lao động mất việc làm; người bị kẹt lại do hết hạn thị thực, hết hạn lưu trú… có nhu cầu về nước.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca nhiễm bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Nhu cầu về nước của công dân ta ở nước ngoài ngày càng lớn, chủ yếu là các em học sinh, sinh viên không còn chỗ ăn ở học tập do trường học, ký túc xá đóng cửa; hay các lao động bị cắt hợp đồng; người già, người bị bệnh lý nền hết thời gian điều trị bệnh ở nước ngoài; người đi du lịch thăm thân bị kẹt ở nước ngoài…
Thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng và thiết thực theo thứ tự ưu tiên phù hợp và khả năng đáp ứng yêu cầu cách ly trong nước, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, sử dụng mọi nguồn lực, khả năng trong nước để triển khai các chuyến bay đưa công dân tại các “điểm nóng” ở nước ngoài về nước trong thời gian sớm nhất.
Kỳ tới: Chuyến bay đặc biệt với hơn nửa hành khách nghi nhiễm Covid-19
Tuần Việt Nam
Bữa cơm vội vã bên lề đường khi sinh mạng dân là nhân quyền lớn nhất
Những bữa cơm trong bóng tối, đêm khuya đội mưa, chuyến di dời khẩn khỏi trụ sở… Tất cả vì mục đích duy nhất: Giúp người dân vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống.