"Tôi đã được ông bà "phỏng vấn" từ ngày đầu tiên bước chân vào gia đình này. Họ từng hỏi thẳng trình độ học vấn của tôi đến đâu khiến mẹ tôi phản ứng ngay", Ngô Mỹ Uyên kể.
Sống ở Italy, hồn vẫn ở Việt Nam
- Công việc của chị hiện nay thế nào?
Dự án Bảo tàng Cải lương vẫn đang triển khai dù tiến độ bị ảnh hưởng do vướng mắc một số vấn đề về giấy tờ, thủ tục pháp lý. Trong lúc chờ đợi, tôi tập trung xây dựng Bảo tàng Cải lương trực tuyến cũng như duy trì tổ chức cuộc thi cải lương Út Trong Award.
Có thể tháng 10 tới, tôi sẽ về Việt Nam tổ chức hội thảo về cải lương và ra mắt quyển sách đúc kết từ 16 năm giảng dạy. Tôi còn một phim tài liệu về 100 năm cải lương và một dự án nghiên cứu những điểm tương đồng trong âm nhạc Italy - Việt Nam. Tôi thành lập công ty và quỹ riêng để vận hành các dự án.
- Vì sao mọi việc chị làm đều hướng tới cải lương?
Hiện tại, cải lương vẫn chưa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi làm tất cả chỉ với mục đích duy nhất là trả lại sự hiểu đúng cho cải lương trong lòng khán giả.
Trong tâm trí, tôi thường hướng về cải lương. Là Phật tử, mỗi lần thiền định tôi hay trôi trong ngũ âm Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy bộ môn hàm chứa gần như đầy đủ tập tục văn hóa lâu đời của Việt Nam. Từ khi ra đời, không giai đoạn lịch sử nào cải lương không có mặt.
Cải lương có sứ mệnh như vậy, tôi không đành lòng nhìn nó bị bỏ quên, tự sống lay lắt. Ông xã và các bạn bè văn nghệ sĩ Italy của anh rất ủng hộ tôi. Họ nói tôi đang làm đúng điều mà bậc tiền nhân đã làm cho Italy cách đây 40 - 50 năm trước.
Trong quá trình theo đuổi lý tưởng, tôi gặp nhiều quan điểm trái chiều, có người nhận định 'kịch hát phương Tây và kinh kịch Trung Quốc siêu đẳng hơn cải lương'.
Tôi có một người bạn là nghệ sĩ Opera nổi tiếng ở Italy, sẵn sàng mời cô ấy cùng hát một đoạn nhạc bất kỳ. Tôi có thể hát đoạn nhạc được ký âm bằng 7 nốt nhạc cơ bản nhưng cô ấy chắc chắn không hát được đoạn ký bằng âm giai ngũ cung.
Linh Huyền thu âm bài ca cổ 'Cha về cõi Phật' (soạn giả: Viễn Châu) ở Italy. Video: FBNV
Tôi không lý giải được vì sao mình luôn đau đáu với cải lương như vậy. Đôi lúc, tôi thấy có lỗi khi sống ở Italy nhưng không đóng góp gì cho đất nước này, xác ở đây nhưng hồn vẫn ở Việt Nam.
Tôi làm việc với toàn người Việt, công ty tôi điều hành vẫn đóng thuế cho quê hương. Khi đi các đền đài, tôi hay khấn xin được nương náu lại Italy, học hỏi tinh hoa nghệ thuật bản xứ để giúp ích cho nghệ thuật truyền thống nước nhà.
Hiện tại, tôi còn là Đại sứ Nghệ thuật truyền thống do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ nhiệm nên càng cảm thấy bị thôi thúc bởi trách nhiệm to lớn này.
Hành trình họa sĩ Italy tán đổ nữ nghệ sĩ cải lương Việt Nam
- Hiếm thấy chị nhắc đến ông xã - họa sĩ Richard Asinari di San Marzano?
Anh làm họa sĩ, giám tuyển nghệ thuật, chuyên gia thẩm định tranh cho các cuộc thi, festival lớn và là người sáng lập Giải thưởng Dogma.
Do xuất thân từ gia tộc có nhiều đóng góp cho đất nước, anh thân khá nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực, trong đó có cháu nội nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Gustav Mahler.
- Anh và chị đến với nhau thế nào?
Năm 2005, tôi cùng đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đi diễn ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều là nghệ sĩ trừ 2 người đàn ông lạ.
Người đàn ông tóc bạc ngồi trước mặt tôi đang trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Ngân nhưng hai người không hiểu nhau. Tôi - người lấy bằng B Anh văn năm 1996 - vận dụng hết khả năng bình sinh nói: "Chuyến bay này đều là nghệ sĩ nổi tiếng. Chúng tôi không thường xuyên thực hành tiếng Anh nên nếu ông muốn giao lưu thì nói chậm thôi".
Khi máy bay hạ cánh, chúng tôi cùng di chuyển trên xe bus, ông ấy đứng gần tôi, cô Lệ Thủy thấy vậy nên chọc: "Ê, cô chúc hai 'thằng' bây hạnh phúc nghe" mà ổng không hiểu gì.
Khi biết chúng tôi là 'nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống', ổng rất hào hứng vì đang tìm hiểu văn hóa Việt, liền xin số điện thoại.
Vài ngày sau, ổng nhắn tin, biết tôi đang tập tuồng ở Rạp Hưng Đạo liền đến xem. Từ đó, chúng tôi trò chuyện nhiều hơn, ngày càng gắn kết.
Sau này, tôi mới biết anh là người Italy đầu tiên viết bài bình luận về cố nghệ sĩ Thanh Nga và 'âm nhạc lạ lùng của Việt Nam' trên một tờ báo lâu đời. Hóa ra năm 1957, anh từng sống ở Sài Gòn, được nghe cô Thanh Nga hát, đến năm 1965 về nước vẫn nhớ hoài. Anh cũng từng viết một bài về nước mắm Việt Nam trên báo quốc tế.
Hồi yêu nhau, anh hay than với bạn sao con gái Việt Nam khó tính quá, quen 2 năm vẫn chưa cho hôn. Năm 2008, chúng tôi cưới. Vì tôi đam mê cải lương, quyết thực hiện loạt chương trình Hồn Việt - The soul of Vietnam và nhiều chương trình khác về văn hóa - nghệ thuật nên anh đồng hành, ủng hộ.
Tôi đam mê đến mức làm mà không nghĩ cho bản thân. Kết quả, tôi đã làm được những gì mình mơ ước nhưng cũng không còn tài sản nào ở Việt Nam, kể cả căn nhà. Đó là lý do chúng tôi phải sang Italy sống.
Không mong cầu giàu sang, phú quý
- Đã bao giờ, ông xã trách chị đam mê cải lương 'như thiêu thân lao lửa', gây ảnh hưởng sản nghiệp gia đình?
Chưa bao giờ, ngược lại anh luôn sát sao, vực tôi dậy những lần tưởng như ngã quỵ suốt năm tháng đó. Không có anh, tôi đã không thể đi đến được hôm nay.
Anh từng trả lời báo chí trong nước rằng những việc tôi làm không mang lại giá trị vật chất, hữu hình nhưng người sẽ thụ hưởng là con cháu đời sau. Đầu tư văn hóa không bao giờ mất.
Cùng là nghệ sĩ, anh rất hiểu và hết lòng hỗ trợ tôi trong nghề. Những lúc tôi chuyên tâm viết kịch bản, anh giữ yên lặng tuyệt đối, thậm chí không bước mạnh, nhờ đó các vở Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Bà chúa thơ Nôm... mới ra đời.
- Đến nay, chị còn mưu cầu những gì?
Tôi không mong cầu vật chất. Tôi có nhà để ở, được mẹ thiên nhiên ban cho thức ăn xung quanh nhà. Mỗi ngày, tôi mở mắt, bước ra vườn đã thấy mây quấn lấy chân mình, gió lay cành lá, chim muông hòa ca.
Sống như vậy, tôi không cần giàu sang, ăn sơn hào hải vị hay đeo hột xoàn, chỉ muốn chia sẻ những tác phẩm đến công chúng, cho đi những giá trị tinh thần đang có. Tài sản quý nhất của tôi hiện tại là cuốn sách về cải lương sắp ra mắt.
Và như tôi từng phát nguyện, bằng mọi giá đưa cải lương về đúng với thánh đường vốn dĩ. Đó là mong mỏi lớn nhất đời tôi.
Ảnh: NVCC