Khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị Cầu Diễn (Phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nằm sâu trong một con đường nhỏ ở đường Hồ Tùng Mậu.
Đây là những căn biệt thự đơn lập, nhà vườn kết hợp cùng các dãy nhà liền kề bao quanh. Nhiều năm nay, sau khi xây dựng xong phần thô, một số căn nhà thuộc dự án vẫn chưa được hoàn thiện và trở thành khu đất biệt lập với nhịp sống của thành phố.
Những căn nhà bỏ trống nhiều năm nằm rải rác trong khu đô thị Cầu Diễn. |
Những căn hộ trống trơn chưa có cửa, chưa sơn tường, và chưa có hệ thống điện nước vệ sinh… sau gần chục năm phơi nắng phơi sương càng lúc càng xuống cấp.
Do chưa tìm được người mua, hoặc bán chưa được giá, nhiều chủ nhà ở đây giao lại cho bên thứ ba đứng ra tìm người thuê nhà giá rẻ. Vì thế, nhiều năm nay nơi đây trở thành nơi ở lý tưởng cho những lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là thợ xây công trình thời vụ.
“Ngày làm công trường, tối ngủ biệt thự” là câu nói vui mà những người lao động ở đây vẫn thường đùa với nhau. Nhưng cuộc sống thực sự của họ bên trong nơi này lạị không phải là giấc mơ mà người ta vẫn thường ao ước khi nhắc đến hai từ “biệt thự”.
25 con người – 25 câu chuyện riêng trong một căn nhà chung
Một căn nhà liền kề thuộc dự án khu đô thị Cầu Diễn thường có diện tích khoảng 58m2, chia làm 5 tầng. Những người lao động làm việc cùng một dự án thường rủ nhau thuê chung một căn nhà với mức giá giao động từ 5 – 8 triệu/ tháng.
Nhiều căn nhà 5 tầng thuộc khu D4, khu đô thị Cầu Diễn bỏ trống nhiều năm trở thành nơi ở lý tưởng của người lao động ngoại tỉnh. |
Trung bình mỗi căn có 15 – 25 người ở, lao động ở đây tự chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 8 người, ở trong nhiều phòng khác nhau và sinh hoạt độc lập theo từng nhóm.
Vì vậy, dù ở “nhà cao cửa rộng” nhưng thực chất toàn bộ sinh hoạt của một cá nhân chỉ diễn ra trong một căn phòng nhỏ cùng với 8 người chung nhóm với mình.
Theo chú San (42 tuổi) một công nhân sống tại khu D4 thuộc khu đô thị Cầu Diễn cho biết: “Trước khi chuyển về làm công trình ở một nơi mới, chú được những người cũ từng ở đây giới thiệu, sau đó tìm đến thuê lại. Chủ nhà không giới hạn số người ở nên ở càng đông, tiền thuê nhà sẽ càng rẻ.”
Vốn chỉ là “cái xác không hồn”, những căn nhà ở đây bên ngoài đổ nát, bên trong cũng hoang tàn với mảng tường bong tróc, mạng nhện giăng kín lối và bóng đèn không đủ sáng để soi rõ mặt người.
Từ nơi chẳng có gì ngoài đống vật liệu cũ mèm, người lao động đến đây và lấp đầy những căn phòng bằng đồ đạc, quần áo, tư trang. Họ tự lắp đường ống nước, xây bể chứa nước sinh hoạt, tự cơi nới nhà vệ sinh và tìm mua những tấm bạt cũ để quây lại làm cửa che nắng, che mưa.
Căn phòng thô được lấp đầy bởi rất nhiều đồ đạc, đây là nơi ở của 8 công nhân trong cùng một dự án. Họ sẽ ở đây đến khi kết thúc công trình, trung bình từ 6 tháng đến 1 năm. |
Nhà vệ sinh “tự chế” là nơi tắm rửa vệ sinh của hơn 10 người. |
Nhóm chú San là một trong những nhóm có nếp sinh hoạt điển hình của một tổ hợp công nhân sống trong biệt thự bỏ hoang. Hiện tại, nhóm có 7 người ở gồm 6 nam công nhân và 1 nữ phụ bếp ở chung trong căn phòng rộng chừng 20 m2 thuộc tầng một của căn nhà.
Mọi khoảng trống đều được tận dụng để tiết kiệm không gian sống. Trong căn phòng nhỏ, ba mảnh gỗ ghép lại với nhau thành ba chiếc giường. Đây vừa là nơi để ngủ, vừa là bàn ăn, bàn uống nước cũng là nơi chuyện trò của nhóm người cả đàn ông và phụ nữ, cả người già và người trẻ.
Mâm cơm trưa ấm cúng ngay trên… giường. Để tiết kiệm chi tiêu, mọi người đóng góp tiền ăn chung, một ngày mỗi người đóng 30.000đ/ 3 bữa sáng trưa tối. |
Tận dụng khoảng ban công nhiều ánh sáng để phơi quần áo |
Hàng ngày, người những lao động ở đây bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ sáng, họ cùng nhau leo lên chiếc xe máy cũ, chở nhau đi 5 – 7 cây số mới tới chỗ làm, rồi lại cùng nhau đi về. Cũng có những người phải làm ca đêm đến tận đêm muộn mới được về nhà.
Theo chú San, thu nhập bình quân của mỗi công nhân ở đây dao động từ 5 – 7 triệu/ tháng, trong đó được chia thành các khoản nhỏ gồm chia phí sinh hoạt và một phần để gửi về phụ giúp gia đình ở quê. Phần lớn những người này đều có hoàn cảnh đặc biệt và là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Công nhân ở đây đa số quê ở những tỉnh xa như Điện Biên, Hà Giang, Phú Thọ nên mỗi năm chỉ về quê 2-3 lần |
Vào những ngày mùa đông Hà Nội, cái lạnh len lỏi đến từng góc nhỏ của căn phòng. Mảnh bạt cũ căng ra làm cửa không đủ cứng cáp để chắn gió, mọi người phải tự giữa ấm cho nhau bằng cách đắp nhiều lớp chăn mỏng, hoặc nằm sát vào nhau để không bị cảm giác gió lùa.
Cảnh sinh hoạt chung vốn nhiều bất tiện và lại càng đặc biệt hơn với những người phụ nữ.
Cô Hà Thị Hiền (45 tuổi) chia sẻ: “Phụ nữ ở đây đa phần chỉ làm giúp việc vặt ở công trường và việc chính là nấu cơm cho các anh công nhân. Mỗi nhóm chỉ ở 1 phòng của căn nhà nên bọn tôi vẫn ngủ chung cùng mọi người. Tắm giặt vệ sinh thì được ưu ái hơn là có phòng tắm riêng.”
Dù sống chung nhưng mọi sinh hoạt của phụ nữ đều được ưu tiên để đảm bảo sự riêng tư |
Cuộc sống tha hương nay đây mai đó cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ không còn nhiều lựa chọn cho một nơi ở tử tế.
Mỗi người khi chấp nhận gắn mình với căn nhà gạch đá trơ trọi, ai cũng tự nhắc nhở trong suy nghĩ một sự chấp nhận về cuộc sống xa quê không dễ dàng, về những hy sinh trong bữa cơm, giấc ngủ để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi gửi về cho gia đình.
“Chuyện tình ri-đô” và ước mơ về một tổ ấm hạnh phúc
Vợ chồng cô chú Dính – Sa là người dân tộc Mông, quê ở Điện Biên. Hai cô chú xuống Hà Nội được gần 2 tháng và là thành viên mới nhất trong khu nhà D4 thuộc khu đô thị Cầu Diễn.
Giống như nhiều lao động khác, trước kia ở quê 2 vợ chồng chú Dính chỉ làm nương rẫy sống qua ngày. Đầu năm 2019, toàn bộ vụ mua thất thu, không bán được lương thực, cũng không có cái ăn chú Dính phải xa quê xuống thành phố tìm việc.
Cô Sa từ Điên Biên lên Hà Nội tìm chồng chỉ vì nhớ chồng, ở nhà một mình không yên tâm |
Được một người bạn cùng quê giới thiệu và dẫn đến ở cùng nhà khu D4, chú Dính hiện đang làm thợ cốt pha cho một công trình xây dựng. Vừa đi được hơn 1 tháng, vợ chú Dính là cô Sa cũng từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm chồng, cô Sa nhất quyết đòi ở lại với chú vì sợ cảnh lủi thủi một mình và không chịu nổi nỗi nhớ chồng – Lời của cô Sa kể, được một người đồng hương dịch lại từ tiếng Mông.
Ở nơi thủ đô nhộn nhịp, chồng bị nặng tai phải đeo máy trợ thính, còn vợ không biết tiếng Kinh, không nói chuyện được với ai ngoài những người cùng đồng bào. Hai cô chú đến đây được mọi người ưu tiên cho một góc phòng, căng ri-đô để vợ chồng riêng tư.
Mỗi căn nhà chỉ có từ 3 – 4 người lao động nữ nên họ luôn chia sẻ và đồng cảm với nhau |
Hàng ngày, chú Dính theo mọi người đi làm ở công trường còn cô Sa ở nhà dọn dẹp, phụ giúp nấu nướng. Vì chưa biết tiếng Kinh nên cô Sa chỉ giao tiếp được bằng cử chỉ hoặc ra hiệu.
Một người đồng hương của cô Sa kể lại, thời gian đầu khi xuống đây, cô Sa không quen với kiểu sống chật chội và đông người nên cả ngày chỉ quanh quẩn với chồng, chồng đi đâu thì đi theo đó. Hai vợ chồng năm nay đã gần 50 tuổi nhưng cả ngày vẫn quấn quýt, và không thấy to tiếng bao giờ.
Tự về ở với nhau, cùng nhau sinh con để cái từ vùng núi heo hắt ở bản Huổi Đeng (xã Mường Toong, Mường Nhé, Điện Biên) rồi bây giờ lại rồng rắn xuống Hà Nội làm ăn kiếm sống. Chú Dính bảo cuộc sống của chú thay đổi chóng mặt từ ngày xuống đây và ở trong căn nhà này.
“Ở bản chỉ có hai vợ chồng sống giữa quả núi, nay xuống đây phải ngủ chung phòng với 5 – 7 người. Thời gian đầu tôi chưa quen cũng thấy nhớ nhà nhớ quê, nhưng ở lâu có đông anh em lại thấy vui.
Thi thoảng tôi vẫn trêu với vợ, ngày xưa chả ước mã ở nhà xây giờ được ở rồi đấy gì, lại còn hẳn 5 tầng” – Chú Dính vừa cười vừa nói, cái giọng lơ lớ của người dân tộc nói tiếng Kinh.
Bạt hoặc ri-đô được căng ra làm “phòng riêng” cho các cặp vợ chồng |
Mọi sinh hoạt vợ chồng đều được “giữ bí mật” đằng sau chiếc ri đô mỏng, có đêm trở mình thức giấc cũng không dám động mạnh vì sợ làm mọi người tỉnh dậy.
Đã quen với cảnh vợ chồng sống chung với tập thể, những người lao động ở đây không thấy phiền hà gì ngược lại lại rất tôn trọng quyền riêng tư của họ.
Chú Tín (quê ở Điện Biên) – bạn cùng phòng với vợ chồng chú Dính chia sẻ: “Ở đây đôi nào chả thế, người ta vẫn gọi là “chuyện tình ri đô” mà. Bọn tôi không thấy phiền gì mà nhiều khi thấy vợ chồng họ tíu tít lại vui lây, nhớ vợ nhớ con ở nhà.”
Trời Hà Nội những ngày mùa đông chưa muộn đã tối, ai cũng mong bước qua khỏi cái tối của đất trời sẽ được nhìn thấy ánh sáng ấm cúng của căn nhà nơi mình trở về sau một ngày dài lao động.
Nhưng không phải thứ đèn điện sáng trưng, có lẽ với những người lao động ở đây, mong mỏi lớn nhất của họ là một tổ ấm có tình thương, tình anh em. Vì có tổ ấm thì ở đó là nhà.
Bên trong biệt thự nghỉ dưỡng xa xỉ gần 18 triệu USD của tỷ phú Mỹ
Tỷ phú Leslie Alexander đang rao bán căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng ven biển La Jolla, thành phố San Diego (California, Mỹ) với giá 17,8 triệu USD.
Theo Dân Trí