- Duyên tình đến muộn, nhưng 25 năm qua, mối tình đũa lệch của họa sĩ nghèo Lý Ngọc Thành và cô công nhân Đào Thị Hương vẫn luôn đong đầy hạnh phúc. Tổ ấm xây nên từ cơ cực và túng quẫn vẫn ngày ngày đầy ắp tiếng cười…

Duyên trời định

Biết có khách tới, ông họa sĩ già bình dị với chiếc quần cộc, lưng đánh trần vồn vã ra tận đầu hẻm đón. Tôi nghe kể về ông rất nhiều - cuộc đời lắm cay cực của một họa sĩ “hết thời”.

Người ta bảo Lý Ngọc Thành “hết thời” cũng bởi thị hiếu thưởng thức tranh nay đã không còn mặn mà với lối cổ điển. Còn lão, dù mấy năm nay không bán được bức tranh nào nhưng vẫn sống chết với trường phái này.

{keywords}

Lão họa sĩ nghèo và những đứa con tinh thần.

Ngôi nhà của Lý Ngọc Thành (SN 1941) nằm sâu trong con hẻm trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Gặp phóng viên, ông xởi lởi: “Nguyên cả con hẻm này chỉ có nhà tôi còn dùng cổng gỗ sơn xanh. Tôi thích cái gì mộc mạc và gần gũi”. Trong ngôi nhà cũ kỹ, ngoài ông còn có người vợ là bà Đào Thị Hương (SN 1962) và hai đứa con một gái, một trai ngoài 20 tuổi.

Trên cánh cửa chính mục nát ông Thành treo kín tranh và một bức ảnh cưới của ông bà được đóng khung cẩn thận. Bà Hương trong bức ảnh quá trẻ, nét đằm thắm càng làm cho chú rể đứng bên cạnh như bị lu mờ.

{keywords}
Ảnh cưới của vợ chồng ông Thành.

Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, ông  Thành cười to, bảo: “Thấy tôi hồi cưới già quá phải không, mà không già sao được khi 49 tuổi tôi mới lấy vợ. Còn vợ tôi khi đó mới 28 tuổi, trông cứ như cha con vậy. Tôi thua thiệt người ta đủ thứ nhưng tại bà ấy mê tôi chứ bộ”.

Thấy chồng nhắc tới chuyện xưa, bà Hương nhỏ nhẹ cất giọng: “Ông ấy cứ bảo tôi sao yêu người nghèo chi cho khổ, tôi bảo duyên trời định rồi nên không cưỡng lại được”.

Trước khi có sự rung động với người bạn đời hiện tại, cuộc đời Lý Ngọc Thành từng trải qua không ít sóng gió. Từ lúc sinh ra, ông là một cậu ấm sống sung sướng trong cảnh nhung lụa. Cha mẹ đều là những người có tiếng ở khu vực Chợ Lớn ngày ấy. Có năng khiếu hội họa từ nhỏ, lớn lên ông được theo học trường Cao đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn 4 năm (nay là trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM). Đúng lúc ông vừa nhận được tấm bằng họa sĩ, thì tai họa ập đến với gia đình.

Cha mẹ đổ bệnh nặng, bao nhiêu gia sản đổ hết vào tiền thuốc thang nhưng cũng không cứu nổi. Trắng tay, Lý Ngọc Thành lang thang khắp Sài Gòn hành nghề vẽ tranh thuê. Ngày lầm lũi mưu sinh, đêm về, trong gian nhà nhỏ ở đường Trần Kế Xương mới chính là khoảng thời gian để Lý Ngọc Thành phóng bút.

Tuổi xuân trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, thoáng chốc ngoảnh lại ông đã gần bước sang tuổi ngũ tuần. Nhìn quẩn quanh, bạn bè trang lứa đã lập gia đình và con cháu đề huề. Còn ông đành ngậm ngùi đơn chiếc, bởi chẳng có cô nào chịu gá nghĩa vợ chồng cùng gã họa sĩ nghèo.

Cho đến một ngày, trái tim gã họa sĩ chai sạn chợt bừng tỉnh sau lần tình cờ chạm mặt bà Hương. “Tôi ngày đó là công nhân dệt may, đêm đi làm về gần tới nhà thì gặp trời mưa. Tình cờ lúc ấy, anh Thành cũng đi đâu về cùng chạy vào mái hiên bên đường trú tạm. Nhà tôi và anh Thành chỉ cách nhau đúng một con hẻm, kẻ hẻm trên người hẻm dưới. Vậy mà tới lúc ấy mới gặp được nhau”, bà Hương bùi ngùi kể.

Đồng cam cộng khổ

Ông Thành tuy lần đầu gặp mặt thấy cô hàng xóm nết na, thùy mị nên trót sinh tình. Sau hơn 3 tháng tìm hiểu, cả hai quyết đi đến hôn nhân. Ngặt nỗi, bà Hương kém ông Thành tới 21 tuổi nên gia đình cực lực phản đối.

“Tôi thương vì anh là người chịu khó, chân thành lại hiền lành, chất phác. Nhiều hôm đi làm về ghé qua nhà thăm anh, nhìn cảnh đàn ông sống vò võ trong căn nhà cũ nát, tôi thấy xót xa vô cùng, muốn được về cùng anh chia sẻ, chăm sóc cho nhau”, bà Hương nói.

{keywords}
Vợ chồng ông Thành hiện tại.

Hay tin cô Hương đem lòng yêu người họa sĩ nghèo đáng tuổi cha chú, người dân sống ở hai con hẻm nghèo được dịp bàn ra tán vào. Nhưng mặc kệ tất cả, mối tình “đũa lệch” đã “đơm hoa” bằng một đám cưới giản dị nhưng đầm ấm.

Về sống chung, hạnh phúc của đôi vợ chồng họa sĩ nghèo như thắp lên niềm vui khi hai đứa con lần lượt chào đời. Oái ăm thay, hai đứa con lớn lên đều không được lanh lẹ. Ông nói: “Vì chậm chạp, nên việc học của hai đứa con tôi đều dở dang. Tranh bán ra cũng không được nhiều nên tranh thủ mỗi đêm vợ chồng tôi đi nhặt ve chai”.

Cách đây ba tháng, bà Hương đi nhặt ve chai chẳng may bị xe đụng. Không tiền đi bệnh viện, chỉ thuốc uống qua loa nên bây giờ mỗi lần đi lại bà phải khom lưng bởi đau nhức hai đầu gối. Từ đấy, bữa cơm của 4 miệng ăn đều trông chờ vào chiếc bao bố rách rưới đựng ve chai mỗi đêm của ông Thành. Gom góp cả tuần, đống ve chai mới có người đến lấy, mang tiếng là mua nhưng vì thấy hoàn cảnh bi đát của gia đình, người ta du di mới được 100.000 đồng. Biết được hoàn cảnh của ông, chính quyền địa phương mỗi tháng trợ cấp thêm 800.000 đồng.

{keywords}
Bên trong căn nhà cũ nát của vợ chồng ông Thành.

Câu chuyện giữa chúng tôi và họa sĩ nghèo chợt bị ngắt quãng, bởi tiếng gọi của người giao cơm. Thấy cha già cầm trên tay ba hộp cơm nóng hổi, hai đứa con từ trong nhà chạy ra mừng rơn. Ông chậm rãi nói: “Có giáo xứ gần đây, mỗi ngày họ đem cho nhà tôi ba suất cơm. Đáng lẽ chỉ có hai suất thôi, nhưng vì thấy nhà khó khăn quá, chú giao cơm hôm nào cũng nhường thêm cho một phần. Tôi với vợ ăn chung”. Nghe chồng nói, bà Hương khó nhọc đứng dậy rời đi, quay mặt khẽ lau giọt nước mắt chua xót.

Trong căn nhà cũ nát, có một lối cầu thang dẫn đi lên gác trên ngổn ngang chất đầy tranh vẽ. Ông bảo, nhà chật tranh vẽ mấy năm qua không bán được nên chẳng còn chỗ để treo. Có người đến trả giá mỗi bức tranh chỉ vài chục ngàn, bực quá nên thà để chồng chất trong nhà chứ không bán. Sống cảnh cùng quẫn, cơ hàn nhưng trong căn nhà chật chội, cũ nát vẫn luôn chan chứa yêu thương và vang vọng tiếng cười.

Ái Thụy