- Vợ chồng cụ Chước làm nghề nhặt phế liệu trên sông Đồng Nai. Dù cuộc sống nay đây mai đó lênh đênh trên sông nước nhưng họ vẫn yêu thương, nhường nhịn sau suốt hàng chục năm qua.

Chúng tôi đứng bên bờ nhánh sông Đồng Nai phía khu phố 6, phường Tân Mai, TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Làng bè dọc theo sông nhấp nhô ẩn hiện. Từ bên trong, một chiếc ghe nhỏ tách làng đang lao tới. Trên ghe, một cụ già trông vẫn còn tráng kiện dùng hai chân điều khiển mái chèo...

Lênh đênh... duyên nợ

Cụ là Nguyễn Văn Chước, 88 tuổi. Dáng người cao lớn, gương mặt rất tươi, cụ thân thiện chào mọi người rồi kéo chúng tôi ngồi trên thềm tam cấp của một ngôi nhà.

{keywords}

Cụ Nguyễn Văn Chước, 88 tuổi vẫn ngày ngày vớt phế liệu trên sông.

"Tôi dậy từ lúc 3 giờ sáng, uống tách trà xong xuống ghe đi một vòng đến gần cầu Ghềnh thì trời sáng. Nước lớn, rác tấp vào bờ, tôi phải len lỏi vào giữa mới vớt được nhiều phế liệu. 

Làm một lát người rịn mồ hôi, đống phế liệu cũng đã nhiều, tôi chèo ra đến gần những quán ăn ở sát bờ. Những quán này thường để dành những thứ bỏ đi, rồi mang cho tôi". 

Cụ mở đầu câu chuyện đơn giản, mộc mạc về cuộc đời mình. 3 năm nay, gia đình cụ đều gắn liền với sông nước. Thuở nhỏ, cụ Chước sống ở miền Tây, suốt ngày lênh đênh. Rồi lớn lên, cụ xuôi mái chèo đi khắp các vùng xa xôi hẻo lánh quăng chài thả lưới.

"Cuộc sống sông hồ kéo dài cho đến năm 1956, tôi gặp bà nhà tôi, một cô gái mới lớn con nhà lao động quanh năm 'bán mặt cho đất bán lưng cho trời'. Cảm thông được cuộc sống, hiểu được tính tình nhau, dần dần chúng tôi yêu nhau rồi đi đến hôn nhân.

Đến với tôi, cuộc sống của bà như bước sang trang mới. Chúng tôi cùng nhau đi khắp các vùng sông nước. Những con tôm, con cá bắt được, bà gom lai ghé vào bờ bán lấy tiền mua gạo, thức ăn và vật dụng tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó.

Nhưng cứ sống mãi thế này rồi khi có con sẽ thế nào? Chúng tôi bàn với nhau cần phải dừng lại ở một nơi nào đó để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi đến làng bè này từ dạo ấy và ở lại đến giờ. Thế mà cũng đã nhiều chục năm trôi qua", cụ Chước nhớ lại.

Cụ kể tiếp: "Chúng tôi cũng sắm bè. Một chiếc bè nhỏ, bên trên là không gian sinh hoạt của gia đình, bên dưới chúng tôi nuôi đàn cá để mưu sinh. 

Hàng ngày, tôi và bà đi vớt trùn chỉ, bắt ốc mò cua thậm chí vào các chợ xin hoặc mua ruột gà, vịt về làm mồi cho cá. Những lứa cá bán đi nuôi chúng tôi và từ đó lần lượt 5 đứa con ra đời. 2 trai 3 gái, chúng lớn lên trên bè cá, trên dòng Đồng Nai hiền hòa này".

Chiếc bè hạnh phúc

Cụ ngồi trên ghe, lưng dựa vào miếng ván ở phía sau, hai chân cụ đặt lên mái chèo. Chiếc ghe tới hay lui, rẽ phải hay trái, nhanh hay chậm tất cả đều nhờ vào đôi chân này...

{keywords}
Vợ chồng cụ Chước sống bằng nghề vớt rác trên sông.

Thao tác của cụ nhẹ nhàng, linh động. Nếu không nhìn thấy cụ không mấy ai nghĩ rằng chiếc ghe lướt nhanh như thế này là do đôi chân của cụ già 88 tuổi...

Ghe ngang qua làng bè. Trên sông bên cạnh những chiếc bè lớn, mới còn có những chiếc cũ kỹ ọp ẹp. Cụ Chước cho biết, từ đây kéo dài đến cầu Ghềnh, dọc theo cù lao Phố có cả hàng trăm bè như thế. Có người nên cơ nghiệp nhờ bè, cũng nhiều người lụn bại vì bè.

Chiếc ghe len lỏi đi sâu vào làng bè. "Bà nhà tôi kìa", cụ nói. Chúng tôi nhìn theo hướng chỉ tay, ở đó, một bà cụ đang ngồi trên mạn bè dõi mắt nhìn ra xa. Thấy ghe cập vào, bà hỏi như trách: "Tôi chờ ông cả giờ đồng hồ rồi. Cứ ngồi trông mãi không thấy ông về".

Ông dịu giọng: "Hôm nay có chú nhà báo ghé thăm, mải trò chuyện nên về trễ". Nghe hai cụ nói chuyện, chúng tôi cứ ngỡ như đôi vợ chồng trẻ. Cụ bà là Nguyễn Thị Lựu (83 tuổi), cho biết: "Đã nhiều năm nay, chúng tôi sống như thế rồi. 

5 đứa con thì 4 đứa sống ở Cần Thơ, sóc Trăng, đều đã có vợ chồng. Chúng rất nghèo vì đông con, thỉnh thoảng có về thăm chúng tôi.

Có con về thì cũng vui nhưng không có chúng tôi vẫn sống bên nhau, hạnh phúc luôn ngập tràn. Từ ngày lấy ông đến giờ lúc nào cũng thế, ông luôn nhường nhịn và thương yêu tôi. 

Chúng tôi chưa hề có cãi vã giận hờn. Ông lớn tiếng thì tôi im lặng và ngược lại nhờ vậy mà tình cảm càng sâu đậm".

{keywords}

Cụ bà Nguyễn Thị Lựu 83 tuổi vẫn vững tay chèo.

Cụ Lựu kể tiếp: "Trước đây sức khỏe tốt, chúng tôi còn nuôi cá, chài lưới. Bây giờ yếu lắm rồi nên 2 vợ chồng chỉ có thể vớt phế liệu trên sông. 

Mỗi ngày ông dậy sớm chèo ghe đi đến những nơi xa. 5 giờ sáng, tôi chèo chiếc ghe gỗ đi quanh đây, kiếm được ít nhiều phụ với ông. Đến khi ông về, tôi gom lại rồi phân loại. Cứ 2 - 3 ngày tôi mang đi bán một lần được hơn 100 nghìn đồng. 

Với thu nhập này, kèm với tiền hỗ trợ người già, với sự giúp đỡ của cộng đồng chúng tôi cũng sống được qua ngày".

{keywords}

Làng bè trên dòng sông Đồng Nai.

Cũng theo 2 cụ, ở làng bè này còn nhiều mảnh đời khó khăn, tiếng là sống trên bè nhưng họ không có vốn để nuôi cá. Chiếc bè họ ở gọi là bè nhưng thật ra là những căn nhà nổi trên sông. 

{keywords}

Cụ Chước bên những bao phế liệu.

"Cả cuộc đời chúng tôi cứ lênh đênh theo dòng nước, chưa có một đêm ngủ trên bờ. Mới đó mà đã hơn 60 năm rồi. Không biết mai đây khi nằm xuống rồi sẽ ra sao?", cụ Lựu tiếp tục chia sẻ.

Những lời tâm sự của cụ khiến tôi không khỏi ngậm ngùi...

Người xa xứ ở Sài Gòn: 'Tước dây nát tay, kiếm bạc lẻ qua ngày'

Người xa xứ ở Sài Gòn: 'Tước dây nát tay, kiếm bạc lẻ qua ngày'

Chị ngồi dưới tán cây dù trên bãi đất trống. Hai tay chị mang bao tay rất dày. Những cọng dây cáp viễn thông được chị gọt đầu treo lên thành một bó lớn. Chị cặm cụi làm bất chấp bên ngoài trời đang chuyển cơn mưa.

Người phụ nữ cô đơn sau 'hai lần đò' trong căn nhà nhỏ nhất Sài Gòn

Người phụ nữ cô đơn sau 'hai lần đò' trong căn nhà nhỏ nhất Sài Gòn

Dù qua hai đời chồng nhưng chị Lê Thị Vân chưa một lần biết đến chữ hạnh phúc. Hiện tại chị sống cùng con gái trong một căn nhà nhỏ nhất Sài Gòn.

Trần Chánh Nghĩa