“Đó là một cặp chiến sĩ biệt động cực kỳ đẹp đôi. Câu chuyện về họ có thể viết thành sách được!”. Từ lời giới thiệu của chú Hai Ngọc - Thường trực Ban liên lạc truyền thống khối vũ trang Biệt động Sài Gòn, tôi tìm gặp vợ chồng cô chú Trương Khắc Thành - Nguyễn Thị Mai để nghe kể về chuyện đời- chuyện tình dài 40 năm của họ…

Hai lần cầu hôn
- Em gái ơi, đi đâu vậy?
- Tôi đi thăm một anh cùng đơn vị bị sốt rét nằm ở đây.

Câu trả lời bâng quơ của cô gái trẻ 17 tuổi trước lời chọc ghẹo của anh chiến sĩ miền Bắc vào một ngày tháng 8 - 1968 ở Hố Bò Húc (Tây Ninh) vô tình mở đầu cho một chuyện tình đẹp. Sau này cô mới biết, chính từ lời thách đố của các đồng đội mà anh đã lấy hết can đảm ghẹo cô. Âu như định mệnh vậy…

Cô là Việt kiều Campuchia yêu nước, trốn gia đình tham gia Biệt động Sài Gòn. Anh là bộ đội người Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu cũng tham gia biệt động. Hai người chung một đơn vị (Phân khu 6) nhưng anh là chiến sĩ tác chiến, còn cô là y sĩ. Hai năm trời, ra vào đơn vị nhiều lần nhưng cả hai không nói chuyện với nhau quá dăm câu. Đùng một cái, năm 1970, đi công tác gặp nhau ở nhà chị Ba Gái (An Tịnh, Tây Ninh), anh dũng cảm cầu hôn. Nhưng, cô… từ chối:

- Chừng nào thống nhất em mới lấy chồng.

Anh buồn: - Vậy giờ anh đóng một cái đinh lên cái cột nhà kia, tụi mình cam đoan chắc là em không lấy chồng và anh không lấy vợ. Chúng ta chờ đến thống nhất.

Cô bảo: - Vậy nhỡ bom giặc đánh sập nhà thì sao, làm gì còn đinh nữa?.

Anh chỉ cười: - Đinh kia chỉ tượng trưng, còn anh đã tự đóng trong lòng mình một cái rồi!

Lại 3 năm nữa trôi qua, cô đi học quân y ở Campuchia, còn anh về cắm chốt ở An Phú Đông (quận 12). Ngày ngày, khi đóng vai nông dân, khi diện đồ sĩ quan ngụy tham gia các trận đánh trong lòng địch, trong lòng anh mãi không quên hình bóng của cô - nhớ cái nước da ngăm đen, dáng đi nhanh nhẹn, đôi gò má cao cao mà dân gian bảo là có số “sát” chồng!

Gặp lại nhau ở căn cứ, anh “rắp tâm” tiếp tục… cầu hôn. Còn cô cũng bắt đầu cảm anh ở cái tính siêng năng, khi thấy anh thường ra sông đánh cá chăm lo bữa ăn cho đồng đội. Sợ bị từ chối, lần này anh nhờ một cô làm chung đơn vị hỏi giùm. Ậm ừ mãi, cô đồng ý với lời nhắn: “Chỉ là bắt đầu tìm hiểu thôi đấy nhé!”.
 Cô chú Thành - Mai hôm nay

Lời hẹn ngày thống nhất

Cả năm trời, hai anh chị tìm hiểu nhau nhưng cả hai đều công tác xa nhau biền biệt. Mỗi lần đơn vị gọi về họp hành, anh phải lội sông Sài Gòn về cứ. Mấy tiếng đồng hồ ngâm dưới nước, đầu đội lục bình, lặn xuống trồi lên vài chặp để tránh tàu địch nhưng cứ nghĩ đến việc được gặp đồng đội, gặp người yêu là anh thấy vui. Sau khi báo cáo lên cấp trên, cả hai chọn ngày 15-10-1974 làm ngày cưới nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Nguyễn Văn Trỗi.

Hôm anh về cứ tổ chức đám cưới, cô đạp xe ra đón anh. Đi đường, cứ pháo bắn thì cô phải vứt xe, nằm xuống bệ cỏ. Hết pháo lại lồm cồm bò dậy đạp tiếp. Lễ cưới đơn giản được tổ chức ở An Phú (An Nhơn Tây, Củ Chi). Chú rể quân phục bạc màu, còn cô dâu mượn được cái áo bà ba xanh và quần đen…

Sau đám cưới được một tuần, anh về An Phú Đông còn cô về Sông Bé. Trước khi đi, anh dặn: “Khi nào em có thai thì thư cho anh biết. Đừng ghi chữ “thai”, mấy thằng bạn nó ghẹo chết. Chỉ ghi chữ “có T” là anh biết rồi”. Anh ngậm ngùi: “Chia tay lần này không biết bao giờ gặp lại. Chúng mình hẹn nhau ngày thống nhất em nhé!”.

Khi biết mình có tin vui, cô đạp xe đi qua một đoạn đường đầy hố bom mới đến chỗ quân bưu gửi thư cho anh. Khi về đến đơn vị thì cô bị ra máu. Biết mình bị hư thai, cô tất tả quay ngược lấy lại thư không gửi nữa, không “ảnh lại tưởng thiệt, mai mốt không biết nói năng làm sao”…

6 tháng trôi qua, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước. Vài ngày sau, anh vượt rừng vào tận Trường huấn luyện quân y sĩ ở Tây Ninh kiếm cô. Gặp nhau, cả hai mừng không nói nên lời. Lời hẹn ngày thống nhất đã thành hiện thực.

Đồng lòng, chung sức...

 
Tôi gặp vợ chồng cô chú Trương Khắc Thành- Nguyễn Thị Mai tại căn nhà nồng ấm tiếng cười đùa của con cháu. Sau 40 năm chung vai sát cánh, gánh nặng của tuổi tác đã hằn trên khuôn mặt của cả hai người. Chú Thành- anh lính Hà Nội ngày nào nay tập tễnh bên đôi nạng gỗ. Chú trách vui vợ: “Tại em hết, ngày xưa ai bảo em nói xúi quẩy làm chi”. Còn cô Mai chỉ cười: “Thì anh ra trận, phải nói vậy để động viên chứ”.

Cô kể, chú đi chiến đấu ở Campuchia. Cô con gái lớn mới tròn 2 tuổi, trong bụng lại mang bầu đứa thứ hai, cô chỉ biết động viên: “Anh cứ yên tâm đi chiến đấu. Miễn sao còn hơi thở về với mẹ con em là được. Mất tay, mất chân cũng không sao. Em sẽ trông nom anh đến cuối đời…”.

Lời nói như định mệnh. Tháng 11-1978, chú Thành vướng mìn phải cưa một bên chân đến qua đùi. Khi nghe lời nhắn: “Anh đang bị thương, nằm ở Quân y viện 7B, phòng Điểm”. Cô bế con tất tả chạy đi, đến nơi hỏi thăm: “Phòng điểm ở đâu?”. Câu trả lời làm cô lạnh toát sống lưng: “Phòng điểm là phòng mấy người cụt tay, cụt chân nằm đó”.

Bước vào phòng, cô không biết ông nào là chồng mình, vì ai cũng xanh mướt, râu ria tua tủa. Cô đi ra, chợt nghe tiếng gọi: “Em!” Quay vào, cô bàng hoàng. Đến cô y tá cũng phải ngạc nhiên trước khuôn mặt thất thần nhưng không có chút nước mắt của cô. Mấy ai biết, nước mắt cô đang chảy ngược vào trong…  

Ngày mới ở bệnh viện về, gia đình cô chú khó khăn trăm bề. Chú Thành lọc cọc đi vớt bèo cho vịt ăn còn cô trồng rau muống, nuôi heo để sống. Có những hôm, cô phải xin cơm độn bo bo thừa trong doanh trại nơi cô công tác về, mẹ con bà cháu chan nước tương ăn trong nước mắt. Rồi cô mở quán bán cháo vịt, tối nấu chè bán, chú phụ cô tính tiền. Vậy mà các con cô chú đều học hành thành tài, đỡ đần giúp cha mẹ. Hai cô con gái lớn đã lập gia đình, một cô là ca sĩ, một đang học ở Mỹ, còn cậu út vừa tốt nghiệp đại học ở Singapore…

40 năm gian nan thử thách lòng người. Nhiều năm, nhiều tháng không nhìn thấy mặt nhau bởi chiến tranh. Câu chuyện tình của họ đến nay vẫn được cánh chiến sĩ Biệt động năm nao nhắc lại như một kỷ niệm vui. Còn cô chú thì: “Nếu ngày ấy không có cuộc gặp gỡ ở Hố Bò Húc, không có lời trêu đùa của đồng đội thì chúng tôi đã không đến được với nhau!”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng