Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện là quỹ an sinh lớn nhất của nước ta. Toàn ngành Bảo hiểm xã hội có gần 21.000 công chức, viên chức, phục vụ gần 16 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (chiếm 90% dân số).

Xong vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn còn thói quen tiết kiệm tiền thay vì tham gia bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc đa dạng hóa thông tin, tuyên truyền về tính ưu việt của Bảo hiểm xã hội xuống tới từng người dân đóng vai trò quan trọng để có thể thay đổi thói quen, hành động.

{keywords}
Cần chuyển thói quen tiết kiệm tiền sang đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, từ sự đột phá của bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2019, Phó Thủ tướng đánh giá ngoài nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH còn có sự kết hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, đặc biệt là các đoàn thể, doanh nghiệp… phổ biến chính sách, lợi ích của bảo hiểm xã hội xuống từng xã, từng thôn, từng người dân.

Trước những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH có cả sự phối hợp rất chặt chẽ của các ngành, địa phương. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH phải quyết liệt hơn nữa trong phát triển bảo hiểm xã hội khi tỷ lệ bao phủ loại hình này còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra.

“Căn bản nhất không phải là mệnh giá đóng bảo hiểm mà làm sao vận động người dân thay đổi thói quen tự bảo hiểm cho mình bằng cách tiết kiệm tiền sang tham gia bảo hiểm xã hội.

Chúng ta cần kêu gọi các đoàn thể, doanh nghiệp cùng tham gia vận động, tuyên truyền để người dân coi việc tham gia bảo hiểm xã hội là quyền và trách nhiệm của mỗi người”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua 25 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm xã hội đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.

Tuy nhiên, hiện chưa đến 1/3 số người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội thì đích đến còn xa, do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025.

“Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng”

Trong hơn 2 năm qua, Bảo hiểm xã hội, cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách Bảo hiểm xã hội.

“Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng”. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, để hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau đòi hỏi toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại.

Điều đó đòi hỏi Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động. Có như vậy thì mới lay chuyển được thói quen, thì mới thuyết phục được người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội.

Trên tinh thần đó, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã xác lập các giải pháp căn bản sau:

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó,  đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu lực quản lý trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường công tác quản lý BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT thống nhất, tiện lợi cho người dân.

Đẩy mạnh hông tin tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta.


Những lợi ích của người dân khi tham gia BHXH?

Theo Luật BHXH năm 2014, “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Như vậy, đối tượng của BHXH là thu nhập của người lao động; chính sách BHXH được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của những người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.

Chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó:

BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với năm chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.

BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.

Ngoài các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN mang tính chia sẻ giữa người khỏe mạnh với người bị ốm đau, tai nạn rủi ro; chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.

Giả sử một lao động nữ đóng trong 20 năm với mức đóng là 22% tiền lương tháng thì mức hưởng là 55% tiền lương bình quân với thời gian hưởng dựa trên tuổi thọ trung bình của nữ ở độ tuổi 55 là 24,6 năm. Như vậy, rõ ràng mức hưởng đang cao hơn gấp nhiều lần so với mức đóng, trong khi thời gian hưởng dài hơn so với thời gian đóng góp. Ngoài ra với người hưởng lương hưu còn được hưởng chính sách BHYT do Quỹ BHXH bảo đảm, khi qua đời thân nhân được hưởng chế độ mai táng và trợ cấp tuất. Như vậy, việc tham gia BHXH là hoàn toàn có lợi đối với người lao động.


Văn Dương

Ảnh: Văn Điệp