Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, câu chuyện tàu xa bờ đến nay vẫn chưa có hồi kết dù đã ngót nghét một phần tư thế kỷ. Rồi gần đây, từ khi có Nghị định 67năm 2014, bổ sung thêm Nghị định 89 một năm sau đó, thì hễ gặp những vướng mắc khi triển khai hai nghị định này đi kèm với những sự cố cụ thể, trong dư luạn lại có những suy đoán mơ hồ về quá khứ của câu chuyện xưa mà hay lặp lại lời cảnh báo: Coi chừng đi vào Vết xe đổ.

Ông tâm tư bởi cái điều mà truyền thông hay dùng để nói về Vết xe đổ đó không có gì khác ngoài cái người ta cho là“sự thất bại” cần tránh của những năm xa bờ cuối 1990 trước đây mỗi khi triển khai không xuôi chèo mát mái một cao trào mới trong đóng tàu cá nói riêng và đầu tư nghề biển nói chung. “Những gì mơ hồ vẫn là mơ hồ cho đến nay, giờ lại chồng chất lên trên những vết xe mới. Tôi nghĩ phải đến lúc liên tưởng nghiêm túc giữa cái cũ và cái mới để rạch ròi từng đoạn trường trong câu chuyện”, ông chia sẻ.

Ngư dân có tàu lớn đi khơi, hoạt động lại được khuyến khích thông qua miễn giảm thuế dựa vào Quyết định 358 TTg ngày 29.5.1997 của Thủ tướng Chính phủ mà tàu thuyền tấp nập bám biển. Tuy nhiên điều đáng nêu ở đây là những  đột phá trong đầu tư  Nhà nước đồng bộ về hậu cần nghề cá đã nâng cao năng lực và hiệu quả của hàng ngàn con tàu này.

{keywords}
Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) nối đuôi nhau vươn ra khơi

Người từng đứng đầu ngành Thủy sản nêu dẫn chứng cụ thể, từ nhiều nguồn vốn khác nhau trong và ngoài nước, hệ thống cầu cảng, bến cá ven bờ, trên đảo đã được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 1995 về sau. Nếu như năm 1990 cả nước chỉ có trên 1.000m cầu cảng thì đến 2005, khi  các dự án giai đoạn này hoàn chỉnh cả nước đã có tổng cộng trên 10 ngàn m cầu tàu với 64 bến cảng chuyên cho nghề cá. Đồng thời, chúng ta cũng khuyến khích đầu tư các nhà máy chế biến có sức cạnh tranh cao, theo tiếp cận quản lý mới (HACCP) tạo chỗ dựa cho phát triển nuôi hàng hóa lớn và nghề cá xa bờ, truyền sức sống cho các cảng cá mới xây dựng với vai trò là các tụ điểm nghề cá. Chừng mực nào đó các tụ điểm này là những điểm nhấn để đổi mới bộ mặt một bộ phận đáng kể cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo.

Cùng với phương tiện mới, nguồn nhân lực đi biển cũng tăng về số lượng và chất lượng. Sau 4 năm hơn trăm ngàn lượt ngư dân được qua các lớp tập huấn và bồi dưỡng về kỹ năng đi biển, kỹ thuật khai thác và sơ chế sản phẩm. Số người được cấp bằng thuyền trưởng và máy trưởng hạng 4 và 5( phù hợp với đòi hỏi của các tàu đóng và cải hoán) là 3.495 người, trong đó có 1.791 thuyền trưởng và 1.704 máy trưởng. Số tàu mới đã tạo thêm việc làm cho khoảng 12 ngàn lao động trực tiếp trên tàu và hơn 36 ngàn lao động dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên bờ. Trong số đó có việc làm và thu nhập cho cả số công nhân làm việc tại hơn 70 cơ sở đóng sửa tàu thuyền. Chưa thực sự vững chắc lắm nhưng đây cũng là thành quả của những năm “xa bờ” sau 1997.

Có tàu thuyền khai thác được đầu tư thì tổ chức cho đội tàu đó hoạt động trên biển cũng là vấn đề lớn.Các hình thức hợp tác trở nên đa dạng. Hợp tác xã kiểu xưa thực chất không phù hợp giai đoạn mới này và thực sự đã tan rã cuối những năm 1980.  Do khiếm khuyết ban đầu của cơ chế vay vốn giai đoạn 1995- 1997, “tàn dư” của loại hình HTX đó buổi đầu đứng ra vay vốn và làm chủ tàu, sau chính nơi đây đại bộ phận lại là những đơn vị kém hiệu quả nhất. Sau này dần thay vào đó là các hộ sản xuất gia đình, rồi đến loại hình hợp tác xã kiểu mới, được lập ra sau Luật Hợp tác xã năm 1993 và phổ biến những năm cuối 90, với định hình là tổ chức sản xuất và chia lợi nhuận theo cách chủ- thợ truyền thống và quy mô là trên từng đơn vị thuyền nghề. Đến cuối năm 2000 cả nước đã có 450 HTX khai thác hải sản loại này, với sự tham gia của 15.360 lao động. Cũng theo cách đó còn có 4.300 tổ hợp tác với khoảng 21ngàn lao động. Có thể nói đây cũng là sự nỗ lực đưa đến tiến bộ về tổ chức nhân lực để phù hợp với những ưu việt của đội tàu mới những năm đó.

Tác động đến những tiến bộ về thủy sản nước ta, trong đó có những đổi thay  của nghề cá biển là do nhiều yếu tố kinh tế xã hội đem lại, mà Đổi mới và hội nhập  đã đưa đến những thuận lợi, cơ chế và nguồn động lực quan trọng. Tuy nhiên chỉ tính về cơ sở vật chất do những cố gắng phát triển nghề cá xa bờ những năm cuối 90 tạo ra cũng đã góp phần vào những kết quả khích lệ phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội vùng biển và góp phần bảo vệ tổ quốc.

Cho đến hiện thời, khi vận hành các chủ trương mới, như triển khai Nghị định 67 chẳng hạn, có lẽ một cách mặc định, các cơ quan Nhà nước vẫn đang áp dụng các khái niệm, các luận cứ khoa học và thậm chí cả cơ sở dữ liệu khoa học về nguồn lợi do nhiều nhà khoa học cả nước tham gia nghiên cứu, mà Viện Nghiên cứu Hải sản với tư cách pháp nhân của mình, tập hợp các công trình ấn hành thành báo cáo chính thức năm 1997 làm cơ sở tính toán nguồn lợi, nghề nghiệp và tổ chức ngư trường khai thác. Bộ tư liệu này cũng được dùng làm luận cứ hoạch định chính sách, nhất là khi tham mưu để Bộ Chính trị ra chỉ thị 20 CT/TW ngày 22/9/1997 về đẩy mạnh phát triển Kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công trình này sau được xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước.

Tuy nhiên, ông  Ngọc không khỏi băn khoăn, thế nào là vùng nước xa bờ, nghề nào và công suất lắp máy từ bao nhiêu trở lên được gọi là tàu xa bờ- Chưa ai chứng minh được các quy định trước đây là không phù hợp hiện tại! Bây giờ đang đóng và lắp máy đến những tàu 800 cv hay 1000 cv nhưng luận cứ cho cỡ công suất đó chưa có sức thuyết phục cao, phương thức tổ chức sản xuất cho những tàu lớn này vẫn do chủ tàu tự lo như đối với tàu gỗ trước đây. Chỉ biết rằng tàu to thì khả năng khai thác, thậm chí vét cạn ngoài biển nhiều hơn, và ngư dân vẫn theo luật tự nhiên” mà tự bươn trải, dù cũng có những hình thức hợp tác nhất định theo lối thuần túy tự nguyện. Hoặc khi có tàu khỏe, đi biển được xa hơn, đánh cả ở vùng biển nước khác mà không được phép, đưa đến những hậu quả khôn lường tác động đến sự an toàn về người và phương tiện của ngư dân và thương mại nghề cá nước ta (các vi phạm về IUU và các quy định thương mại chẳng hạn).

Hằng Tâm - Hoàng Oanh