Dự kiến, khoảng 21h ngày 2/8, số thiết bị này sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến 16 TP.HCM để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trước đó, ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có văn bản đề nghị tháo dỡ, chuyển toàn bộ trang thiết bị tại Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang trong đợt chống dịch vừa qua cho Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP.HCM.

Bệnh viện Bạch Mai có nhiệm vụ tiếp nhận, đóng gói để chuyển vào TP.HCM, lắp đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16, nơi sẽ thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực qui mô 500 giường.

Số trang thiết bị này đủ sử dụng cho 100 giường hồi sức, gồm 20 máy thở, máy thở chức năng cao; 15 máy thở oxy dòng cao; 45 monitor; 80 máy tiêm điện; 80 máy truyền dịch; 1 máy lọc liên tục; 1 máy siêu âm màu; 1 máy sốc tim; 1 máy ép tim lồng ngực; 1 máy sinh hóa tự động, phân tích máu tự động...

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng chuẩn bị thêm nhiều phần quà là đồ bảo hộ y tế, đồ ăn, thức uống để gửi vào TP.HCM, giúp đỡ các đồng nghiệp và nhân dân trong những ngày khó khăn.

{keywords}
 
{keywords}
Các trang thiết bị được kiểm tra kỹ lưỡng, đóng gói để vận chuyển lên tàu - Ảnh: Thành Dương

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các trang thiết bị, vật tư y tế đã được đóng gói cẩn thận để đưa lên tàu niêm phong từ hôm 31/7.

Trong những ngày tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế vào điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến 16 TP.HCM. Họ là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm qua các đợt dịch tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Trung tâm hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm tại TP.HCM có khả năng thu dung 3.000 ca Covid-19, trong đó có 500 bệnh nhân hồi sức.

Trước đó, trong cuộc làm việc với Thành uỷ, UBND TP.HCM hôm 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã điều tất cả lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và 7 giám đốc, 3 phó giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM.

Ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. HCM quy mô 1.000 giường đặt tại Bệnh viện Ung bướu do Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành, Bộ Y tế cùng thành phố thiết lập thêm 3 Trung tâm hồi sức tích cực khác, với số lượng khoảng 3.000 giường.

Trong đó, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 có 500 giường đặt tại TP Thủ Đức. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 500 giường đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16.

Bệnh viện Trung ương Huế nhận nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 TP.HCM. Ngoài ra, các bệnh viện Phổi Trung ương, Lão khoa Trung ương, E và K chung nhiệm vụ thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Ngoài TP.HCM, Bộ Y tế cũng huy động tổng lực các bệnh viện trung ương cử cán bộ vào phía Nam: Bệnh viện ĐH Y Hà Nội 500 giường hồi sức tại Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên 500 giường tại Long An; Bệnh viện Phổi và bệnh viện E 500 giường tại Đồng Nai; Bệnh viện Lão khoa tại Đồng Tháp, Bệnh viện Hữu nghị và ĐH Y Thái Bình hỗ trợ Tiền Giang; Bệnh viện 103 hỗ trợ Cần Thơ.

Nguyễn Liên

Huy động lực lượng y tế lớn chưa từng có chi viện cho TP.HCM

Huy động lực lượng y tế lớn chưa từng có chi viện cho TP.HCM

Đến nay TP.HCM đã tiếp nhận hơn 6.000 nhân viên y tế đến hỗ trợ chống dịch, trong đó có 700 bác sĩ, hơn 1.500 điều dưỡng.