Bản tin truyền hình cách đây mấy ngày cho biết: “Chưa tới giờ học nên một nhóm học sinh ở Quảng Ngãi rủ nhau đi tắm sông và 09 em tử vong do đuối nước…”
Cái chữ “đuối nước” sao mà thản nhiên đến tàn nhẫn. Đau xót quá, sinh con ra, nuôi con tháng ngày với bao nhiêu yêu thương hạnh phúc. Con là niềm vui lớn nhất, là niềm hy vọng chia sẻ của mẹ cha ông bà, cô dì, chú bác, nhà trường và bè bạn. Vậy mà bất chợt đứa con ấy ra đi vĩnh viễn, nỗi đau nào lớn bằng?
Trên 3000 ca tử vong?
Nghe tin dữ đó xong, nhìn đứa cháu nội đang vui đùa (cháu tôi đúng bằng tuổi các cháu bị đuối nước ở Quảng Ngãi đó, cũng sinh năm 2004), lòng tôi càng thêm xót xa cho các bậc cha mẹ, ông bà giờ đây vĩnh viễn không còn những đứa con, cháu ruột thịt ấy nữa.
Câu chuyện về đuối nước (chủ yếu là ở lứa tuổi học trò) hằng năm cứ xảy ra. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Và cũng theo thống kê, có trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm, đặc biệt vào mùa hè, tình trạng đuối nước gia tăng mạnh.
Những mất mát đó đã phải là hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng cho chúng ta? Và dư âm của tiếng chuông qua những lần mất mát đã từng, có lay động, day dứt các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường, ngành giáo dục và các nhà quản lý xã hội đến mức nào? Những biện pháp gì đã được áp dụng? Và từ nay chúng ta còn phải tiếp tục làm gì một cách ráo riết trong việc giáo dục, quản lý con trẻ cho lâu dài và trước mắt khi mùa hè- mùa bơi lội đang đến gần?
Ngành giáo dục lâu nay thường nói về giáo dục toàn diện. Nhưng thực chất mới chỉ thiên về học chữ. Có bao nhiêu trường học trong cả nước có đủ điều kiện, phương tiện sân bãi, bể bơi để dạy cho các em kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử các tình huống nảy sinh trong thực tiễn? Ngành GD có thể trả lời câu hỏi này được không?
Nhưng chắc chắn, cần đưa vào chương trình học (nằm trong môn thể dục thể thao) ý thức tự bảo vệ và kỹ năng chống đuối nước cho học sinh với những điều căn bản sau:
Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Ảnh: dantri |
Không ăn no (và uống rượu bia) trước khi xuống nước. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Trang bị kỹ năng cấp cứu người bị đuối nước.
Một điểm xót đau, các bậc cha mẹ nào cũng yêu thương và hy vọng ở con cái, nhưng do đời sống và hoàn cảnh sinh sống khó khăn, không ít ông bố bà mẹ nuôi dạy con theo kiểu trăng đến rằm trăng tròn, rất ít để tâm đến việc hướng dẫn cho con kỹ năng sống. Vụ việc đau lòng của 09 gia đình học sinh ở Quảng Ngãi liệu có đủ thức tỉnh cho các ông bố bà mẹ khác về sự quan tâm. Chí ít là quản lý giờ giấc sinh hoạt của con em mình, buộc con em mình đi đâu làm gì phải xin phép và cố gắng ở bên cạnh con em khi chúng bơi lội. Khi đưa các em đi bơi, đi tắm ở khu vực có thể nguy hiểm, cha mẹ, thầy cô không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài
Giáo dục các cháu không được chơi, đùa quanh ao, hồ, hố sâu, hay hố vôi đang tôi.
Nhà ở gần ao hồ cần làm rào chắn quanh ao làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại.
Nhưng nhất là các ông bố bà mẹ trẻ- cần có ý thức tập cho trẻ biết bơi từ khi còn rất nhỏ.
Trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi học sinh phải đi qua suối, sông đến trường, người lớn nên đi cùng (hoặc các gia đình thay phiên nhau, hoặc các thầy cô có kế hoạch đưa đón các em) và trang bị áo phao.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ, đầm lầy ... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trẻ (chậu tắm, bồn tắm với trẻ mẫu giáo)...v.v...Vì thế, việc các bậc phụ huynh, cô bảo mẫu, người giúp việc phải được trang bị kiến thức phòng chống và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.
Tổn thất không thể bù đắp
Con người là quý giá nhất. Không chỉ tiền của thời gian công sức chăm nuôi từ khi sinh ra vô cùng lớn, mà còn là tình cảm thiêng liêng, trong mối quan hệ gia đình, xã hội. Một sinh mạng mất đi là một tổn thất không thể bù đắp cho gia đình và xã hội, cho nên không thể đơn giản hóa việc chăm sóc con trẻ. Đôi khi chỉ vì tiếc tiền mua cái áo phao, tiếc công đưa trẻ qua sông mùa lũ, tiếc thời gian quản lý trẻ để ngăn trẻ không làm những việc dại dột…
Những nơi có sông, hồ, biển, có nguy cơ xảy ra đuối nước, chính quyền địa phương cần có nhiều phương án phòng ngừa, cảnh báo về độ sâu, khả năng nguy hiểm. Nếu có rào chắn, phải rào chắn. Tàu, thuyền phải bắt buộc nhắc nhở hành khách tuân thủ mặc áo phao, có các phương tiện phòng tránh chống đuối nước.
Tuổi trẻ là tuổi của non dại, tuổi của nhiều điều chưa biết và thường hành động theo bản năng, theo cái thích nhất thời mà không hiểu điều nguy hiểm có thể cận kề, cho nên cần được nhắc nhở thường xuyên, được dõi theo mọi nơi mọi lúc. Trách nhiệm chính là của gia đình, của thầy cô phụ trách lớp nhưng nếu được ngành giáo dục, được chính quyền địa phương cùng vào cuộc thì việc bảo vệ các em được tốt hơn, nguy cơ tai nạn mới được giảm thiểu.
Trần Thị Trường
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
* Nghịch lý chua xót của một dân tộc biển
* Xót xa tiễn đưa 9 học sinh chết đuối
* Thêm 3 trường hợp chết đuối thương tâm ở Quảng Ngãi