Cách gã kế thừa và vực dậy cái nghề làm dép lốp đang thoi thóp ấy cũng chẳng giống ai: viết thư tay gửi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bày tỏ nguyện vọng đưa dép cao su thành di sản; bỏ tiền tỷ làm phim lịch sử - gắn với câu chuyện dép cao su, quy trình làm dép rồi tổ chức cho du khách xem…
Đi qua những năm tháng hàng làm ra không tiêu thụ được, giờ đây, trên 30 mẫu dép lốp thủ công "made in Vietnam" đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gã “phò mã” đặc biệt
“Vua dép lốp” là cái tên những người yêu dép cao su dành tặng nghệ nhân Nguyễn Quang Xuân - người có tay nghề làm dép lốp nổi tiếng của Hà Nội. Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1979) là rể “vua”, thì đương nhiên là Cường “phò mã”. Từ khi mới 10 tuổi đến lúc thành ông lão U80, nghệ nhân Quang Xuân vẫn kỳ cạch, tỉ mẩn xẻ lốp “chế tác” nên từng đôi dép.
Năm 2011, khi dép cao su manh nha trở lại với đời sống, Cường “phò mã” mới được chứng kiến bố vợ mình làm dép cao su.
“Thỉnh thoảng gặp những người đến đặt ông làm dép lốp, phần nhiều là thanh niên nên tôi rất tò mò. Tôi lân la hỏi ông về cách làm, về lịch sử dép lốp, càng nghe ông nói, càng thấy thú vị và ý nghĩa. Bởi dép lốp gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, dép lốp cũng gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh - “đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ”” - gã kể.
Ngoài giá trị gắn với lịch sử nước nhà như một di sản, gã còn thấy hưng phấn với dép lốp vì được làm 100% từ vật liệu tái chế.
Bị lôi cuốn bởi dép lốp vậy, nhưng ước mong ban đầu - “sau này sẽ thay ông giữ nghề truyền thống của gia đình và bảo tồn di sản cho đất nước” - của gã chẳng hề dễ dàng. Bởi khi “phò mã” có ý định học, thì “vua dép lốp” đã ở tuổi 72, ông cũng bỏ nghề từ khi xí nghiệp dép cao su của nhà nước giải thể (năm 1975).
Suốt quãng thời gian đó, mỗi năm ông chỉ làm vài đôi tặng bạn bè, người thân cho đỡ nhớ nghề. Mỗi lúc “phò mã” rón rén đề nghị theo bố vợ học nghề, ông Xuân lại gạt đi. Không ngờ, gã “phò mã” ấy lại nặng lòng với giá trị lịch sử, tinh thần dân tộc thể hiện qua những đôi dép lốp.
Đặc trưng của dép lốp là hoàn toàn thủ công, từ khi là chiếc lốp xe đến lúc thành đôi dép hoàn thiện |
Thuyết phục không được, gã đi đường vòng. Một mặt thường xuyên tới nhà bố vợ trên phố Nguyễn Biểu (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) phụ việc vặt, một mặt, gã viết tâm thư nhờ bà xã chuyển đến tay “vua dép lốp” để ông hiểu hơn tấm lòng chàng rể. Ông Xuân cũng chiều theo ý gã, nhưng ông dạy chỉ cốt để anh con rể thấm được những khó khăn của cái nghề đặc biệt này.
Sản xuất thủ công nhưng đẹp như... làm máy
Mấy năm đắm đuối với dép lốp cùng bố vợ, nhưng gã vẫn chân trong chân ngoài. Vừa làm công việc của anh kỹ sư công nghệ thông tin, Cường “phò mã” vừa đi tìm những người có cùng sở thích để cùng ông “vua dép lốp” đào tạo ra lứa thợ trẻ kế cận.
Năm 2014, bố đẻ gã đột ngột ngã bệnh rồi qua đời. Gã giật mình nghĩ đến bố vợ, nghĩ đến cái hữu hạn của kiếp người; và gã dứt khoát quyết định con đường của cuộc đời mình: tập trung hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại.
Nhờ sự động viên và góp sức của “phò mã” Nguyễn Tiến Cường, năm 2014 - ở tuổi 75, nghệ nhân Phạm Quang Xuân mới có cơ sở sản xuất dép cao su của riêng mình. Anh con rể cũng lấy luôn tên khách hàng yêu mến dành tặng bố vợ làm thương hiệu: “Vua dép lốp”.
Từ một số mẫu dép truyền thống, đến nay “vua dép lốp” đã cho ra đời hơn 30 mẫu dép vừa giữ được truyền thống, vừa bắt kịp đời sống hiện đại |
Đến nay, dép lốp hoàn toàn từ đôi tay người Việt đã có mặt khắp địa cầu. “Vua dép lốp” cũng đã trở thành dấu ấn đặc biệt và riêng biệt trên thị trường. Nhưng để có được thành quả ấy, là không ít chông gai.
Cường “phò mã” tâm sự, nếu việc tìm và đào tạo thế hệ kế cận khó khăn một, thì việc tiêu thụ sản phẩm từng khó khăn gấp trăm ngàn lần. Bỏ công việc đang hái ra tiền để làm anh thợ dép, gã đã rất sắt đá mới chịu được những lời đánh giá “hâm, gàn” từ hầu hết người biết chuyện, kể cả bạn bè, người thân. Đến quãng dài hàng làm ra không tiêu thụ được, áp lực với gã lại càng lớn. Nhưng nhìn những đôi dép lốp, vốn gắn với ý chí quật cường của dân tộc Việt, gã như được tiếp thêm sức mạnh.
Gã bớt bảo thủ, không còn đóng đinh với những đôi dép lốp truyền thống, nặng nề và xù xì. Thay vì chỉ làm vài kiểu truyền thống, gã đã sáng tạo nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Gã bảo, làm ra được những đôi dép thủ công vừa đa dạng mẫu mã, vừa hạn chế được nhược điểm của dép truyền thống, để giữ được nét đặc trưng mà không bị lạc hậu là không hề đơn giản.
Cường “phò mã” những ngày đầu tìm lối hồi sinh dép lốp |
Dần dần, thay vì chỉ một màu đen nhàm chán, quai dép được nhuộm màu đỏ, màu cam nổi bật; đế dép cũng không hoàn toàn đặc cao su để giảm trọng lượng… Cái khó nữa mà gã và cánh thợ trẻ phải vượt qua là sản xuất hoàn toàn thủ công, nhưng sản phẩm ra đời phải đẹp như… làm máy thì mới chinh phục được khách hàng.
Hơn 40 người thợ đã lành nghề, sản xuất vạn đôi như một, mỗi người thợ đều tự chế cho mình một bộ dụng cụ riêng, từ dao lớn phá lốp, xén đế, đục, rút, dũi… đến dụng cụ chạm trổ trang trí nhỏ xíu như cây tăm. Nhờ thế, khách hàng của gã dần rộng hơn.
Những đôi dép có tên Huyền thoại
“Vua dép lốp” đang có một gian trưng bày các chủng loại, mẫu mã trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vốn dân kỹ thuật, lại là kỹ thuật sáng tạo, nên cách Cường “phò mã” quảng bá sản phẩm cũng không giống ai.
Gã tới thăm đại tá La Văn Cầu, nghe ông kể những ký ức hào hùng của người lính cũng như những kỷ niệm gắn với đôi dép cao su huyền thoại của anh bộ đội cụ Hồ. Trong câu chuyện của anh hùng La Văn Cầu, gã hiểu, dép cao su đã thành kỷ vật, đã hòa vào tâm hồn người lính.
Hôm sau, gã xúc động mang đến tặng vị đại tá một món quà, là đôi dép cao su có tên “Huyền thoại”, do chính tay gã làm. Gã còn làm một đôi dép lốp khắc chữ “Ngô Bảo Châu” và mang tới tặng nhà toán học lừng danh. Ông giáo sư dí dỏm: “Đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn. Chắc anh phải đi hai đôi một lúc”. Câu chuyện dép lốp và ý chí của Cường “phò mã” chạm tới xúc cảm nhà toán học.
Gã, thậm chí còn bỏ tiền tỷ đầu tư làm phim lịch sử - gắn với câu chuyện dép cao su, quy trình làm dép rồi tổ chức cho du khách xem. Mỗi dịp đặc biệt, gã lại cùng bố vợ là ông “vua dép lốp” ngồi “trình diễn” cả kỹ thuật và nghệ thuật làm dép lốp trước đông đảo du khách. Gã tủm tỉm: “Tôi xác định thị trường quan trọng là nước ngoài, nếu bán được cho những khách hàng khó tính như Nhật, Trung Quốc… thì số lượng tiêu thụ rất lớn. Khi đó, với khách hàng trong nước sẽ không cần phải quảng cáo. Tôi muốn đi ngược: chất lượng được khẳng định ở thị trường quốc tế thì thành công sẽ quay về Việt Nam”.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)