Chinh phục những đỉnh cao
Về Quảng Ninh, không ít lần Thu Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn Hạ Long để đi dạo trên thuyền, nghỉ đêm trên vịnh. Xa lắm là đi Cô Tô, Trà Cổ (Móng Cái)... Hòa chỉ biết đến Bình Liêu chủ yếu với hình ảnh đồi lau bạt ngàn, cao lút đầu, mà tụi bạn chia sẻ.
Nhưng khi đặt chân tới đây, cô thực sự ngỡ ngàng vì có quá nhiều điểm du lịch, điểm tham quan cần trải nghiệm và chinh phục. Đó là hệ thống các cột mốc vành đai biên giới, đỉnh núi Cao Xiêm, núi Cao Ba Lanh, núi Cao Ly, các thác nước, rừng hoa sở và trà hoa vàng, rừng dược liệu hay xem làm miến dong, thăm bản làng cổ của đồng bào dân tộc,...
Du lịch caravan và treckking Bình Liêu bằng xe riêng đảm bảo an toàn trong bối cảnh bình thường mới |
Cũng vì Bình Liêu còn quá mới mẻ và rất nhiều điểm để khai phá, mới đây, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức chuyến farmtrip caravan và treckking Sắc màu hoa sở, Đông Bắc mùa xuân về từ 10-12/12, nhằm khảo sát các tuyến điểm tại Bình Liêu - Quảng Ninh; đồng thời, góp phần kích cầu phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Lãnh đạo hơn 30 DN tham gia chuyến đi bằng xe riêng, theo từng nhóm nhỏ, vừa thuận tiện di chuyển, vừa đảm bảo an toàn.
Đoàn farmtrip đến Bình Liêu đúng mùa hoa sở, loài hoa 5 cánh trắng muốt nhiều du khách lần đầu tiên mới thấy. Theo quốc lộ 18C lên cửa khẩu Hoành Mô, đoàn rẽ vào một vạt rừng bạt ngàn hoa để du khách thưởng lãm. Leo núi Cao Xiêm, dọc hai bên đường cũng là bạt ngàn hoa sở đang mùa nở rộ, ai cũng trầm trồ. Lẽ ra, thời điểm này đang là lễ hội hoa sở, song năm nay bị hủy do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cây sở được trồng để tách thành dầu ăn, dầu thoa và làm đẹp, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, Bình Liêu mới khai thác xuất khẩu thô. Mấy năm gần đây, địa phương tổ chức lễ hội hoa sở để thu hút khách. |
Tuy nhiên, Bình Liêu đặc biệt ấn tượng với du khách bởi những đỉnh núi, cột mốc mà khách muốn chinh phục để vượt lên chính mình. 64 cột mốc, chỉ một số được khai thác du lịch như 1300, 1302, 1305 và 1327. Trong đó, khách lựa chọn leo cột mốc 1305 nhiều nhất.
Mệnh danh “sống lưng khủng long”, đây là con đường mòn được bê tông hóa với khoảng 2.000 bậc, dài 2km, nối các mốc với nhau. Trước một trong những cung đường khó chinh phục nhất ở phía Bắc, khách leo thấy mỏi gối, chùn chân, nhưng khi lên tới đỉnh, được chạm vào cột mốc linh thiêng và chụp ảnh check-in, bao mệt mỏi tan biến vì thấy mình đã chinh phục thành công.
Nếu leo cột mốc 1305 không quá lắt léo nhưng có độ dài, độ dốc, độ cao, thì mùa này cũng rất thích hợp để chinh phục đỉnh núi Cao Xiêm cao 1.330m (nay được điều chỉnh là 1.429m) đường đi tuy không có bậc và khá dốc, nhưng với độ dài vừa phải, chỉ khoảng 3km, thời tiết mát mẻ, đỉnh Cao Xiêm rất phù hợp để đi về trong ngày.
Cột mốc 1305 được ví như sống lưng khủng long |
Từ trên đỉnh 1.429m, du khách sẽ được phóng tầm mắt nhìn cảnh núi non hùng vĩ trùng điệp. Mọi người có thể mang theo đồ ăn và rẽ vào cánh rừng cạnh đó nghỉ ngơi, hoặc thuê dân bản địa nấu rồi khi xuống núi thưởng thức bữa trưa dưới tán rừng thông. Đây quả thực là những trải nghiệm thú vị.
Với những ai chưa từng leo núi, việc chinh phục hai đỉnh trên sẽ là buổi tập dượt để vượt qua những đỉnh cao hơn, khó nhằn hơn.
Dù cứ leo lên một đoạn lại nghỉ, nhiều lần như vậy rồi cũng tới đích, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt, vẫn rất hào hứng. “Một hành trình trải nghiệm cực kỳ thú vị. Tôi thấy chúng ta có thể tìm lại bản thân và vượt qua chính mình. Mục đích chuyến đi trải nghiệm khó khăn vất vả để thấy rằng, không có gì không thể vượt qua. Thời tiết và sự hoang sơ, cung đường tuyệt vời, tuyến mới, điểm mới để du khách đắm chìm với thiên nhiên và cảm nhận được sự hùng vĩ, vẻ đẹp của chúng ta”, chị nói.
Trao huy chương chinh phục đỉnh Cao Xiêm cho thành viên lớn nhất tuổi trong đoàn |
Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TM Damsan, dù cao tuổi nhất đoàn (gần 60 tuổi) nhưng cũng trèo lên đỉnh thành công. Ông chia sẻ, tour leo núi này rất phù hợp với thanh thiếu niên, kể cả người lớn tuổi cũng leo được bởi cung đường hợp lý. Leo núi vừa là đi chơi, vừa để chăm sóc sức khoẻ, khi lên tới đỉnh cảm giác như thấy mình có nguồn năng lượng mới.
Đánh thức “nàng công chúa”
Nhiều người ví von rằng, Bình Liêu như “nàng công chúa” mới thức giấc khoảng 5 năm lại đây. 2019, địa phương đón được 85.000 khách thì do ảnh hưởng của dịch thì năm 2020 giảm còn khoảng 70.000 lượt. Năm nay, du lịch Bình Liêu bắt đầu hồi phục với những đoàn khách lẻ và các tour trải nghiệm do DN lữ hành phát động trở lại.
Do đó, chuyến farmtrip này, theo ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty du lịch Fivestar Travel, nhằm để quảng bá điểm đến an toàn Bình Liêu bằng xe tự lái, đi theo nhóm nhỏ, qua đó kích cầu du lịch cho địa phương. Ngay tuần đầu tháng 1/2022, công ty sẽ đưa đoàn khách đầu tiên tới đây.
Các du khách vui sướng vì trèo đã vượt lên được chính mình |
Điểm đặc biệt, chị Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, Bình Liêu là sự kết hợp hoàn hảo giữa tour biển và tour núi của Quảng Ninh. Nếu Hạ Long rất thân quen gần gũi thì Bình Liêu là điểm đến mới lạ, rất hấp dẫn. Chị sẵn sàng đưa khách quốc tế đến đây khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Cơ góp ý, Bình Liêu cần xây dựng những câu chuyện khi truyền thông về Cao Xiêm - nóc nhà Quảng Ninh. Bởi, khi ông hỏi đồng bào tại đây và cả một số cán bộ quản lý văn hóa địa phương, vẫn chưa có câu trả lời Cao Xiêm nghĩa là gì. Do đó, cần có những câu chuyện để kể với khách về ý nghĩa của tên gọi, hay về các loại cây, các vật lạ khách gặp trên đường đi.
Theo chị Hà, dọc đường lên núi, cần có biển chỉ dẫn và cần đội ngũ người dân địa phương (hướng dẫn viên tại điểm) thông thuộc địa hình để đưa khách “đi đến nơi về đến chốn”. Ngoài ra, cần có trung tâm y tế dự phòng để đảm bảo an toàn cho du khách.
Khách chụp ảnh kỷ niệm với đồng bào dân tộc ở Bình Liêu |
Đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ tại homestay Hoàng Sằn (Bình Liêu) |
Vị Giám đốc Tầm nhìn Việt cũng lưu ý, cần thực hiện nghiêm túc việc bảo tồn thiên nhiên, như không phá hoại môi trường, tránh bê tông hóa, có thêm các thùng rác làm từ tre nứa dọc đường đi hay sau này đông khách, tránh làm lều bán hàng nhếch nhác...
Nhiều đơn vị lữ hành cũng kiến nghị cần có biển chỉ dẫn rõ ràng hơn đường từ Hà Nội về Bình Liêu vì nếu không, khách dễ bị lạc đường.
Trước các ý kiến đóng góp, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết tỉnh sẽ xem xét bổ sung. Ông nói thêm, từ 1/4/2022, Quảng Ninh sẽ khánh thành đường cao tốc từ Vân Đồn đến Móng Cái. Khách lên Bình Liêu sẽ đi qua sân bay Vân Đồn, cầu Vân Tiên đến Tiên Yên đi thẳng là đến nơi, thời gian rút ngắn rất nhiều.
Vừa qua, tỉnh cũng đã ký trình đề án phát triển du lịch cộng đồng Bình Liêu, với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Cách TP. Hạ Long hơn 100km về phía Bắc, Bình Liêu là huyện miền núi có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt nước biển, với nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m (Cao Xiêm 1.330m, Cao Ba Lanh 1.113m, Ngàn Chi 1.160m,...). Khí hậu quanh năm mát mẻ, du khách như được trải nghiệm 4 mùa tại đây khi buổi sáng mát mẻ, trưa nắng ấm, chiều và đêm lạnh. 96% người dân Bình Liêu là dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa,... |
Ngọc Hà
Mốt chụp ảnh check in mới, cơn sốt hút giới trẻ năm nay
Vào vụ thu hoạch cam, hàng trăm du khách lui tới mỗi ngày tại làng cam Vạn Yên, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh để thưởng thức trái ngọt tại vườn và mua về làm quà.