Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực này, từ khởi đầu “Ông cố vấn” đến “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, “Vượt qua bến Thượng Hải” và các phim về Hoàng Văn Thụ, Mạc Thị Bưởi, về giai đoạn 1940-1945.
Có thể nói, lúc đó có muôn vàn khó khăn. Chúng ta chưa có nhiều phim đời thường về giai đoạn lịch sử đã qua, trừ những phim có chiến tranh, chiến đấu. Dòng phim này Trung Quốc và Mỹ rất mạnh. Một phần là do tâm lý khán giả, nhìn thấy một thời kỳ mình và thế hệ cha mẹ mình đã trải qua, điều đó rất gợi cảm.
Tôi đã chứng kiến nhà văn Nguyễn Khắc Phục tiếp một ông tiến sĩ sử học, đến Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam để cãi rằng, các anh làm phim tài liệu lịch sử (Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông) sai chỗ này chỗ kia, rằng tôi là chuyên gia về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, không ai có thể làm việc này mà trái ý tôi.
Sau khi ông Phục về hưu, tôi đã phải vất vả hầu kiện ông này, sau khi rút bỏ lời nhận xét đó là phim tài liệu, thì lại kiện những điều vô lý vụn vặt khác, chỉ khi tòa xử thì mới xong.
Hầu như rất nhiều người xem phim lầm lẫn nhân vật điện ảnh và nhân vật ngoài đời, coi phim truyện là tài liệu về con người trên phim. Na ná như thời cải cách ruộng đất, người xem khi đó đã lên sân khấu bắn nhân vật địa chủ vì lòng căm thù mù quáng.
Một cảnh trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong" |
Tôi có làm phim, mà lịch sử liên quan đến các nhân vật lịch sử Trung Quốc, ví dụ Tống Khánh Linh không phải lãnh tụ cộng sản, nhưng là nhà hoạt động nhà nước, thì biết rằng những phim cứ có xuất hiện của những người lãnh đạo nhà nước, phải qua thẩm tra của một ủy ban thuộc một ban đảng của Trung ương Đảng của họ.
Khi đã qua phê duyệt thì thôi, giới điện ảnh chỉ xem xét khía cạnh nghệ thuật mà thôi. Họ đã qua một giai đoạn, mà việc xem xét các tác phẩm lịch sử cách mạng, ví dụ như “Trường Chinh” dựng lại cuộc rút lui chiến lược của bộ lãnh đạo đảng của Mao Trạch Đông, “Đại nghiệp kiến quốc”, “Tôn Trung Sơn”...
Những cơ quan như Cục Điện ảnh, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã có lúc đưa ra những câu hỏi, nhận xét rất ngớ ngẩn, vì họ hầu hết không nắm rõ quá trình lịch sử, nhưng lại có quyền căn vặn mọi thứ trên phim.
Mặc dù đã có phê duyệt kịch bản, đã có nhận xét của các chuyên gia lịch sử Đảng, nhưng những người lãnh đạo điện ảnh vô tư tự tin thái quá đến mức bắt bé rất sai và vô lý, thực ra lộ rõ cái dốt của họ.
Cho nên, sau đó Trung Quốc có quy định, giới lãnh đạo điện ảnh cứ xem xét nghệ thuật điện ảnh, còn chi tiết lịch sử và ý nghĩa của việc đó trong kịch bản thì đã có cơ quan đảng xét duyệt.
Hoặc một phim như “Đại nghiệp kiến quốc”, có thể không một ai thuần túy điện ảnh dám chịu trách nhiệm về việc trình bày những sự kiện nhạy cảm liên quan đến hợp tác Quốc- Cộng, chính phủ liên hợp sau chiến tranh thế giới ở Trung Quốc, giai đoạn mà thực tế còn nhiều tranh cãi.
Nhưng họ vẫn làm được, và làm tốt. Tôi đã nghe một đạo diễn Trung Quốc nói: Tôi biết các ông bà duyệt phim, còn lẫn Chu Ân Lai với Chu Đức, thì hỏi họ duyệt thế nào? Ông ta hỏi: Liệu ở Việt Nam, có ai duyệt phim lẫn Phùng Thế Tài với Trường Chinh mà vẫn duyệt phim lịch sử cách mạng không?
Tôi trả lời bạn Trung Quốc là ở Việt Nam, các lãnh đạo điện ảnh hiểu biết sáng láng hơn nhiều, họ chỉ nhầm lẫn những vấn đề khó hơn, ví dụ như có người tranh luận rằng Hội nghị Trung ương 8 năm 1941 mà sách báo nói đến rất nhiều, hội nghị có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng, nếu không có hội trường thì cũng phải “hẳn hoi”, chứ không thể là 9 ông ngồi quanh một cái chõng tre.
Ông bạn Trung Quốc gật: Ở Trung Quốc, đúng là ít ai, kể cả lãnh đạo điện ảnh biết Hội nghị Tuân Nghĩa thì quang cảnh thế nào.
Ở nước ta, động đến làm phim, lại làm phim lịch sử, nhất là lịch sử cách mạng là một lần tự chuốc lấy điều tiếng.
Chừng nào mà cơ quan đảng, như Ban Tuyên giáo hay Văn phòng Trung ương chẳng hạn, không có một quy định về duyệt phim lịch sử cách mạng, giải phóng cho những người lãnh đạo điện ảnh trách nhiệm to lớn của họ, thì chắc chắn còn những khó khăn để các bộ phim ra đời ở Việt Nam.
Xuân Hưng