Trong một lần chuyện ngoài lề với ê kíp làm phim đến từ Bắc Kinh, họ nói: Cách đây chục năm, quan niệm về làm phim ở Bắc Kinh cũng rất bảo thủ cổ điển. Họ không nghĩ đến việc đến Hoành Điếm làm phim và phản đối kiểu làm phim thời mới.

Đến Hoành Điếm là công nhận cung cách làm phim theo cơ chế thị trường thương mại. Mọi thứ có dịch vụ, thuê là được phục vụ đến nơi. Một số người quan niệm làm phim là làm nghệ thuật. Họ phải tự tay tỉa tót bối cánh, tự làm tóc chẳng hạn. Đến một nơi như Hoành Điếm, có công ty bối cảnh lo, nếu cần đồ năm nào, có đủ đồ đạc năm đó, cần tóc tai giá nào có giá đó, cần quần áo thời nào cũng có. Như vậy Bắc Kinh chỉ cần mang thành phần làm phim chính đến, với kịch bản và kế hoạch để làm phim.

Tôi đã thấy người từ Hồng Công, Hàn Quốc, Mỹ… đến đó làm phim. Với những người đó, họ không có chuyện phải “đấu tranh tư tưởng” về làm phim như người Trung Quốc thời kỳ trước đó ít năm. Đơn giản vì họ đã quen với kiểu vận hành thị trường như vậy.

{keywords}
Phim trường Hoành Điếm đã theo cơ chế thương mại từ lâu.

Với cơ chế thị trường liên kết nhau, một công ty có thể dán nhãn hiệu cái điện thoại của họ, bằng việc thiết kế, tuân thủ hàm lượng trí tuệ theo đúng luật sở hữu trí tuệ, còn thì con chip, màn hình, các linh kiện đều đã có nơi chuyên bán rồi. Một bộ phim cũng là, và trước hết phải là sản phẩm thương mại, việc làm ra nó tuân theo các quy luật công nghệ truyền thông.

Khi tôi đến Trung Quốc làm phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, cũng là làm phim theo một cung cách rất khác lúc đó. Đoàn làm phim có đầy đủ thành phần Việt Nam, có thuê người Trung Quốc để vận hành theo lệ trường quay của họ.

Người quyết định cuối cùng là người Việt, kịch bản Việt. Các đoàn phim, kể cả Mỹ cũng thuê đạo diễn trường quay và thành phần dịch vụ Trung Quốc. Có người thuộc giới đạo diễn điện ảnh đã gọi điện cho tôi, nói rằng phim của tôi là phim Trung Quốc. Có người công tác trong ngành điện ảnh đã lâu, đã ra sức bới lông tìm vết tìm mọi cách để đả phá, kể cả nói rằng “người viết nhạc đã đạo chính nhạc của ông ta trong phim khác”, với vài giây âm nhạc, một nét nhạc nào đó giống với phim khác của chính ông ta. Thật sự là rất khôi hài.

Người Việt có tâm lý tự ty nên việc làm phim chắc chắn không thể khá được nếu không có tư duy đột phá. Khi Trương Nghệ Mưu làm chương trình biểu diễn ở mặt hồ Tây Hồ, Hàng Châu, dùng âm nhạc là nhạc của nhạc sĩ Nhật, đã có nhiều người phản đối, kêu là Hoa gian theo Nhật. Nhưng rồi chương trình vẫn thành công, đa số người Trung Quốc nghiêm cẩn không nghĩ hẹp hòi.

Tôi nghĩ, nếu có một chương trình nào đó tương tự ở Việt Nam mà dùng nhạc Trung Quốc, thì chắc tác giả của nó không còn chỗ trốn.

Vấn đề là làm thế nào? Trong khi đoàn làm phim của tôi có đầy đủ chức danh mà người Việt làm ông chủ, người Trung Quốc chỉ làm dịch vụ theo yêu cầu của chúng tôi, thì cũng có đoàn làm phim chọn cách làm khác. Kết quả là họ đã thất bại. Đó là khi họ thuê người Trung Quốc làm kịch bản, biên tập, thuê đạo diễn mà không có đạo diễn Việt Nam giám sát, và cái chết nhất là thuê trọn gói.

Nhu cầu bối cảnh của chúng tôi là Trung Quốc nên chúng tôi đi Trung Quốc, nhưng nếu đi Trung Quốc mà làm bối cảnh Việt Nam chẳng hạn thì khó mà đạt được yêu cầu và tiềm ẩn thất bại. Các đoàn phim nước khác cũng vậy, bối cảnh phương đông hoặc Trung Quốc, hoặc không có địa chỉ rõ ràng, họ mới đến Trung Quốc. Nếu làm phim lịch sử mà đi Hoành Điếm quay nội thì rất ổn, nhưng đến đó quay ngoại thì lại phải sửa mái nhà cổ đi theo kiểu Việt Nam, chắc sẽ không ổn.

Chính vì tâm lý e ngại Trung Quốc, mà Việt Nam đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng phát triển trường quay trong công nghiệp điện ảnh, bỏ qua điều kiện làm phim thuận lợi.

Jobson Ton nói với tôi, nếu so với Hollywood, ví như phim Avatar, thì gần trăm năm nữa điện ảnh Trung Quốc mới kịp, nên Việt Nam cách Mỹ càng xa vời, nhưng nếu Việt Nam muốn thì có thể có cách đuổi kịp Trung Quốc.

Lúc đó có nhiều người muốn đi theo hướng phát triển trường quay ở Việt Nam, nhưng chỉ dăm năm sau thôi, hiện nay tình hình làm phim không còn như năm 2008-2010 nữa. Đó lại là một câu chuyện khác.

Xuân Hưng