LTS: Nền điện ảnh và không chỉ trong điện ảnh của Trung Quốc đã thay đổi, vượt trội ra sao trong tương quan với Việt Nam. Nhà văn Xuân Hưng sẽ phản ánh trong loạt bài về hậu trường làm phim mà ông là người trong cuộc với những góc nhìn thẳng thắn, trầm tĩnh và đầy trăn trở. Tuần Việt Nam xin giới thiệu loạt bài đến quý vị độc giả.
Năm 2007, tình cờ tôi kế nhiệm Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, chịu trách nhiệm làm tiếp một phim tài liệu nhựa và một phim truyện nhựa. Phim Tài liệu 60 phút theo đặt hàng của Bộ Tài chính, về lịch sử đồng tiền, phim truyện chính là phim “Vượt qua bến Thượng Hải” có bối cảnh đến 95% là Trung Quốc.
Nhà văn Hà Phạm Phú đã liên hệ trước, phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” đã hợp tác với Hãng phim Châu Giang (Quảng Châu), nên tôi đi Quảng Châu để làm việc với Hãng phim này, dự định làm “Vượt qua bến Thượng Hải” ở Quảng Châu. Đặt vấn đề rất rõ ràng dứt khoát, làm hậu kỳ phim tài liệu nhựa tốt đẹp thì sẽ làm phim “Vượt qua bến Thượng Hải”.
Nhưng không ai tính được chữ ngờ, việc làm hậu kỳ phim tài liệu thất bại, tôi phải ôm tư liệu về Việt Nam làm, nên việc làm phim truyện ở Quảng Châu theo đúng hẹn là thôi không hợp tác nữa. Sau đó tôi đi Hoành Điếm mấy chuyến để chuẩn bị đưa đoàn phim “Vượt qua bến Thượng Hải” đi làm tiền kỳ tại Hoành Điếm thuộc Triết Giang.
Đây là câu chuyện không phải là kể về làm 2 bộ phim đó như thế nào, mà thông qua thời gian đi làm phim ở 2 trung tâm phim hàng đầu của Trung Quốc, tôi đã thu thập được nhiều chuyện ngoài lề, đó là chuyện đời sống chứ không đơn giản là chuyện phim ảnh. Cho đến nay đã hơn 10 năm, có thể “giải mật” được rồi.
Vì khi làm phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” năm 2002, việc làm hậu kỳ phim truyện nhựa ở Quảng Châu so với làm ở Việt Nam là hơn hẳn về kỹ thuật và giá cả. Họ có một đội ngũ kỹ thuật, công nghệ và nhân lực vượt trội, làm nhiều và nhanh nên hạ được giá thành. Nên chúng tôi hy vọng làm hậu kỳ phim nhựa ở đây.
Nền kinh tế Trung Quốc sôi động, biến động nhanh, cũng như bộ mặt đô thị của họ biến đổi chóng mặt, nên những rắc rối cổ phần hóa cũng không bị kéo dài lâu. |
Khi đến Hãng phim Châu Giang năm 2007, 2008, những người đã đến năm 2002 thấy vô cùng ngạc nhiên. Trong 6 năm, Quảng Châu biến đổi kinh ngạc, và quang cảnh Hãng phim Châu Giang cũng không còn là nó nữa. Cho đến đó, Quảng Châu đã cấm xe máy được 1-2 năm, có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, có hệ thống đường cao tốc đô thị trên cao nhất nhì Trung Quốc, kết nối với Thâm Quyến một thành phố phát triển nhất TQ. Trước đây, khu vực Hãng phim Châu Giang xa trung tâm, cũ kỹ, nhà xưởng thuộc doanh nghiệp nhà nước. Còn năm 2007, trên diện tích đất Châu Giang có khu đô thị, khu chung cư, khu làm việc của Hãng phim, khu thương mại và nhà khách khách sạn. Hãng phim đã cổ phần hóa, phần vốn Nhà nước còn thiểu số.
Do việc ất ơ ở đó chờ đợi làm hậu kỳ quá lâu, khoảng 2 tuần, mà nhiều việc tai nghe mắt thấy ở đây rất lạ so với Việt Nam lúc bấy giờ.
Việc đầu tiên là vấn đề kỹ thuật. Hỏi ra mới biết, toàn bộ công đoạn làm phim nhựa đã bị bỏ đi rồi, máy móc niêm cất, rao thanh lý sắt vụn, còn để một vài cái vào bảo tàng truyền thống. Nhưng do họ muốn giải quyết vấn đề quan hệ để làm phim tiếp tục với chúng tôi, nên không cho chúng tôi biết.
Đầu tiên cán bộ Hãng phim định mở máy móc, gọi những người đã quen nghề cũ đến làm phim cho chúng tôi. Rồi chuyện đó không giữ kín được, mà phải bàn bạc. Sau khi thử thất bại, người làm kỹ thuật dựng nhựa đã phiêu bạt hết, máy dựng cũng già não, chúng tôi đành mang phim tư liệu về.
Như vậy, bây giờ nghĩ lại, họ đã đi trước chúng ta về mặt nắm bắt tiến bộ công nghệ. Thời đại phim nhựa đã trôi qua trước mắt, mà Việt Nam không hiểu ngay, vẫn đặt vấn đề làm phim nhựa, đặc biệt là hậu kỳ phim nhựa. Khi đó, Châu Giang không có thể chuyển ổ cứng ra nhựa như ở Thái Lan hay Bắc Kinh (là những nơi chuyển dần dần về mặt kỹ thuật), bởi vì họ dứt khoát đoạn tuyệt với phim nhựa.
Năm sau, làm phim ở Hoành Điếm xong, tôi đi Thái Lan chuyển nhựa từ số ở Công ty TecniColor, 2 năm sau cho địa chỉ cho chị Nguyễn Thị Hồng Ngát, thì họ trả lời đã bỏ phân xưởng ấy đi rồi, các hãng làm phim nhựa không còn hoạt động nữa, thời đại phim nhựa đã chết hẳn.
Cần phải nói rằng, ở Việt Nam, từ khâu kế hoạch nhà nước, đặt hàng, sản xuất, ít nhất năm 2010 vẫn tiến hành như năm 2001 là làm việc với phim nhựa. Hồi năm 2010, ở Việt Nam mới rục rịch nói chuyện chuyển rạp phim bỏ phim nhựa chiếu phim ổ cứng, thì nay chuyện đó hiển nhiên rồi.
Hồi đó, mấy tuần tiếp xúc với những “người phim” ở Quảng Châu, thấy họ đành chấp nhận tương lai oái oăm đôi khi phũ phàng. Đầu tiên là chuyện cổ phần hóa. Khi có những công ty chưa bao giờ làm phim nhảy vào mua cổ phần, có thể cổ phần chi phối, giới nghệ sĩ điện ảnh phản đối dữ dội.
Nhưng thực tế cuộc sống diễn ra ở Quảng Châu khi đó rất phong phú, có nhiều ví dụ về cạnh tranh kinh tế, khiến tư duy ấy chỉ làm cho những người tán thành cổ phần hóa phải giải quyết cẩn thận và kiên quyết hơn. Thời đại ngày nay, điện ảnh cũng như các ngành khác, không phải con tàu cũ cứ trôi theo đường ray định sẵn. Hôm qua làm phim không giống hôm nay, điển hình là Hãng phim Châu Giang đã không còn là nó nữa, mà những người như tôi đến từ Việt Nam đang cố gắng hiểu.
Rồi đến lúc Công ty xây khách sạn, xây khu đô thị trên mảnh đất vàng của Hãng phim cũ, lại một phen khiếu kiện nữa. Nhưng chính quyền thành phố kiên định ủng hộ cổ phần hóa. Nếu để mà không cổ phần hóa, một năm làm vài phim liệu có nuôi sống cán bộ công nhân viên không? Hay là cứ sống lay lắt rồi lĩnh đồng lương chết đói? Những người làm phim nhựa tự hào là làm nên điện ảnh Nam Trung Quốc, giờ liệu có sống được không? Phim chiếu rạp đã chiếu từ ổ cứng, cánh làm phim nhựa ở Hoành Điếm, Bắc Kinh lấn át. Kỹ thuật làm phim biến chuyển. Phim truyện truyền hình thì các đài truyền hình làm thiện nghệ hơn. Vậy con người của điện ảnh Châu Giang dù có tự hào, cũng là niềm tự hào hão huyền vô ích.
Tôi đã nói chuyện với đạo diễn của phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, ông làm phim nhiều tập “Tình Châu Giang” một thời chiếu trên VTV, cũng ăn khách ở Việt Nam thời mới Đổi Mới. Ông Đạo diễn tự hào rằng, ông là một trong những người ít ỏi của Hãng phim đã tỉnh táo chuyển hướng sang nắm bắt xu thế truyền hình, và từ bỏ bấu víu vào truyền thống điện ảnh huy hoàng.
Ông nói: “Dạo chống cổ phần hóa, có nhiều người đòi trả điện ảnh cho người làm điện ảnh, tôi bảo cái điện ảnh bây giờ không phải điện ảnh của các ông về hưu, đừng hão huyền nữa”
Khi tôi nói chuyện với ông ấy, hầu hết cán bộ nhân viên Hãng phim đều có suất nhà ở chung cư trong khu vực Hãng phim, nhiều người có cổ phần. Phim vẫn tiếp tục làm, nhưng làm phim là khó, cũng như người làm nông, chả ai giàu lên nhờ thuần nông cả.
Vấn đề là Hãng phim Châu Giang đã giải quyết được chuyện cổ phần hóa để người làm phim thấy mình có quyền lợi. Nền kinh tế Trung Quốc sôi động, biến động nhanh, cũng như bộ mặt đô thị của họ biến đổi chóng mặt, nên những rắc rối cổ phần hóa cũng không bị kéo dài lâu.
Còn nữa
Xuân Hưng