Đánh giày thời 4.0: Quét mã QR, từ chối nhận tiền mặt
Được biết, người đánh giày này tên Tuấn (phường Tân Quang, TP Tuyên Quang). Anh Tuấn đã đánh giày từ cách đây 3-4 năm, nên dân văn phòng quanh đường Trần Phú (Tuyên Quang) chẳng lạ lẫm gì.
“Gần đây, bỗng dưng Tuấn bảo tôi đừng trả tiền mặt mà thanh toán điện tử. Sau đó, Tuấn xoay cái thùng đánh giày có dán sẵn mã QR cho tôi. Anh ấy còn giải thích cặn kẽ vì sao không nên dùng tiền mặt và lấy ví dụ ở Singapore thanh toán tiền mặt còn bị phạt”, anh Vũ Thành Trung (TP Tuyên Quang) cho biết trên Dân trí.
Anh Tuấn cập nhật công nghệ rất nhanh |
Vẫn chưa thực sự tin là anh Tuấn thanh toán bằng cách quét mã QR nhưng sau khi đánh xong 2 đôi giày, anh Trung quét thử mã QR thì bất ngờ hơn là trên điện thoại có hiện lên bên nhận là “Đánh Giày”.
Anh Trung hỏi tại sao lại quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử này thì anh Tuấn chia sẻ: “Chuyển tiền vào đây còn tiết kiệm được, chứ đưa tiền mặt thì tiêu hết nhanh lắm.”
Lạ Việt Nam, chùm nhãn lồng cổ Hưng Yên bán giá 100 triệu
Mới đây, một tổ chức Liên hiệp HTX tại TP HCM đã tổ chức thành công phiên đấu giá nông sản Việt với nhiều loại trái cây được trả giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, 6 quả na Chi Lăng (Lạng Sơn) đã được khách mua với giá 100 triệu đồng, 6 quả xoài cát giá 100 triệu, một bó nhãn lồng cổ Hưng Yên giá 100 triệu, 2 quả bưởi da xanh giá 120 triệu, 6 quả thanh long giá 100 triệu và một chùm 8 quả bưởi đường lá cam cũng được khách chi 130 triệu để mua.
Tại phiên đấu giá ở TP HCM, các loại trái cây được trả giá lên tới cả trăm triệu. |
Nhà tổ chức phiên đấu giá này cho biết, việc chuẩn bị các loại vật phẩm như sim điện thoại, đồ cổ, sản phẩm dát vàng,... đấu giá để làm từ thiện đã khá phổ biến. Song đây là lần đầu tiên các loại trái cây quen thuộc như nhãn, thanh long, bưởi, xoài tham gia “đấu giá” và được định giá “trăm triệu”. Điều này cũng giúp gợi ra một hướng mới cho việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Loại hoa thường cắt bỏ đi sấy khô thành đặc sản 1,5 triệu/kg
Ở Việt Nam, đu đủ là loại cây ăn quả phổ biến, được trồng khắp các vùng miền. Tuy vậy, đu đủ đực - loại cây không cho trái - thường hiếm hơn và việc gieo trồng cũng khó khăn. Bởi ai cũng nghĩ, cây không cho trái thì trồng làm gì.
Hoa đu đủ sấy khô. |
Tuy nhiên, hoa đu đủ đực lại là vị thuốc quý, một món ăn đặc sản được bán với giá khá đắt đỏ, không phải ai cũng mua được.
Hoa đu đủ đực chỉ có một đợt trong năm. Hoa có màu trắng, mọc thành từng cụm nhỏ như hoa thiên lý, có vị đắng nhẹ. Hoa tươi thường để xào hoặc nấu canh, còn hoa khô dùng để sắc nước uống.
Trồng thứ quả tưởng không còn ai ăn, bất ngờ thu 700 triệu
Na bở trước kia vốn bị thất sủng, ít người ăn nên giá rẻ hơn nhiều so với na dai. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, na bở bất ngờ trở thành đặc sản siêu hiếm, được mọi người lùng mua khắp chợ
Na bở trước kia ít người ăn nay trở thành đặc sản siêu hiếm. |
Vì hiếm nên giá na bở vô cùng đắt đỏ, từ 135.000-180.000 đồng/kg, có loại tới 200.000 đồng/kg vẫn cháy hàng. Trong khi đó, na dai đang được bày bán la liệt với giá từ 45.000-65.000 đồng/kg.
Nhờ trồng na bở, nhiều hộ dân ở xã Liên Khê, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng trở nên khấm khá. Mỗi ha na bở người trồng thu được từ 500-700 triệu đồng.
'Mắc màn cho lợn' chống dịch bệnh, tiêu hủy lợn bệnh phải đóng phí
Sau gần 6 tháng xuất hiện ở Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây ra 62 tỉnh, thành phố, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy khoảng 4 triệu con. Khi chưa có vắc xin phòng bệnh dịch này, nhiều trang trại đã tự tìm cách bảo vệ đàn lợn của gia đình mình.
Sau khi một nửa trang trại lợn bị tiêu hủy vì DTLCP, anh Lê Văn Công - một chủ trang trại lợn ở Thanh Oai (Hà Nội) đã áp dụng nuôi cách ly bằng phương áp "mắc màn cho lợn". Kết quả, số lợn ấy thoát dịch bệnh này một cách kỳ tích.
Anh Công đã áp dụng phương áp "mắc màn cho lợn". |
Theo anh Công, cách làm này tương đối đơn giản, không quá tốn kém và có thể áp dụng rộng rãi. Theo đó, có thể “mắc màn cho lợn” bằng loại lưới cước, lưới inox tránh để ruồi, muỗi, chuột... xâm nhập.
Cũng liên quan đến DTLCP, nhiều người dân tại xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) rất bức xúc khi phải đóng 200-300 ngàn đồng/con mới được chính quyền đưa lợn chết do bệnh dịch đi tiêu hủy.
Trước vụ việc này, UBND huyện Thăng Bình chiều 30/7 có văn bản gửi các xã, thị trấn đề nghị tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm.
Trồng loài rau dại chống đói ngày xưa thu tiền triệu mỗi ngày
Rau móp là loài rau dại có ở Củ Chi (TP.HCM) từ rất lâu. Trong thời chống Mỹ, nhiều bộ đội phải ăn rau móp chống đói.
Am hiểu “gu” sành ăn, “ham của lạ” của thị trường, nông dân ờ Củ Chi đẩy mạnh trồng loại rau móp dại. |
Tuy nhiên, khoảng chục năm nay, khi rau móp được thị trường ưa chuộng. Và trước việc lượng rau móp tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhiều nông dân đã tổ chức trồng rau móp, thu tiền triệu mỗi ngày.
Gánh phở bò sốt vang 30 năm tại Hà Nội chỉ bán từ 3h sáng
Góc ngã tư Hàng Đường - Hàng Chiếu (Hà Nội) từ lâu là điểm ăn đêm của nhiều người mê phở. Điểm đặc biệt, hàng phở này chỉ bán vào nửa đêm khoảng từ 3h đến khi trời sáng.
Gánh phở bò sốt vang 30 năm tại Hà Nội chỉ bán từ 3h sáng. |
Hàng phở gánh này đã có thâm niên gần 30 năm kinh doanh vào ban đêm. Khách đa phần là quen, bao gồm giới trẻ đi chơi đêm, công nhân đi làm sớm, về muộn hoặc tài xế taxi cũng có.
Các loại phở đều đồng giá 40.000 đồng/bát, được khách đánh giá là vừa, không rẻ cũng không đắt.
Vườn rau siêu khổng lồ của bố đảm Nha Trang
Nhìn dưa chuột tưởng mướp, nhìn xà lách cuộn cứ ngỡ bắp cải, hay nhìn rau cải thường cứ ngỡ một loại rau siêu khổng lồ nào đó,... Đó là những hình ảnh mà bất kỳ ai cũng sẽ phải ồ à thán phục khi bước chân lên xem vườn rau quả của ông bố đảm Quốc Bảo ở TP. Nha Trang.
Mỗi trái dưa chuột nặng cỡ từ 400-500gram. |
Bởi, 1 quả dưa chuột mà tới 4-5 lạng, xà lách rau cuộn thì nhiều thành từng lớp từng lớp, những bông cải to như 2 bàn tay người lớn xòe ra... thì thử hỏi ai mà không ngỡ ngàng cho được.
Sở hữu khoảng sân thượng xinh xắn với diện tích 35m2, ông bố hai con đã từng làm bao chị em ghen tị với "khu vườn thủy canh trên mây" của mình đã quyết tâm tạo nên một vườn rau sạch, giúp gia đình mỗi ngày yên tâm hơn về nguồn thực phẩm và đặc biệt là cho con hiểu hơn về thiên nhiên.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)