Cua cá đầy đồng, lúa tươi bán tại ruộng
Ba vụ mùa thắng lợi liên tiếp, người nông dân trồng lúa hữu cơ trong chuỗi liên kết với DN ở Quảng Trị hồ hởi làm vụ lúa mới và khoe về kế hoạch mở rộng diện tích.
Vừa tính toán lại lượng phân hữu cơ, giống lúa người dân cần dùng để báo lại với DN, ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc HTX Đại An Khê ở xã Vĩnh Thuỷ (Vĩnh Linh, Quảng Trị) khoe, diện tích lúa hữu cơ của HTX năm nay tiếp tục được mở rộng thêm hàng chục ha.
Ông kể, trước kia, những cánh đồng lúa nơi đây được gọi là cánh đồng chết, đất đai cằn cỗi do sử dụng phân bón hoá học (phân vô cơ) và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Song, hai năm trở lại đây, những cánh đồng chết ấy đã hồi sinh bằng những ruộng lúa hữu cơ xanh tốt.
Những cánh đồng lúa ở Quảng Trị giờ mang một diện mạo mới, tôm cua cá bơi lội đầy dưới ruộng |
“Vào mùa lúa chín cô chú về đây sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt như thế nào. Những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam thời ông cha mình tưởng như đã mất nay đang hiện về. Chuyện nhỏ thế thôi mà cả làng phải học, phải làm cả năm trời”, ông Trực cho biết.
Người nông dân quê ông đã thực sự thay đổi thói quen canh tác, từ sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ nay đã thay bằng phương pháp trồng lúa hữu cơ.
Theo đó, giống, phân hữu cơ của DN cấp. Đến lúc thu hoạch, họ trực tiếp về tận ruộng thu mua lúa tươi, trả tiền tươi cho nông dân. Cam kết nếu mất mùa, DN sẽ đền bù.
Với năng suất ổn định như 3 vụ vừa rồi, mỗi 1ha người dân cũng "đút túi" trung bình 20 triệu đồng/vụ tiền lãi, chưa kể hộ nào chăm sóc tốt thì số tiền lãi còn cao hơn..., ông chia sẻ.
Ông Cao Đình Lập, một hộ dân trồng lúa hữu cơ ở xã Vĩnh Thuỷ hào hứng kê, trồng lúa hữu cơ nhàn, chỉ bón phân 2-3 lần/vụ, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật cả 4-5 lần/vụ như trước. Đến mùa thu hoạch, không còn phải trông ngóng nắng mưa, không lo thương lái ép giá.
Hai vụ đầu, vợ chồng ông cấy 1,3 mẫu lúa hữu cơ, sau khi thu hoạch, trừ tiền phân, tiền giống còn lãi gần 40 triệu đồng. "Vụ này năng suất cũng tương đương nên tôi cầm chắc 20 triệu đồng tiền lãi. Vụ tới đây tôi sẽ trồng hẳn 3 mẫu lúa hữu cơ", ông Lập khoe.
Ông Đoàn Việt Cường, Phó GĐ công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị - đơn vị tham gia liên kết với nông dân để làm mô hình lúa hữu cơ tại Quảng Trị cho biết, năng suất lúa tươi bình quân đạt 56 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ - cho thu nhập khoảng 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân trên 30 triệu đồng/ha, nhiều nơi có năng suất cao cho lãi 38-40 triệu, cao hơn sản xuất đại trà từ 15-18 triệu đồng/ha.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 8 HTX làm lúa hữu cơ với tổng diện tích khoảng 300ha. Đặc biệt, tỉnh đã kết hợp với DN làm thành công thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị.
Người nông dân trồng lúa ở Quảng Trị nhàn hơn khi làm nông nghiệp hữu cơ |
Hai tháng ròng vận động chuyển đổi
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, lúa bình thường giá 6 triệu/tấn nhưng lúa hữu cơ bán 8 triệu/tấn. Trước đây thu khoảng trên 30 triệu đồng/ha, giờ làm cây hữu cơ thu trên 40 triệu/ha nên bà con nông dân phấn khởi.
Để có được thành quả này, cán bộ khuyến nông, giám đốc HTX ở Quảng Trị đã mất 2 tháng trời ròng rã vận động, thuyết phục từng hộ dân tham gia.
Ông cho biết, Quảng Trị là vùng đất nghèo khi đất đai đều bạc màu, ruộng manh mún nhỏ lẻ, khí hậu không thuận lợi, người dân thì lạm dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật… kéo theo sản phẩm nông nghiệp làm ra đạt chất lượng thấp, giá cả bấp bệnh, khó tiêu thụ.
Trong khi, xu thế hiện nay, sản phẩm nông sản làm ra phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng. Thế nên, chuyển đổi mô hình sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn lựa chọn nào khác.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Qưảng Trị Hà Sỹ Đồng, nhờ làm nông nghiệp hữu cơ mà diện mạo vùng quê nghèo đã thay đổi |
Xác định làm nông nghiệp hữu cơ, mở đầu là với lúa gạo, ông cùng các anh em Sở NN&PTNT vào tận Vũng Tàu để tìm, thuyết phục DN về Quảng Trị kết hợp với nông dân làm chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. Thế nhưng, đến khi họ gật đầu đồng ý thì lại gặp khó ở phía người nông dân.
Thuyết phục, vận động họ từ bỏ thói quen làm chủ mảnh ruộng nhỏ để thành công nhân trong chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ quả không đơn giản chút nào.
Nông dân đang quen sản xuất tự phát, thích gì làm nấy, giờ đột nhiên yêu cầu họ chuyển sang làm hữu cơ, chỉ bón phân tưới nước, nhất cử nhất động đều phải làm theo DN… khiến họ hoang mang, có phần hoài nghi.
Khi ấy, cán bộ khuyến nông tỉnh phải tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền, tập huấn để phổ biến kiến thức; giám đốc các HTX đến tận từng hộ dân để vận động. Bởi, chỉ một hộ không làm, hay trong khi làm vi phạm nguyên tắc thì coi như hỏng cả cánh đồng vài chục ha. Thế nên, phải thuyết phục để có sự đồng lòng tuyệt đối của bà con.
Ròng rã hai tháng trời, cuối cùng cũng thuyết phục được khi DN đưa ra cam kết vụ đầu tiên cung cấp miễn phí hoàn toàn phân bón cho nông dân, giá thu mua lúa cũng được cam kết. Không chỉ vậy, DN còn bảo hiểm năng suất cho nông dân, nếu trong quá trồng lúa bị sâu bệnh dẫn tới năng suất không cao, DN sẽ đền bù…
Từ thành công ở mô hình nhỏ nhân rộng ra những mô hình lớn. Nhận thức của người dân cũng dần thay đổi, thích làm nông nghiệp hữu cơ hơn. Nhờ đó, ở Quảng Trị bây giờ có các chuỗi liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, chuỗi cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và rất nhiều cây ăn quả đặc sản.
“Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với DN đã hình thành nên nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân và góp một phần vào bảo vệ môi trường”, ông Đồng nói.
Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 500ha diện tích sản xuất theo phương thức nông nghiệp hữu cơ, dự kiến trong năm 2019 sẽ tăng lên 1.000ha và trong tương lai không xa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ làm theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.
Không phun thuốc trừ sâu: Tôi bị nói là kẻ lừa đảo
Khi hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp hữu cơ không phun thuốc hay bón phân hoá học, tôi bị nói là kẻ lừa đảo, phản khoa học, nông dân dọa sẽ kiện nếu cây chết.
Tâm An