Không chỉ con người, mà ở xã Điện Quang (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), hàng ngàn con bò được đóng bảo hiểm để phòng rủi ro khi đau ốm cũng như không may chết đi.
Phòng đau ốm, rủi ro
Bà Trần Thị Phi Yến, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Điện Quang (HTX Điện Quang) cho biết: “Bảo hiểm trâu bò là một nguồn tài chính được tự nguyện đóng góp bởi số đông người chăn nuôi thực hiện mục tiêu chung là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát huy sức mạnh tập thể nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chữa trị bệnh cũng như thiệt hại nếu không may xảy ra”.
Gói bảo hiểm này do HTX Điện Quang thành lập từ năm 2009 với tên gọi đầy đủ là Quỹ bảo hiểm chăn nuôi trâu bò. Từ lúc ra đời đến nay, đã có 2.068 con trâu bò ở xã Điện Quang được đóng bảo hiểm.
Khi trâu bò của người dân bị bệnh, theo hợp đồng bảo hiểm, anh Đại và các cán bộ thú y của HTX lập tức xuống thăm khám bảo đảm cho gia súc lành bệnh. |
Anh Nguyễn Quang Đại, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi HTX Điện Quang cho biết thêm: “Bảo hiểm chăn nuôi này chỉ áp dụng cho gia súc trên địa bàn xã Điện Quang. Các xã xung quanh không tham gia được vì không trực thuộc HTX. Hơn nữa, mình chỉ gói gọn trong xã để siết chặt việc quản lý dịch bệnh, tốt cho việc chăm sóc gia súc cho khách hàng và xã viên”.
Theo hợp đồng, trâu bò được mua bảo hiểm phải khỏe mạnh, chuồng trại tốt trước khi tham gia bảo hiểm. Hợp đồng được ký kết từng năm một.
Về quyền lợi, khách hàng sẽ được hưởng 80% chi phí khám bệnh và điều trị khi gia súc bị bệnh; 100% chi phí tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định nhà nước. Trong trường hợp trâu bò chết không điều trị khỏi được, HTX có trách nhiệm chi trả hỗ trợ 80% giá trị thiệt hại theo giá thị trường của xã Điện Quang tại thời điểm gia súc bị chết.
Có rất nhiều mức đóng bảo hiểm với điều khoản hấp dẫn dành cho nông hộ như: gói 350 ngàn đồng dành cho bò nái sinh sản, gói 450 ngàn dành cho bò đực thịt có thể trọng ban đầu từ 180kg trở xuống, thể trọng từ 180kg trở lên nằm trong gói 550 ngàn hoặc gói 700 ngàn đồng.
Anh Đại kể: “Từ giai đoạn mới thành lập đến nay, có lúc quỹ rơi vào bế tắc vì không đủ chi các khoản, nhất là khoảng năm 2010-2011. Tuy nhiên, người dân đang dần tin tưởng và đóng bảo hiểm cho gia súc ngày càng nhiều. Đó cũng là điều kiện để quỹ hoạt động tốt, đồng thời là ràng buộc để đội ngũ thú y của HTX tăng cường trách nhiệm, theo dõi tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc trong xã, tránh được những thiệt hại lớn cho người dân”.
Xã "phát" về bò
Toàn đàn gia súc ở xã Điện Quang khoảng hơn 4.000 con, trong đó chủ yếu là bò. Từ lúc quỹ bảo hiểm ra đời, HTX đã tiến hành thủ tục đền bù cho các hộ bị thiệt hại khoảng 128 triệu đồng.
“Những trường hợp bò bị tai nạn như gãy chân thì mình đền bù cho khách hàng rồi thu hồi bò về mổ thịt để bù vào chi phí. Trường hợp bò bị bệnh thì tuyệt đối phải tiêu hủy”, anh Đại cho biết.
Ông Lắm ở thôn Bảo An Đông có 6 con bò. Tính sơ sơ ông có vài trăm triệu đồng lúc xuất bán. |
Nói về món bảo hiểm này, ông Phạm Tấn Phong (thôn Xuân Đài, xã Điện Quang) cho biết: “Nhà tui nay đã đóng bảo hiểm cho 3 con bò. Mình không mua bảo hiểm là thiệt. Bò đau ốm hay bệnh tật là cứ theo hợp đồng mà giao cho thú y của HTX lo, lỡ nó chết đi thì mình cũng chẳng lỗ. Ví dụ con bò ngã xuống khoảng 10 triệu thì mình được đền 8 triệu”.
Theo lời ông Phong, hiện người dân ở xã Điện Quang phần lớn đã chuyển sang chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp (không chăn thả). Ruộng vì thế cũng được chuyển cơ cấu sang trồng cỏ. Ông tính 2 con bò mới mua giá khoảng 30 triệu, nuôi một năm thì giá lên khoảng 50 triệu. Trong lúc trồng lúa 1 sào, 2 vụ/năm giỏi lắm thu về được 3 triệu đồng.
Anh Đại kiểm tra sức khỏe đàn bò của ông Phạm Văn Năm. |
Nhờ có bảo hiểm, gia súc của các nông hộ ở Điện Quang được chăm sóc rất kỹ từ khi mới đau bệnh. Ông Phạm Văn Năm (thôn Bảo An Đông, nguyên cán bộ sáng lập quỹ bảo hiểm trâu bò này) cho biết: “Lúc mới thành lập, do người dân chưa hiểu hết lợi ích nên quỹ hoạt động rất khó khăn, năm đầu tiên chỉ có 500 con bò được đóng bảo hiểm. Rồi sang năm sau tăng lên 1.600 con bò. Đến bây giờ thì phần lớn các nông hộ trong xã đều tham gia”.
Về nghỉ hưu, ông Năm tiếp tục chăn nuôi bò thịt. 3 con bò trong chuồng của ông hiện có giá trị khoảng 100 triệu, còn lúc mới mua khoảng 14 triệu/con, mọi đau ốm của bò đều có bảo hiểm lo, vì thế rất nhàn.
(Theo Một thế giới)