“Tôi cùng con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà mẹ chồng. Trước lúc đi, tôi thấy anh ta bốc cát cho vào một bát gốm Phù Lãng, đốt nắm hương to, cắm vào, đem đặt trước cổng nhà và thề không có đứa con nào nữa”, chị Nguyễn Thị M kể.
Bố "tống" cả khúc củi vào mồm con
Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị M, có chồng là anh Trần Văn T ở Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh. Suốt gần 30 năm làm vợ chồng, anh T luôn bộc lộ là một con người lười làm, ham chơi, sống không quan tâm đến ai ngoài bản thân mình. Ở tuổi tứ tuần, chị M vẫn phải viết đơn ly dị người chồng vũ phu để được đoàn tụ với con cái.
|
Chị M trò chuyện trong một cuộc hội thảo về bạo lực giới |
Chị M cho biết cách đây 28 năm, chị lập gia đình với người chồng hiện tại. Năm 1991, anh T đi làm ăn xa nhiều tháng mới trở về. Khi về anh T cũng chẳng đưa cho vợ được đồng nào. Bụng chửa đôi vượt mặt nhưng chị M vẫn phải đi vay từng đồng, gánh từng cối thóc bán kiếm tiền mua thức ăn.
“Gia đình tôi làm nông nên những ngày mùa vất vả lắm. Thế nhưng, cứ vào mùa vụ, anh ấy lại xách ba lô đi, nói là đi tỉnh xa làm thêm. Mỗi lần như vậy tôi lại phải chạy vạy lo tiền đi đường, tiền ăn ở cho anh ấy. Nhưng anh ấy đi làm chẳng khi nào đủ tiền tiêu pha cho bản thân. Khi nào anh ta về đến nhà là lại chửi “Mẹ con chúng mày không biết bảo ban nhau đi làm mang tiền về thì tao cho chết hết”, chị M ngậm ngùi kể.
Anh T còn nghĩ cách lừa lấy tiền của vợ. Anh từng cắm chiếc xe máy để đánh bài, lừa lấy 1 triệu đồng để lo “chuyện giấy tờ” trên xã. Quanh năm chị M “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm lụng vất vả nhưng cũng không đủ ăn, đủ tiêu.
Chị M cho biết: “Cách đây 4 năm, khi tôi đi liên hoan với một số bạn cũ về muộn, anh ta liền đuổi tôi ra khỏi nhà. Không còn cách nào khác tôi đành phải về nhà bố mẹ đẻ để ở nhờ. Đêm đó anh ta sang nhà bố mẹ bắt tôi về trong đêm, tôi không chịu bảo đợi đến tận sáng hôm sau mới trở về. Sáng hôm sau tôi về đến nhà thì thấy anh ta thu dọn hết tất cả quần áo của tôi bó vào một cái chiếu để giữa nhà. Anh ta nói lý do tôi không về nhà ngay nên đòi ly dị”.
Không thể chịu đựng được hành động ngang ngược của chồng chị M đã đặt bút ký vào đơn ly hôn. Anh T lúc đó liền vơ vội bó quần áo của chị M ném ra đường như của người đã khuất. Anh T còn túm tóc chị đập xuống sân, đánh một trận tơi bời.
Lập nhang thờ sống con
Không chỉ vũ phu với vợ, anh T còn đối xử với con rất khắc nghiệt. Có lần, thấy người con trai thứ ba ngồi trong bếp ăn cơm sau buổi đi làm đồng, anh T lấy một cây gỗ to tống thẳng vào mồm con và nói: “Đi làm không mang tiền về thì đừng có mà ăn”.
“Vào ngày 29 tết 2 năm trước, anh ta mắng chửi, đổi con trai tôi ra khỏi nhà. Con tôi vì chán nản, bất mãn, nên đã theo chúng bạn sa chân vào ma túy rồi nhận về bản án hơn 2 năm tù giam.”
Chị M nhớ như in một ngày tháng 3/2015, khi mẹ con chị bị anh T mắng nhiếc, từ mặt. Hôm đó, anh T lân la hỏi dò vợ tiền đi ăn cỗ hội đồng niên. Cuộc sống khó khăn, chạy ăn từng bữa, dù rất muốn vui thú cùng bạn bè nhưng chị M cũng đành tặc lưỡi.
Chị M kể: “Hôm đó tôi nói anh có tiền thì tự đóng mà đi ăn cỗ. Ngày mai, tôi đi vác đất, nếu đến trưa người ta trả tiền luôn thì tôi đóng, còn tối họ mới trả thì tôi ở nhà. Nghe xong anh ta quay ra sinh sự, chửi tôi và con không mang tiền về cho anh ta trả nợ. Xong xuôi anh ta đòi sổ đỏ để bán đất lấy tiền nhưng tôi phản đối. Anh ta liền ném siêu nước ra sân rồi lớn tiếng chửi tôi. Hai con trai sinh đôi của tôi đi làm về, thấy siêu nước nằm chỏng chơ giữa sân cũng ít nhiều đoán ra sự việc. Các con kéo tôi vào bếp, khuyên tôi hãy tự giả thoát mình”.
“Thừa cơ anh ta đuổi hết mẹ con tôi ra khỏi nhà. Tôi cùng con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà mẹ chồng. Trước lúc đi, tôi thấy ông ấy bốc cát cho vào một bát gốm Phù Lãng, đốt nắm hương to, cắm vào, đem đặt trước cổng nhà và thề không có đứa con nào nữa. Đến 3 giờ đêm hôm sau, tôi trở về nhà, lấy đồ đạc chuẩn bị đi vác đất thuê thì thấy cái bát hương vẫn ở giữa cổng nhà. Kể từ hôm ấy, tôi và anh ta quyết định nấu cơm ăn riêng.
Ít ngày sau, đứa con trai thứ 2 của tôi về nhà, nó xin tôi tải gạo để mang lên chỗ trọ nấu cơm ăn. Thấy con về anh ta lớn tiếng quát tháo: “Mày là con nhà ai? Mày vào nhà tao ăn trộm, ăn cắp gì? Bước ra khỏi nhà, không tao đánh chết?”. Nghe bố đẻ nói vậy, con tôi lặng lẽ xách gạo bỏ đi”, chị M kể tiếp.
Tháng 6 vừa rồi, sau bao nhiêu khó khăn, chị M mới chính thức ly dị được chồng. Không có nhà chị dọn ra ở nhờ người cậu ruột. Các con chị cũng bươn chải kiếm sống bên ngoài. Ông T tạm thời chiếm hữu căn nhà mà một tay chị gây dựng.
Sau khi ly hôn, hai mảnh đất (đất rừng và đất ở) của gia đình chị được tòa án định giá 1 tỷ đồng. Nhưng để giải quyết được dứt điểm chuyện phân chia tài sản thì chị phải đóng 50 triệu đồng tiền án phí.
Số tiền đó quá lớn, chị không biết phải xoay xở ra sao khi từng ngày còn phải đi làm thuê để trả nợ xây nhà. Không chỉ có thế, chị còn phải trốn chạy sự truy lùng của chồng. Vì chị còn giữ sổ đỏ nên cứ gặp ở đâu là anh ta lại lao vào uy hiếp, đòi đánh để lấy sổ.
Hiện này chị M vẫn đi vác đất, gánh gạch thuê. Tuy đã 50 tuổi nhưng người đàn bà bất hạnh này vẫn chưa khi nào thoát khỏi gánh nặng cơm áo, nợ nần.
Tên nhân vật đã được thay đổi
H. Thúy