Ba năm nay, ông bỏ bê nhà cửa, xóm làng ồn ã để ra nghĩa địa lạnh lẽo sống bên mộ vợ. Chốn quạnh hiu ấy, ông đã tỉ mẩn tạo dựng khu vườn với đủ loại cây trái...
Với nhiều người, nghĩa địa là nơi ẩn chứa nhiều ám ảnh rợn người. Nhưng, với ông thì đó là vườn địa đàng, là vườn yêu ấm áp.
Lạc đến “vườn yêu” của người đàn ông kỳ dị
Liễu Nội (Khánh Hà, Thường Tín) là làng nghề có tiếng của Hà Nội. Gia công đủ loại từ thiết bị máy móc tinh vi đến làm đồ gia dụng đơn giản nên làng giàu có, nhà cao tầng ken nhau, đông đúc chẳng kém gì phố xá.
Rìa làng, nơi xanh ngắt đồng lúa là nghĩa địa, với vô số những ngôi mộ xây kiểu cách, cầu kỳ. Dân nơi đây gọi nghĩa địa là gò, bởi ngự ở mô đất như bát úp.
Góc gò, cạnh những ngôi mồ lạnh ngắt là khu vườn với đủ loại cây trái, hoa màu xanh um rộng chừng hơn trăm mét vuông.
Khu vườn được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từ hàng rào đến từng luống rau, khóm thuốc. Vào nghĩa địa thì chỉ thấy sự chết chóc, ma mị nhưng lạc vào góc này thì thấy sự sống, sinh sôi hiển hiện mọi nơi.
Ông Thiệp bên "khu vườn tình yêu" |
Góc vườn bên phải là giàn bầu cao quá đầu người. Giàn vuông vắn, rộng chừng 2 manh chiếu, được bắc bằng đủ thứ vật liệu từ tre, gỗ, sắt thép. Toàn những thứ người ta đã bỏ đi.
Cạnh giàn bầu là vườn đỗ đang cho quả. Nhìn những quả đỗ bóng mẩy ấy cũng đủ biết chủ nhân đã chăm bón rất đỗi cầu kỳ.
Qua mấy nếp đỗ là đến vườn thuốc, trồng xen lẫn rau thơm. Ngay cổng vườn thuốc có tấm biển chữ đã nhòe mờ. “Vườn hoa, cây cảnh làm phúc giúp đời”, là những được viết nắn nót trên tấm biển ấy.
Vườn thuốc có đủ các loại cây nhưng phổ biến vẫn là những loại mà người quê hay dùng để chữa những bệnh thông thường. Giữa “vườn làm phúc” có cây ngọc lan, tuy cao chưa quá đầu người nhưng đã hoa đã trổ, thơm ngan ngát.
Cạnh gốc ngọc lan, dưới tán chuối xanh rì là cây tứ quý bé xíu. Nếu không có tấm biển cắm ngay cạnh ghi dòng chữ “Hoa và cây tứ quý tặng em ngày 8/3/2016” thì có lẽ nhiều người cũng chẳng nhận ra đó là cây gì.
Góc bên phải khu vườn cũng là vô số những cây, hoa, rau màu… Cây nào cây nấy tươi tốt, ngay ngắn, thể hiện sự chăm sóc tỉ mẩn của con người.
Lối đi được xếp bằng những viên gạch cũ dẫn chúng tôi đến chính giữa khu vườn. Nơi ấy có ngôi mộ được xây dựng cầu kỳ bằng đá xẻ. Đó là mộ đôi. Phần bên trái đã có người nằm, bên phải thì còn bỏ không.
Trên phần mộ có bia ghi tên người đã khuất ấy có tấm bảng gỗ màu nâu đề bài thơ lục bát 4 câu. Bài thơ có tên là “Lời tâm niệm của cụ Thiệp Bùi”.
“Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này xum họp lại chung một mồ”, ấy là lời thơ đề trên bảng gỗ.
Tấm bảng đề bài thơ tình được ông Thiệp đặt ngay trước bia mộ vợ mình |
Đang khám phá ngôi vườn kỳ lạ giữa nghĩa địa hiu hắt, vắng lặng thì chúng tôi bỗng giật nảy mình bởi tiếng hỏi bất ngờ: “Ai vào nhà tôi đấy!”.
Ngoảnh ra thì thấy một ông lão dáng thấp bé đang tất tả đi tới trên tay là lỉnh kỉnh những thứ không thể gọi tên. Nhìn vẻ mặt có phần hốt hoảng, lo lắng của ông lão thì chẳng cần giới thiệu tôi cũng biết cụ là ai.
“Tình chị duyên em”
Ông chính là Nguyễn Tài Thiệp, chủ nhân của “vườn yêu giữa nghĩa địa” này.
“Tôi vừa vào làng nhặt nhạnh mấy thứ đồ linh tinh để gia cố lại giàn bầu”, chỉ vào đám đồ vừa lấy về ông lão thật thà chia sẻ.
“Tôi ở đây quen rồi, về nhà là cứ thấy chân tay buồn bã, ruột gan như có ai đốt ai thiêu ấy. Đêm ngủ cũng chập chờn lắm, chỉ mong trời sáng nhanh để ra với bà ấy thôi”, vừa rót nước mời khách, ông Thiệp vừa mở đầu câu chuyện.
Giọng dí dỏm, ông Thiệp dẫn dắt chúng tôi về quãng thời gian 40 năm về trước. Quãng ấy ông mới ngoài đôi mươi và được nhiều cô gái trong vùng thầm thương trộm nhớ.
“Tôi đẹp trai nhất làng đấy, có bà mê tôi còn mua cả xe đạp cho tôi đi học nữa cơ”, ông Thiệp thật thà khoe.
Tuy có nhiều người mê nhưng gia đình ông chỉ chấm một cô thôn nữ trong làng.
Ngày ấy, bởi nghèo nên gia đình muốn ông xây dựng với người trong làng chứ không đồng ý để rước “người thiên hạ”. “Lấy gái làng khác phải có nhiều sính lễ, nhà mình nghèo không theo được nên đành chịu thôi”, ông Thiệp tâm sự.
Cứ tứ quý ông Thiệp trồng tặng vợ nhân ngày 8.3 |
Sau một thời gian qua nhà đi lại, ông cũng bằng lòng với cô gái mà gia đình đã duyệt. Tuy nhiên, đến ngày đặt vấn đề chính thức thì người ấy lại “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Người ấy bảo chỉ coi ông là bạn bởi trong tim đã có hình bóng khác.
Thất tình, ông buồn chán đến bỏ ăn. Đang quằn quại trong vũng lầy đau khổ thì có người chuyển đến cho ông lá thư viết vội trên giấy học trò. Tình thư viết vội. Một cô gái đã ngỏ lời rằng thương nhớ ông từ lâu.
Đọc đến cuối thư ông bàng hoàng khi biết người con gái mạnh bạo ấy chính là em họ của thôn nữ mà ông… cưới hụt.
Cô gái ấy bảo, bởi những lần ông sang nhà chị mình chơi, thấy ông hiền lành lại thêm phần vui nhộn nên yêu lắm. Yêu trong đau khổ thôi bởi ai dám giật ý chung nhân của chị gái mình.
“Đúng là ông trời sắp đặt, duyên số cả rồi. Nếu bà kia mà không từ chối thì chắc gì tôi đã có được mái ấm hạnh phúc đến thế”, ông Thiệp nhớ lại.
Nhận được thư tình nhưng trong lòng còn lắm nỗi phân vân nên hơn 1 tháng sau ông mới biên thư trả lời. Bởi chưa có tình cảm gì với cô gái bạo dạn trên nên thư trả lời của ông rất… cùn.
Đại ý, ông bảo: “Nhà tôi nghèo lắm, chả có gì mà cưới em. Nếu em thích thì em tự mà lo liệu!”.
Tưởng những lời cộc cằn ấy sẽ làm đối phương cụt hứng, thui chột tình cảm nào ngờ vài hôm sau ông được cái hẹn “sang nhà em nói chuyện”.
Tới nơi, cô gái ấy bảo, cô muốn cùng mình đạp xe ra Hà Nội để mua đôi chiếu. Thời ấy, trai lấy vợ, gái lấy chồng mới cần mua đôi chiếu.
“Em lấy chồng à?”, ông sốt sắng hỏi. “Vâng, em lấy chồng”, cô gái đáp. “Lấy ai?”, giọng ông gấp gáp. “Thì anh bảo em lo hết mà, lấy anh chứ còn ai nữa”, cô gái trả lời, giọng tự tin nhưng nhẹ như không.
Nghe cô gái nói vậy, ông cũng thấy xốn xang. Nghĩ “tình chị duyên em”, thôi thì cứ coi đây là sự an bài của số phận. Vậy là ông nhảy lên xe đạp đưa cô gái ấy ra Hà Nội.
Cô gái ấy chính là vợ ông, bà Nguyễn Thị Bùi, giờ đang nằm yên dưới mộ.
Càng xa, càng nhớ, càng yêu
“Ban đầu thì chỉ là lấy vợ cho có thôi, nhưng càng về sau tôi càng yêu bà ấy hơn”, ông Thiệp chia sẻ.
Sở dĩ có chuyện “tình ngày càng nồng” là bởi chiến tranh rồi điều kiện công việc thời đó. Về ở với nhau được tròn 5 năm, kịp có với nhau 3 mặt con thì ông lên đường nhập ngũ.
Những ngày xông pha chiến trận ở mãi Tây Nguyên xa xôi ông mới thấy hết được tình yêu của người vợ hiền nơi quê nhà yêu dấu. Bận ruộng đồng, bận làm nghề gia truyền nhưng tháng nào bà cũng biên cho ông những trang thư dài dằng dặc.
Thư nào cũng lời lẽ ngọt ngào, yêu thương nồng thắm. Bà mong ông lành lặn trở về để cùng bà… đẻ tiếp.
Năm 1969, bị thương ở đùi, ông được đưa ra Bắc an dưỡng. Xe qua Thường Tín, ông nhảy xuống và cứ thế tong tong chạy bộ cả chục cây số về nhà thăm vợ thăm con.
Ngày nào cũng tỉ mẩn làm việc, sau 3 năm ông Thiệp đã tặng người vợ quá cố cả một "vườn yêu" với đủ loại cây trái, cỏ hoa |
Không biết chồng về nên thình lình thấy ông trước mắt, rụng rời chân tay, ôm ông mà bà như quỵ ngã. Biết vợ nhớ mình cháy bỏng nhưng ông vẫn bông đùa: “Dính mảnh bom nên súng ống hỏng rồi!”.
Nghĩ nói đùa để người vợ suốt mấy năm trông ngóng có dịp bất ngờ nhưng đêm đó, thấy ông về, mọi người đến chơi đông nên ông cũng chẳng có điều kiện để… “thanh minh”.
Sớm hôm sau, khi trời còn chưa tỏ thì ông đã được anh trai mình chở ra xe để lên Sơn Tây điều dưỡng. Ở khu điều dưỡng đó được 2 ngày thì bà bắt xe khách lên tìm.
“May mà nơi tôi điều dưỡng anh em cũng tâm lý tạo điều kiện để hai vợ chồng gần nhau chứ không thì bà ấy còn đau khổ thêm thời gian dài nữa”, ông dí dỏm kể.
Hết thời gian điều dưỡng, ông về làm cán bộ xã. Được gần nhau, tình yêu cháy bùng ngùn ngụt. Hai người con nữa lại nối tiếp chào đời.
Đất nước giải phóng, ông nhận nhiệm vụ mới là đi xây dựng kinh tế nông trường ở mãi cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Yêu vợ thương con nhưng “nợ nước nặng hơn”, ông lại khoác ba lô lên đường. Thêm 10 năm nữa ông vắng nhà biền biệt.
“Các con tôi mình bà ấy ở nhà nuôi dạy. Nhiều lúc nghĩ thương bà ấy lắm, có chồng mà cứ như không ấy”, ông tâm sự.
Mãi đến năm 1987, khi ông nhận sổ hưu thì hai vợ chồng mới trọn vẹn bên nhau.
(Theo Tri thức trẻ)