Văn phòng Chính phủ vừa gửi Bộ GTVT và UB Quản lý vốn nhà nước tại DN văn bản liên quan đến đề xuất chuyển VNR về lại Bộ GTVT quản lý.
Sở dĩ có đề xuất này là do sau khi chuyển về UB Quản lý vốn nhà nước tại DN, VNR gặp những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh cho hay, Tổng công ty hiện nay thực hiện 3 nhiệm vụ chính: Quản lý bảo trì vận hành hệ thống đường sắt (nhiệm vụ công ích), vận tải kinh doanh đơn thuần và vận tải đối với chuyến tàu an sinh xã hội.
Từ khi Tổng công ty chuyển từ Bộ GTVT về UB Quản lý vốn nhà nước tại DN thì gặp những vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được thiết kế đồng bộ.
Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, khi được QH thông qua gói 7.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường sắt, Bộ GTVT dự kiến giao cho VNR triển khai 2 gói trong tổng vốn này.
Tuy nhiên, theo điều 49 của luật Ngân sách, VNR không phải đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, trong khi Bộ GTVT chỉ được phép giao vốn cho đơn vị trực thuộc nên Tổng công ty không được tiếp cận dự án này.
“Đây thực sự là khó khăn, nếu VNR trực thuộc Bộ thì không gặp phải khó khăn này”, ông Minh nói.
Hơn nữa, việc giao dự toán ngân sách trong năm 2020 cho công tác quản lý, bảo trì đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (gồm: tuần đường gác chắn, đảm bảo an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng) cũng bị vướng điều 49 luật Ngân sách.
Đến nay, qua 1,5 năm Bộ GTVT vẫn không giao được dự toán ngân sách cho VNR, điều này gây khó khăn trực tiếp cho Tổng công ty cũng như đơn vị thành viên.
Ông Minh nói rõ, trước đây khi đang thuộc Bộ GTVT, cứ ngày 31/12 Bộ giao dự toán ngân sách cho VNR và trước 31/12 của năm trước Tổng công ty sẽ thực hiện ký hợp đồng đặt hàng công ích với 20 công ty cổ phần làm nhiệm vụ tuần đường, gác chắn, đảm bảo thông tin tiến hiệu của đường sắt.
Thế nhưng khi chuyển VNR về UB Quản lý vốn lại không phải đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên Bộ không thể giao vốn cho tổng công ty.
Trong khi đó, UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không có nhiệm vụ cấp vốn cho VNR.
Nếu làm đúng thì phải dừng chạy tàu
Nguồn kinh phí từ dự toán ngân sách không được cấp, trong khi các phát sinh lại luôn thường trực do hệ thống đường sắt hàng trăm năm đã xuống cấp. Chỉ một thanh ray, thanh tà vẹt gãy… thì phải dừng tàu ngay nếu các công ty duy tu, bảo trì tuần đường gác chắn không còn đủ tiềm lực để duy trì hoạt động.
Đáng ra 20 công ty công ích phải nhận được hợp đồng trước 31/12 để năm sau họ cử công nhân ra tuần đường gác chắn, thế nhưng từ 1/1/2020 đến nay họ vẫn chưa được ký hợp đồng.
Các đơn vị công ích chưa thể tiếp cận được nguồn dự toán ngân sách để duy trì hoạt động |
Dù vậy, để đảm bảo an toàn tàu chạy, các công ty công ích vẫn phải cử người tuần đường, gác chắn dù biết việc này là sai. Tuy nhiên, nếu thấy sai không làm thì tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.
Từ góc độ quản lý, ông Minh thừa nhận, VNR không thể chỉ đạo các đơn vị công ích bằng mệnh lệnh hành chính vì các đơn vị này đều là công ty cổ phần. Nhưng không chỉ đạo, khi sự cố xảy ra thì Tổng công ty buộc phải dừng chạy tàu.
“Giữa 2 cái sai, chúng tôi phải chọn cái sai thấp nhất để đáp ứng nhu cầu vận tải đi lại của hành khách đảm bảo an toàn. Việc này không thể duy trì lâu vì họ không thể bỏ tiền ra mãi được, thậm chí nếu bỏ ra sau này cũng khó quyết toán”, ông Minh nói.
Ông Minh nói rõ: Vấn đề không phải là lựa chọn VNR ở lại UB hay Bộ GTVT vì cả 2 đều trực thuộc cơ quan Chính phủ. Nếu VNR ở lại UB thì phải chuyển toàn bộ kết cấu hạ tầng về cho UB quản lý. Vướng quy định pháp luật nào thì điều chỉnh quy định pháp luật đó để đảm bảo tính đồng bộ phù hợp còn Bộ GTVT thực hiện vai tròn quản lý nhà nước. Nếu chuyển về Bộ GTVT cơ chế quản lý chính sách như cũ và chỉ sửa đổi danh mục các DN chuyển về Bộ theo Nghị định 131 thì sẽ không phải sửa văn bản pháp luật kia. Giữa 2 phương án lựa chọn, Chính phủ sẽ lấy ý kiến và xem xét, quyết định lựa chọn phương án cụ thể để đảm bảo việc duy trì sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thuận lợi nhất. |
Sắp trình QH dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350km/h
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT về chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Vũ Điệp