Bạn đọc Ngô Hà Vi (Từ Sơn, Bắc Ninh) hỏi: Tôi chuyển nhầm 50 triệu sang một người khác và đã báo ngay với tổng đài do cả hai tài khoản đều cùng ngân hàng. Tôi đã đến ngân hàng để báo cáo sự việc và nhân viên ngân hàng đã rà soát, xác nhận có việc chuyển tiền. Ngân hàng này nói sẽ “khóa” số tiền đó lại, liên lạc với Hội sở yêu cầu chủ tài khoản nhận tiền chuyển trả, còn tôi về chờ. 

Tuy nhiên, chờ hơn 1 tháng sau người kia vẫn chưa chuyển trả cho tôi thì phía ngân hàng khuyên tôi nên báo công an, vì chức năng của họ chỉ làm được vậy? Sau đó, tôi xin số điện thoại người mà tôi chuyển nhầm đó để liên hệ trao đổi nhưng ngân hàng không cung cấp. Hiện, tôi chỉ biết số tài khoản và tên không dấu của người đó. Tôi tới công an phường trình báo, họ nói cũng không biết xử lý thế nào, bảo phải có thông tin xác thực của người nhận tiền. Vậy, tôi phải làm gì để lấy lại được tiền? Ngân hàng có trách nhiệm gì trong trường hợp này hay không?

{keywords}
 

Người dân nên làm gì?

Giải đáp về vấn đề trên, Luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho biết: Ngay khi phát hiện chuyển nhầm tài khoản, người dùng cần báo ngay đến ngân hàng nơi mình có tài khoản, cung cấp những thông tin cần thiết để ngân hàng có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp ngân hàng đã có những phương án xử lý, nhưng phía người nhận không chịu trả lại số tiền nhận nhầm thì người dùng có thể khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định về nghĩa vụ hoàn trả tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. 

Do đó, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người dùng có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền yêu cầu người nhận nhầm hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này sẽ khó để khởi kiện khi người dùng không nắm rõ thông tin như tên, địa chỉ của người bị khởi kiện vì ngân hàng không thể cung cấp thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Do vậy, Luật sư Khánh cho rằng, trong trường hợp này, người chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền vào cuộc để điều tra làm rõ. Khi chủ tài khoản được ngân hàng thông báo, yêu cầu hoàn trả số tiền nhận nhầm nhưng cố tình chiếm giữ trái phép thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo đó, việc cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng sẽ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. 

Như vậy, bạn có thể làm đơn tố giác đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền, tố giác hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người không hoàn trả. Cơ quan cảnh sát điều tra khi giải quyết nguồn tin tố giác về tội phạm sẽ làm việc với ngân hàng và yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng nhận nhầm để giải quyết vụ việc.

Ngân hàng có trách nhiệm gì?

Về trách nhiệm của ngân hàng, Luật sư Khánh cho biết: Đối với trường hợp chuyển nhầm tiền sang tài khoản của người khác thì ngân hàng nơi thực hiện giao dịch có trách nhiệm liên hệ, xử lý giúp cho khách hàng của mình. Khi khách hàng liên hệ và cung cấp thông tin ngân hàng phải thực hiện các bước kiểm tra, rà soát thông tin. 

Nếu đúng, ngân hàng sẽ liên hệ với chi nhánh quản lý tài khoản nhận nhầm và yêu cầu người nhận hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó. Trường hợp số dư trong tài khoản còn đủ thì ngân hàng yêu cầu ngân hàng nhận lệnh hoàn trả lệnh thanh toán theo quy định tại Điều 33 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia. Trường hợp không đủ số dư thì ngân hàng thông báo, đề nghị người nhận nhầm hoàn trả số tiền.

Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng nêu rõ: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan”. 

Do đó, việc ngân hàng không cung cấp thông tin cho người dùng là có căn cứ. Chỉ có các cơ quan được quy định mới được yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin liên quan để giải quyết vụ việc.

(Theo Pháp Luật Việt Nam)