Thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế khi tham gia các cam kết quốc tế cần tiến hành quá trình pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm đảm bảo điều ước quốc tế (ĐƯQT) được tuân thủ và thi hành trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, quá trình này còn gọi là chuyển hóa ĐƯQT.

Để nội luật hóa các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14, trong đó nêu rõ việc cần thiết phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản luật như: Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật An toàn thực phẩm năm 2010...

{keywords}
Việc chuyển hóa FTA thế hệ mới vào nội luật không phải là một công việc đơn giản. Trong thời gian qua, về cơ bản, quá trình này đã được Việt Nam thực hiện khá tốt. Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã liệt kê các nội dung cam kết trong Hiệp định được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam như đối với lĩnh vực doanh nghiệp bao gồm: Biểu thuế tại Phụ lục Chương 2 của Hiệp định; khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”; Các nội dung liên quan đến: Trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, phòng vệ nông nghiệp, miễn giấy chứng nhận xuất xứ, minh bạch hóa, biện pháp khẩn cấp, trao đổi thông tin giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư…

Trong trường hợp ĐƯQT không đáp ứng đủ các điều kiện để áp dụng trực tiếp như: Nội dung của ĐƯQT chưa đủ rõ hoặc chưa đủ chi tiết mà cần thiết phải hướng dẫn, giải thích thêm thì thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản QPPL hiện hành để thực thi ĐƯQT (còn gọi là phương pháp nội luật hóa).

Để nội luật hóa các cam kết trong CPTPP, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14, trong đó nêu rõ việc cần thiết phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản luật như: Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật An toàn thực phẩm năm 2010... để đảm bảo phù hợp, tương thích với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này.

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều quy định của các ĐƯQT được nội luật hóa thành các quy định pháp luật của Việt Nam. Trong lĩnh vực tài chính, công tác nội luật hóa được thực hiện tương đối để phục vụ yêu cầu mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể kể đến Nghị quyết số 292/NQ-UBTVQH19 ngày 8/11/1995 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của các nước ASEAN; Chính phủ đã ban hành danh mục hàng hóa và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định; Bộ Tài chính đã có hướng dẫn thực hiện Hiệp định; Các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng và Thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng đã được chỉnh sửa, bổ sung để thực thi cam kết quốc tế. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ưu đãi đặc biệt để thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên…

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA song phương và đa phương, trong đó có một số FTA thế hệ mới như: CPTPPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực… So với các FTA trước đây, với mức độ cam kết chủ yếu tập trung vào chính sách thuế quan tại biên giới, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết sau này có những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn, thể hiện ở những đặc điểm sau:

(i) Mức độ tự do hóa sâu với mức độ mở cửa thị trường cao thể hiện thông qua việc xóa bỏ phần lớn các dòng thuế. Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam.

(ii) Phạm vi cam kết rộng, bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới như: doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, lao động - công đoàn, môi trường...

(iii) Chứa đựng nhiều cam kết về thể chế, chính sách pháp luật nội địa (những vấn đề sau đường biên giới).

(iv) Đối tác FTA thế hệ mới đặc biệt lớn, có thể kể đến những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU và Nhật Bản.

Với những đặc điểm nêu trên, có thể thấy các FTA thế hệ mới sẽ tác động đáng kể đến việc mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với nhà nước, các FTA thế hệ mới sẽ tạo động lực cho một làn sóng cải cách thể chế và hành chính mới, cải thiện môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam; đồng thời là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Thu Thủy