Trung tuần tháng 10/2018 này, lần lượt tại Hà Nội và TP.HCM, đã diễn ra hội thảo chủ đề “Sử dụng thiết bị di động nhằm xóa bỏ rào cản trong doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam”(Using mobile devices to address disadvantages among small businesses in Vietnam) do Chính phủ Úc tài trợ, trường Victoria và Monash (Úc) phối hợp tổ chức. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Ban tổ chức, hội thảo “Sử dụng thiết bị di động nhằm xóa bỏ rào cản trong doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ chương trình Australia Awards Fellowships 2018 do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ nhằm mục đích chuyển giao tri thức về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có người khuyết tật.

Đồng thời, hội thảo này cũng tạo cơ hội cho các chủ doanh nghiệp được giao lưu trực tiếp với các giáo sư Đại học từ Đại học Victoria, Đại học Monash (Úc) và các cán bộ nhà nước thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín như TS. Misita Anwar, Phó Giáo sư Graeme Johanson cùng đến từ Đại học Monash (Úc); Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Nguyễn Thị Thu Giang; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Thành phố Hà Nội Mai Thị Thùy; TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT; chị Đào Thu Hương (khiếm thị), Điều phối viên dự án, Tổ chức Cứu trợ Quốc tế Samaritan’s Purse Vietnam… , hội thảo “Sử dụng thiết bị di động nhằm xóa bỏ rào cản trong doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam” đã tập trung thảo luận một số các vấn đề nổi bật về tình hình ứng dụng CNTT nói chung và sử dụng thiết bị di dộng nói riêng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và Úc, những rào cản về công nghệ với người khuyết tật và sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị di động cho người khuyết tật ở Việt Nam.

Trong tham luận tại hội thảo tổ chức ở Hà Nội, đề cập đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ ở Việt Nam và trong các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nước ta, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT cho biết, theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (năm 2017), trong Quốc hội, tỷ lệ nữ chiếm 24,4%, xếp thứ 43/143 nước. Ở địa phương, tỷ lệ cán bộ nữ trong các Hội đồng Nhân dân tỉnh, huyện, xã lần lượt là 25%, 24% và 21%. 40% lãnh đạo Bộ, ngành và 28 lãnh đạo tỉnh là phụ nữ.

Thống kê về vai trò của phụ nữ trong công việc cho hay, từ năm 2010 đến năm 2016, tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan nhà nước đã tăng từ 26,7% lên 28,5%; tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực giáo dục tăng từ 68,4% lên 73,1%; trong lĩnh vực Y tế, xã hội tăng từ 61,8% lên 62%; với lĩnh vực Nghệ thuật, giải trí tỷ lệ phụ nữ làm trong lĩnh vực này cũng đã tăng từ 50,1% lên 52,1%; các dịch vụ khác tăng từ 41,6% lên 45,8%; phụ nữ làm việc tại nhà tăng từ 90,8% lên 96,1%.Tỷ lệ phụ nữ làm trong các tổ chức quốc tế và phi chính phủ tăng từ 43,7% năm 2010 lên 42,4% vào năm 2016.

“Việt Nam có môi trường hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ cũng như phát triển CNTT, thể hiện trong các Luật liên quan đến CNTT và phụ nữ ở Việt Nam như: Luật bình đẳng giới 2006 và 2015; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật CNTT 2006, Luật Viễn thông 2012”, ông Tuyên cho hay.

Đáng chú ý, trong tham luận của mình, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Nguyễn Thanh Tuyên cũng thông tin, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm 61,4%). Những loại dịch vụ và hàng hóa chủ yếu đang được họ bán qua mạng như: hàng hóa (hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…), dịch vụ (đào tạo từ xa, tư vấn, giải trí, nhạc trực tuyến).

Ông Tuyên cũng cho biết thêm: “Bên cạnh gmail là phương tiện giao dịch chính, các nữ doanh nhân còn dùng Viber, Facebook Messenger  để trao đổi thông tin hàng ngày,  gọi điện hoặc thực hiện những nhiệm vụ đơn giản. 100% nữ doanh nhân sử dụng điện thoai di động”.

Tuy nhiên, vị Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức với các nữ doanh nhân tại Việt Nam như: thiếu kiến thức, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại và cơ hội kết nối nhằm phát triển kinh doanh (có tới 55% nữ doanh nhân muốn được đào tạo và hỗ trợ để nâng cao kiến thức, theo IFC 2006; 33,8% chỉ có trình độ cao đẳng hoặc thấp hơn, theo GSO 2014); nữ doanh nhân phải cân đối giữa công việc và gia đình; khó khăn nhất là tài chính, doanh nhân nữ gặp khó khăn trong việc chi trả cho CNTT và đào tạo; nguồn nhân lực tuy có sẵn nhưng nhiều người thiếu thông tin…

Cũng tại hội thảo chủ đề “Sử dụng thiết bị di động nhằm xóa bỏ rào cản trong doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam”, các đại biểu đã được những diễn giả khác chia sẻ về nhiều chủ đề đáng quan tâm như: “Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ” của TS. Misita Anwar- Khoa CNTT, Đại học Monash (Úc); “Những khó khăn, chính sách và công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật tại Úc” của Phó Giáo sư Graeme Johanson, Đại học Monash (Úc); “Thực trạng ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ tại Việt Nam” của Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp và và nhỏ Hà Nội; “Những giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ” của bà Nguyễn Thị Thu Giang- Tổng thư ký VINASA; “Những rào cản về công nghệ với người khiếm thị và đề xuất chính sách hỗ trợ công nghệ cho người khiếm thị tại Việt Nam” của diễn giả Đào Thu Hương (khiếm thị) đến từ Tổ chức Cứu trợ quốc tế Samaritan’s Purse Vietnam Samaritan’s.