Theo ông Khoa, phát triển bền vững là yếu tố sống còn trong quy hoạch và phát triển bất cứ đô thị nào. Với vị trí địa lý đặc thù, TPHCM là đô thị dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, ngập lụt và nước biển dâng.
Thành phố cũng cần khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị cần gắn với không gian xanh, hành lang xanh, công viên mở… Giao thông công cộng hiện đại, đặc biệt là mạng lưới metro và xe buýt điện, cũng đóng vai trò then chốt trong việc giảm khí thải và cải thiện môi trường sống.
Đáng chú ý, TS Khoa lưu ý đến “bài toán cũ nhưng nan giải”, là hệ thống thoát nước của TPHCM.
“Hệ thống được xây từ thời Pháp, thiết kế cho 500.000 dân, trong khi dân số hiện nay của thành phố đã gần 10 triệu người. Việc cải tạo là bắt buộc để ứng phó với ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Mọi công trình hạ tầng lớn như cao tốc, cảng biển, đường sắt liên tỉnh… cần được thiết kế với tiêu chuẩn khí hậu thích ứng, sử dụng vật liệu sạch và công nghệ thân thiện môi trường”.
Yếu tố trụ cột thứ 3 là nguồn nhân lực. TS Khoa nhận định đây là yếu tố then chốt cho mọi sự phát triển. Theo ông, TPHCM cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ông đề xuất đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu - mô hình mà nhiều nước châu Âu đã thực hiện hiệu quả. Việc liên kết đào tạo liên ngành, xuyên quốc gia sẽ tạo ra đội ngũ nhân lực có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Tinh gọn bộ máy, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung
Trong bối cảnh làn sóng cải cách hành chính đang được xúc tiến mạnh mẽ từ Trung ương, thì TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - được kỳ vọng sẽ tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa quản trị và định hình lại mô hình phát triển phù hợp với tầm vóc một đô thị lớn trong khu vực.
Theo TS Đinh Thanh Hương - Giám đốc điều hành Tri thức và Dự án AVSE Global, từ năm 2023, tổ chức đã tư vấn cho chính quyền TPHCM một chương trình cải cách hành chính gồm nhiều vấn đề, gồm: tinh giản bộ máy, hiệu quả hóa bộ máy và số hóa toàn diện.
“TPHCM có nền kinh tế tư nhân rất năng động, nhưng bộ máy hành chính lại chưa bắt kịp tốc độ phát triển đó. Việc tinh gọn bộ máy là điều kiện tiên quyết để thành phố có thể vận hành hiệu quả và phản ứng nhanh với nhu cầu phát triển” - TS Hương nhận định.