"Mới năm nay thôi, tôi đến dùng bữa ở một chuỗi nhà hàng toàn quốc. Tôi chắc chắn họ đã cho mình ăn thịt bò dù thực đơn ghi đó là thịt cừu", Joanna Blythman, nhà báo điều tra từng giành giải "Food Writer of the Year 2018" chia sẻ với Daily Mail.

Với kinh nghiệm 30 năm đánh giá nhà hàng, Joanna khẳng định trực giác của bà không thể sai. "Bản chất thịt cừu khác với bò. Chúng thơm và có giá đắt hơn. Khi tôi yêu cầu quản lý vào bếp kiểm tra xem có sự pha trộn nào không, cô ta quay lại và nói bếp trưởng khẳng định đó là thịt cừu", Joanna kể.

Nhà báo 64 tuổi không muốn lộ thân phận của mình chỉ để chứng minh thành phần của đĩa thịt. Do đó, bí mật về đĩa thịt bò đội lốt thịt cừu vẫn chưa được sáng tỏ...

{keywords}
Thịt cừu là một trong những món ăn thường bị tráo bởi thịt bò rẻ tiền hơn. Ảnh: Simply Recipes Foods.

Những "cú lừa" khó bắt dính

"Trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, khả năng thực khách bị lừa là vô tận. Cơ hội bắt tận tay những kẻ lừa đảo lại rất mong manh", nhà báo kỳ cựu nhận xét.

Giáo sư Chris Elliott, người đứng đầu cơ quan phòng chống gian lận thực phẩm tại Vương quốc Anh cho rằng đây là một ngành đặc thù thiếu sự kiểm tra sát sao do vấn đề chi phí. Ở Anh, xứ Wales và cả Bắc Ireland, số người kiểm tra chỉ vỏn vẹn là 3. Trong khi đó, số cơ sở thực phẩm có thể lên đến cả nghìn. Tỷ lệ này là quá thấp để bắt dính nếu có cơ sở nào gian dối trong khâu chế biến.

Dù là một nhà báo điều tra kỳ cựu, Joanna cũng không thể nói chính xác xác suất các nhà hàng lừa "thượng đế" của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn vào vụ kiện gần đây của một chuỗi nhà hàng lớn như Ask Italy, Joanna phỏng đoán khả năng này "xảy ra nhiều hơn chúng ta nghĩ".

Đầu tháng 1/2020, một cuộc kiểm tra định kỳ của Hiệp hội Tiêu chuẩn Hàng hóa Swansea đã phát hiện Ask Italy gian dối trong khâu chế biến thực phẩm. Món Aragosta e Gamberoni, gồm tôm hùm và tôm thương phẩm cỡ đại, trị giá gần 20 USD, hóa ra là một hỗn hợp hổ lốn. Họ dùng tôm hùm, cá trắng và nhiều thành phần khác để tạo ra hương vị và hình thức như tôm hùm tự nhiên.

"Án phạt 50.000 USD mà tòa đưa ra là quá nhẹ", Joanna bức xúc.

{keywords}
Những gì diễn ra trong gian bếp còn là ẩn số với cả các chuyên gia. Ảnh: Washington Post.

Hải sản, đặc biệt những loại đắt như tôm, cua, sò điệp, là các món mà nhà hàng dễ "tráo đồ" nhất. Nếu một món cá được thái nhỏ, tẩm bột rán, cơ hội phát hiện ra sự khác biệt giữa loại đắt và rẻ với khách thông thường gần như bằng không.

Năm 2016, các nhà khoa học đã sử dụng máy xét nghiệm DNA để kiểm tra chất lượng cá bên trong những miếng sushi làm sẵn. Kết quả là 10% trong số này không được miêu tả chính xác như trên thực đơn. Thịt cừu giả mà Joanna từng ăn cũng thuộc nhóm hay bị đánh tráo nhất.

Năm 2018, chủ sở hữu nhà hàn Concord Pizza ở Sheffield (Anh) đã bị phạt tới 1.200 USD vì bán thịt cừu làm từ thịt bò. Đây chỉ là số ít các nhà hàng take away bị truy tố vì đánh tráo 2 loại thịt dễ nhầm lẫn này.

Nhà hàng có đáng tin hơn take away?

Báo cáo gian lận thực phẩm năm 2017 từ công ty bảo hiểm NFU Mutual cho thấy 42% người được hỏi cảm thấy đồ ăn từ các cửa hàng take away là thiếu tin cậy nhất.

Tuy nhiên, sự thật là những nhà hàng lớn cũng vướng phải các vấn đề tương tự. Năm 2010, một cuộc điều tra diện rộng bậc nhất trong lịch sử hiện đại của Anh đã được thực hiện bởi các nhân viên Hiệp hội Tiêu chuẩn Hàng hóa Lancashire. Họ lựa chọn 41 nhà hàng ngẫu nhiên để khảo sát. Kết quả là 32 cơ sở bị đánh giá gian dối so với những gì ghi trên thực đơn.

Hến tươi hóa ra là hàng đông lạnh. Trứng gà được chăn thả tự nhiên cũng chỉ là lời nói dối. Thịt bò Bowland quảng cáo đến từ trang trại cao cấp lại được nhập ở các nhà cung cấp vùng Merseyside (Anh)...

"Thực đơn thường bị phóng đại quá mức. Họ thường ghi phần mô tả khá mơ hồ để giải thích hợp lý khi cần", Joanna chia sẻ.

{keywords}
Nhà hàng có nhiều mánh khóe để qua mặt thực khách. Ảnh: Prague Truffle.

Món truffle risotto có giá khoảng 20 USD. Hình thức món này khá ổn, hương thơm quyến rũ khiến nhiều người nghĩ đó là nấm truffle tươi được đào từ dưới đất lên. Thực tế, bạn có khả năng đã ăn phải món sử dụng dầu nấm truffle tổng hợp. Các chất hóa học giúp tái tạo vị nấm thơm ngon như truffle tươi.

Một trong những hình thức lừa đảo khách hàng khá thông dụng ở Anh là mua các bữa ăn được chuẩn bị sẵn. Cách làm này giúp nhà hàng tiết kiệm được khá nhiều chi phí và công sức mà thực khách vẫn nghĩ đó là một bữa ăn chuẩn bị kỳ công.

"Họ ngồi đó và đợi đồ ăn mang đến tận cửa. Sau đó, vài nguyên liệu tươi được thêm vào làm màu. Bao nhiêu người có khả năng nhận ra điều đó?", Joanna đặt câu hỏi.

Một trong những món trên thực đơn khiến Joanna chú ý là "bắp bò hầm". Cái tên của món này gợi ra sự tỉ mẩn trong khâu chế biến và độ tươi ngon của thịt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Brakes, nhà cung cấp thức ăn hàng đầu cho các nhà hàng, thực tế lại khá phũ phàng.

"Hầm khiến món thịt mềm, dễ dàng chia trong các túi nhỏ. Nó phù hợp dùng cho lò vi sóng rã đông hoặc đun sôi sau khi đem ra từ tủ lạnh. Một món lý tưởng để tiết kiệm thời gian, công sức...", người này chia sẻ.

Món bánh pudding chocolate nóng hổi cũng là lựa chọn ưa thích của nhiều người. Dưới tác động nhẹ nhàng của chiếc thìa, phần nhân bên trong trào ra, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi chiếc được bán ở Anh với giá khoảng 9 USD. Tuy nhiên, đó có thể không phải tác phẩm do chính đầu bếp của nhà hàng làm riêng cho bạn.

Một đầu bếp lâu năm tiết lộ nơi ông làm việc từng mua loại bánh này với giá rẻ gấp 4 lần. Phần mô tả được ghi như sau: "Bánh pudding đậm chất Italy, nhân chocolate mềm và dẻo, có thể giã đông sau 30 giây". Đó là sự thật phũ phàng bạn hoàn toàn có thể gặp phải khi ăn ở bất kỳ nhà hàng nào.

Việc thành lập một đội tuần tra đến khắp các nhà hàng, thậm chí là bên trong bếp là điều gần như không thể xảy ra. Có lẽ, chỉ niềm tin và vị giác mới giúp các "thượng đế" không bị gạt bởi những mánh khóe của nhà hàng gian manh...

(Theo Daily Mail/ Zing)