Tổn thương vì chồng vô tâm
Chị Minh (32 tuổi, Hà Nội) lấy chồng được 5 năm, có một cậu con trai nhỏ. Chị làm nhân viên hành chính, còn chồng làm trưởng phòng ở một công ty công nghệ. Chồng có thu nhập cao nên chị chưa bao giờ phải đau đầu về vấn đề tài chính, chi tiêu của gia đình. Thứ khiến chị Minh nhiều đêm khóc thầm là vì chồng quá vô tâm.
“Chồng người ta ngọt ngào bao nhiêu thì chồng em khô khan bấy nhiêu, chẳng bao giờ nói được câu “anh yêu em” hay “chồng yêu vợ”. Vợ cắt tóc hay có quần áo mới chồng cũng không bao giờ biết.
Kỷ niệm 5 năm ngày cưới, em lên kế hoạch để cả gia đình đi du lịch, vợ chồng hâm nóng tình cảm cho lãng mạn. Nhưng anh ấy bảo: “Hôm đó anh còn phải về quê ăn giỗ. Hay cả nhà mình cùng về đi, về quê cũng là đi du lịch mà”, chị Minh than thở với chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.
Đến sinh nhật vợ, bạn bè người thân nhớ tới chúc mừng, chỉ có chồng là quên. Chị Minh hỏi thì chồng ngơ ngác: “Hôm nay là mùng 1 hay rằm à?”.
“Nhưng ức chế nhất là lần em bị ngã xe. Va chạm nhẹ thôi nên người em không sao, chỉ có xe là bị trục trặc. Em gọi điện báo cho chồng là mình ngã xe, anh ấy hỏi có cần ra giúp không nhưng em nói ở ngay gần nhà, tự xử lý được. Vậy là anh ấy cũng thôi, không ra.
Một lúc sau em vừa dắt xe về đến cổng thì chồng từ trong nhà chạy ra hỏi: “Thế cái xe có sao không?”. Em không thèm đáp, cứ thế dắt xe vào trong mà hai hàng nước mắt tuôn rơi”, chị Minh kể tiếp, giọng nghẹn ngào.
Vì sao chồng vô tâm?
Trong hành trình tư vấn hôn nhân, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh gặp không ít trường hợp vợ than vãn chồng vô tâm.
Theo chuyên gia, nhìn ở góc độ tâm lý, phụ nữ thường có nhiều suy nghĩ phức tạp hơn đàn ông. Hầu hết chị em chú ý đến chi tiết, sống cảm xúc, quan trọng lời nói. Trong khi đó, đàn ông suy nghĩ đơn giản, thiên về hành động, nhìn mọi việc theo cách ít phức tạp nhất. Nhiều chị em muốn được chồng quan tâm nhưng lại không nói ra mà muốn chồng tự hiểu, nếu chồng không hiểu theo ý mình thì đánh giá là chồng vô tâm.
Một nguyên nhân quan trọng khác là người chồng cũng đang bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương từng trải qua trong quá khứ. Điều này có thể bắt nguồn từ cách nuôi dạy, quan tâm của mỗi gia đình.
Nữ chuyên gia lý giải: “Ngày các anh chồng còn nhỏ, có thể do bố mẹ bận làm, không có thời gian quan tâm đến cảm xúc của con, để ý con đang vui hay đang buồn. Những người đàn ông ấy cũng chưa bao giờ được nghe lời yêu thương từ bố mẹ. Họ cũng chưa bao giờ nghe bố nói với mẹ những câu như “anh yêu em”, “chồng yêu vợ”…
Những trải nghiệm, kí ức ấy ăn sâu vào tiềm thức của họ. Họ thiếu sự quan tâm nên lớn lên không biết cách quan tâm người khác. Đến khi lập gia đình, họ sẽ vô thức lặp lại hành vi giống như những trải nghiệm trong quá khứ, dẫn đến vô tâm với vợ, con”.
Do vậy, muốn “trị” tính vô tâm của chồng, chị em không nên để chồng “tự hiểu”. Hãy thẳng thắn trao đổi những điều mình muốn để chồng nắm bắt. Đồng thời, cần “chữa lành” những tổn thương trong quá khứ cho chồng, bắt đầu từ việc quan tâm, nói những lời yêu thương với chồng. Từ đó, giúp chồng quen dần với “ngôn ngữ chữa lành”, nhận được sự quan tâm và dần biết cách quan tâm người khác.
Nghe lời tham vấn của chuyên gia, ngày nào Minh cũng gọi người đàn ông của mình là “chồng yêu” và nói những ngôn ngữ yêu thương.
Mấy ngày đầu tiên, chồng chị Minh chưa quen còn bảo: “Mẹ mày dạo này lạ thế. Nghe ở đâu mấy thứ nhảm nhí rồi về nói lung tung”. Thế nhưng Minh vẫn kiên trì.
Sau một tháng chị ngạc nhiên khi một buổi sáng nghe chồng hỏi: “Ô thế vợ hôm nay chưa đến lúc bị hâm nhỉ”. Tức là chồng của Minh đã bắt đầu thích được vợ gọi “chồng yêu”. Chưa thấy vợ gọi thì nhớ.
Sau một thời gian, dần dần chị cũng thấy chồng thay đổi, không còn vô tâm như trước nữa.
Quang Trường