Chiều 15/4, UBND quận Hoàn Kiếm cùng chuyên gia Pháp đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về diện mạo mới của biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài, sau gần 1 năm trùng tu. Trong đó, nhiều ý kiến trái chiều về màu sơn vàng và đỏ đậm của căn biệt thự.
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án cho biết, căn biệt thự chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng, chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo ông Emmanuel Cerise, các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu.
Đặt vấn đề về việc, thời gian gần đây, có một số dự án tôn tạo, trùng tu các biệt thự Pháp cổ đi theo hướng lựa chọn gam màu nhạt đi, cố tình thể hiện nhuốm màu thời gian, ông Emmanuel Cerise khẳng định: “Đây không phải cách bảo tồn công trình thật sự, phải tôn trọng cái gốc khi mới được xây dựng”.
"Nếu cố tình làm nhạt nhòa theo thời gian thì sau một thời gian nữa, dưới tác động của mặt trời, màu lại nhạt tiếp. Do đó, gam màu này trong thời gian tới có chút điều chỉnh nhưng về cơ bản sẽ không thay đổi. Gam màu gốc của công trình là như thế này", ông Emmanuel Cerise nói.
Về tiến độ và chất lượng dự án, ông Emmanuel Cerise khẳng định, đây là dự án trùng tu biệt thự cổ chứ không phải dự án khôi phục. Bởi nếu như khôi phục phải đưa về đúng hiện trạng như ban đầu công trình mới được xây dựng. Trong khi bắt đầu dự án, một số bộ phận không thể khôi phục. Đơn cử, cầu thang, ống thang đã bị phá bỏ rất lâu, sàn gỗ bị phá bỏ. Nền sân mới đã nâng lên hơn 40cm.
“Nhiều dự án trùng tu biệt thự cổ ở Hà Nội rất khó để khôi phục hoàn toàn, mà phải dựa trên hiện trạng hiện tại, còn cái gì cố gắng giữ cái đó” – vị chuyên gia cho biết.
Chuyên gia độc lập nói gì?
Trao đổi với PV VietNamNet, KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia phản biện độc lập cho rằng, bảo tồn biệt thự cũ của Pháp có giá trị ở Hà Nội là việc rất cần thiết. Việc này Hà Nội chưa làm được nhiều, kéo dài nhiều năm.
Theo ông Tùng, nguyên tắc bảo tồn các biệt thự này không phải là cổ vật, mà là công trình có hoạt động đời sống con người nên làm sao phải thích nghi và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Nguyên tắc bảo tồn là phải bảo toàn hình thức, kiến trúc nguyên gốc từ màu sơn, hình dáng cửa, chi tiết… Việc này không khó bởi hầu hết các biệt thự Pháp đều có lưu trữ hồ sơ có thể đầy đủ hoặc chưa đầy đủ.
Đánh giá về biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo, theo ông Tùng, quá trình thi công tu bổ biệt thự có sự tham gia của nhóm chuyên gia người Việt và người Pháp uy tín nên được làm một cách mẫu mực.
“Tôi thấy rằng, ở đây ngay gờ cửa đã có sự khác nhau trước và sau. Đường phân vị của mảng tường thành màu đỏ, nếu có thì Pháp họ thường làm gạch đỏ chứ không phải sơn đỏ. Theo tôi, việc sơn vàng toàn bộ biệt thự rồi giải thích làm thử nghiệm là không đúng” – ông Tùng nêu ý kiến.
Trước ý kiến của quận Hoàn Kiếm cho biết, các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu theo đúng bản gốc nhằm đảm bảo tính chuẩn xác tối đa cho công trình, ông Tùng cho rằng, làm như vậy là chưa thấu đáo.
“Việc sơn cả một toà nhà đề thử nghiệm đi tìm màu gốc là không đúng, một sự lãng phí. Có thể sơn ở một mảng tường hoặc phía sau công trình để thử nghiệm. Nhiều kỹ thuật sơn, có thể thực hiện trên nền tảng công nghệ” – ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng dẫn chứng, trước đây việc sơn thử từng được thực hiện ở mặt trước Nhà hát lớn dư luận cũng có ý kiến và sau đã sơn lại màu nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng, khi bảo tồn biệt thự Pháp giá trị cảnh quan rất quan trọng. Không chỉ ngôi biệt thự mà phải chú ý đến cảnh quan xung quanh đó.
Theo ông, từ việc thực hiện bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo có những bài học để thực hiện bảo tồn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo cùng với Đại sứ quán Pháp bên cạnh. Từ đó tạo nên chuỗi công trình Pháp, một điểm nhấn khu vực về cảnh quan đô thị.